Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 11 Cánh diều: Đề tham khảo số 5

Trọn bộ đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 11 Cánh diều: Đề tham khảo số 5 bộ sách mới Cánh diều gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ THI CUỐI KÌ 2 NGỮ VĂN 11 CÁNH DIỀU ĐỀ 5

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) 

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Bạn hãy tưởng tượng cuộc đời như một trò chơi tung hứng. Trong tay bạn có năm quả bóng mang tên là: công việc, gia đình, sức khoẻ, bạn bè, và tinh thần. Bạn sẽ hiểu ngay rằng công việc là quả bóng cao su. Vì khi bạn làm rơi nó xuống đất, nó sẽ nảy lên lại. Nhưng bốn quả bóng còn lại – gia đình, sức khoẻ, bạn bè và tinh thần – đều là những quả bóng bằng thủy tinh. Nếu bạn lỡ tay đánh rơi một quả, nó sẽ bị trầy xước, có tì vết, bị nứt, bị hư hỏng hoặc thậm chí bị vỡ nát mà không thể sửa chữa được. Chúng không bao giờ trở lại như cũ. Bạn phải hiểu điều đó và cố gắng phấn đấu giữ cho được sự quân bình trong cuộc sống của bạn.

Bạn đừng tự hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh mình với người khác vì mỗi chúng ta là những con người hoàn toàn khác nhau. […]

Bạn chớ đặt mục tiêu của bạn vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ có bạn mới biết rõ điều gì tốt nhất cho chính mình […]

Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Chỉ bằng cách sống cuộc đời mình trong từng khoảnh khắc của nó, bạn sẽ sống trọn vẹn từng ngày của đời mình. […]

Bạn chớ quên nhu cầu tình cảm lớn nhất của con người là cảm thấy mình được đánh giá đúng. […]

Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua.

(Trích bài phát biểu Sống trọn vẹn từng ngày của tổng giám đốc Tập đoàn Cocacola; Quà tặng cuộc sống)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính?

Câu 2 (1.0 điểm): Nêu và chỉ ra hiệu quả của các biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản?

Câu 3 (0.5 điểm): Vì sao khi so sánh mình với người khác lại là cách chúng ta hạ thấp mình?

Câu 4 (2.0 điểm): Anh, chị hiểu thế nào về câu sau: Cuộc đời không phải là đường chạy. Nó là một lộ trình mà bạn phải thưởng thức từng chặng đường mình đi qua? Hãy trả lời bằng một đoạn văn từ 7- 10 dòng.

B. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Hãy viết một đoạn văn (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. 

Câu 2 (4.0 điểm): Cảm nhận của anh chị về chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

Hướng dẫn trả lời

  • A. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương pháp biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2:

- So sánh (cuộc đời như một trò chơi tung hứng, công việc là quả bóng cao su, gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần là những quả bóng bằng thủy tinh) => Lối so sánh hình tượng này tạo sự tương tác giữa các giá trị sống quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.

- Điệp cấu trúc (bạn… chớ để/ chớ đặt/ chớ quên…) khẳng định, nhấn mạnh ý thức, vai trò của bản thân trong cuộc đời.

Câu 3:

Khi đem ra so sánh mình với người khác, cả người so sánh và cả người bị đem ra so sánh đều bị tổn thương và không được tôn trọng. Bởi vậy, hãy biết trân trọng những gì mình có bởi chúng ta là một cá nhân đặc biệt; chúng ta hãy sống cuộc sống trọn vẹn của chính mình.

Câu 4:

- Cuộc đời không phải là một đường chạy liên tục và bằng phẳng  để chúng ta có thể dễ dàng đến đích hay vội vàng bang qua.

- Cuộc đời là một lộ trình bao gồm nhiều chặng đường dài: có thể là chặng đường đang sống, có thể là chặng đường đã qua, cũng có thể là chặng đường ta định tới: có vui - buồn, có khổ đau - hạnh phúc, có thành công - thất bại, thậm chí phải trả giá bằng máu và nước mắt. Để có một cuộc đời trọn vẹn ta phải suy ngẫm “thưởng thức”, “nhấm nháp” lần lượt tất cả những điều đó.

  • B. PHẦN VIẾT

Câu 1:

