Bài tập 2. Khai thác các tư liệu dưới đây giúp em biết những điều gì về chính sách cai trị của chính quyền thực dân ở một số nước Đông Nam Á?
Tư liệu 1. Chính quyền thực dân thường chia một nước hoặc vùng thuộc địa thành các vùng, miền với các hình thức cai trị khác nhau và do đó, dân cư mỗi vùng trong một nước lại chịu nhiều hình thức cai trị khác nhau, tạo ra sự mâu thuẫn giữa họ với nhau để thực dân dễ bề cai trị... Ví dụ, khi thống trị ở Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và Brunei, thực dân Anh đã hoà trộn ba khu vực này vào nhau, sau đó chia thành bốn khu vực mới với chế độ cai trị khác nhau.
(Theo Lương Ninh (Chủ biên), Lịch sử Đông Nam Á, NXB Giáo dục, 2005, tr. 233-234)
Tư liệu 2. Ở In-đô-nê-xi-a, Hà Lan giữ quyền ưu đãi và thực hiện chế độ bảo vệ quan thuế cho các thương thuyền Hà Lan. Nhờ đó, hàng dệt nhập khẩu của Hà Lan năm 1819 chiếm 1/3 nhưng đến năm 1830 đã chiếm 2/3 tổng số hàng nhập khẩu.
(Theo Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, NXB Giáo dục, 2006, tr. 393)
Tư liệu 3. Theo quy định, đàn ông Phi-líp-pin từ 16 đến 60 tuổi phải đóng 10 rê-an cho chính quyền, 1 rê-an cho nhà thờ và 1 rê-an cho ngân khố huyện. Thuế này có thể trả bằng tiền hay bằng sản phẩm. Bọn thống trị thực dân lại thích thu bằng hiện vật vì chúng có thể tha hồ trả giá rẻ và đong đếm gian lận.
(Theo Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, Sđd, tr. 414)
Tư liệu 4. Thực dân Hà Lan ra sức xây dựng các công trình phòng thủ, ra lệnh cho lãnh chúa bắt nông dân xây dựng con đường từ Tây Gia-va đến Đông Gia-va, dài 1.000 km. Trại lính mọc lên khắp nơi, công binh xưởng, quân y viện và các pháo đài kiên cố được xây dựng ở những thành phố quan trọng như: Ba-ta-vi-a, Su-ra-bai-a, Sê-ma-rang,... Xương máu hàng vạn nông dân đã đổ vào các công trình trên.
(Theo Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, Sđd, tr. 391)
Bình luận