Nếu ví cuộc sống này như là nước, liệu bạn có thể lấy tay nắm giữ được nó hay không? Thật khó, nhưng bạn có thể suy ngẫm về câu trả lời đó qua lời khuyên: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai. Ý kiến trên nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc sống cho hiện tại, cần biết trân trọng những khoảnh khắc đang diễn ra, chứ không phải mãi mải mê với quá khứ và mơ mộng về tương lai. Thực vậy, hiện tại, những gì đang diễn ra là thứ đang trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Nó là những gì hiện hữu mà bạn phải trải qua, phải sống hết mình cho nó. Hiện tại là thời điểm để khẳng định cái tươi đẹp của quá khứ và nền tảng mở ra tương lai. Vậy, bạn cứ đắm mình trong quá khứ, với những hào quang đã qua, hạnh phúc thật đấy nhưng “liều thuốc ngủ quên” ấy có duy trì được sự sống cho bạn ở hiện tại? Hay tương lai là điều bạn phải hướng tới, bạn có quyền đôi chút ảo tưởng, nhưng không thể lúc nào cũng sống với điều chưa xảy ra. Hiện tại như nước vậy, vơi hay đầy là do bạn. Để nó trôi qua kẽ tay, rơi rớt đi một cách lãng phí bạn thực sự đánh mất cuộc sống của mình. Mà khi mất đi sẽ chẳng bao giờ lấy lại được nữa. Vậy lúc đó, quá khứ hay tương lai cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chúng ta vẫn ngưỡng mộ một Bill Gates tài ba, giàu có, nhưng sau bao nhiêu năm trở thành người giàu nhất thế giới ông vẫn để mỗi ngày trôi qua đều ý nghĩa. Một Nick Vujicic không tay, không chân nhưng vẫn sống đầy lạc quan, ý chí để có những ngày tươi đẹp. Và ngoài kia cũng có những bạn trẻ sống hết mình với đam mê, khát vọng, không cho phép thanh xuân của mình lãng phí. Chí có như vậy, cuộc sống có là nước, thì mỗi giọt được nhỏ ra là những chắt chiu, tinh túy để cuộc đời bạn thêm ý nghĩa. Trân trọng và hết mình với hiện tại bạn đã trả lời cho vẻ đẹp của quá khứ và mang ánh sáng cho tương lai.

Câu 2:

Đề tài người nông dân có thể coi là mảnh đất màu mỡ mà các nhà văn hiện thực 1930 -1945 đã gieo hạt nghệ thuật và gặt hái được những mùa bội thu. Nam Cao là người đến sau khi mà mảnh đất ấy đã được khai vỡ, nhưng bằng tất cả tâm huyết, tình cảm của mình đối với những con người nghèo khổ - những kẻ dưới đáy của xã hội, Nam Cao đã tìm được cho mình một chỗ đứng riêng. Tác phẩm Chí Phèo - đứa con sinh sau đẻ muộn nhưng không chịu thua kém “anh chị” mình vươn mình lên hàng kiệt tác - đỉnh cao của văn học 1930 - 1945. Chí Phèo có được vị trí ấy là bởi giá trị tư tưởng mới mẻ, độc đáo, bởi nghệ thuật viết truyện lôi cuốn, hấp dẫn của ngòi bút Nam Cao. Và một điều không thể không kể đến đó là bởi Nam Cao đã xây dựng thành công những chi tiết nghệ thuật độc đáo: bát cháo hành của Thị Nở.

Bát cháo hành xuất hiện ở gần cuối thiên truyện. Chí Phèo sau khi uống rượu nhà Tự Lãng không về túp lều của mình mà ra thẳng bờ sông. Ở đó bắt gặp Thị Nở - người đàn bà ngớ ngẩn, xấu ma chê quỷ hờn, đi kín nước nhưng ngủ quên ở bờ sông. Khung cảnh hữu tình: trăng lấp lánh trên mặt sông, gió thổi mát rượi và những tàu chuối “giãy đành đạch như hứng tình”, cùng với hơi men của rượu đã đưa đến mối tình Chí Phèo - Thị Nở. Sau đêm trăng gió với Thị, Chí bị cảm, Thị Nở thương tình, sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, Thị chạy đi tìm gạo và nấu cháo hành mang sang cho Chí.

Bát cháo hành - biểu tượng của tình người ấm nóng duy nhất còn sót lại nơi làng Vũ Đại khô khát yêu thương. Bát cháo hành có lẽ đối với mỗi người nó chỉ là những thứ vặt vãnh, vụn vặt, nhất là khi cháo lại được nấu bởi bàn tay Thị Nở. Cháo ấy có ngon không? Chúng ta không biết, chỉ biết một điều nó chan chứa tình người. Một tình người rất thật, rất hồn nhiên, vô tư, không vụ lợi mà Thị Nở dành cho Chí. Nó chỉ đơn giản là bởi Thị thấy Chí bị “thổ một trận nhọc” mà không có người chăm sóc, bởi Thị nghỉ ốm như thế thì chỉ có ăn cháo hành. Và rất hồn nhiên Thị nấu cháo hành mang sang.

Bát cháo hành – vị thuốc giải cảm cho Chí. Sau khi bị thổ, lần đầu tiên Chí tỉnh, lần đầu tiên cảm nhận được cuộc sống, nghe thấy được những âm thanh xung quanh: “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá”, “tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”, “tiếng những người đi chợ trò chuyện… Một ước mơ xa xăm của một thời nào Chí thấy như xa lắm. Hắn đã từng mơ có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ vốn nuôi một con lợn. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Trận ốm đã làm cho hắn thoát khỏi cơn say triền miên mà nhận thức được mình, thấy mình đang ở cái dốc bên kia của cuộc đời, biết sợ tuổi già, ốm rét và cô độc. Trận ốm đã làm cho hắn biết sợ – cái mà có lẽ trước giờ chưa bao giờ hắn nghĩ tới. Thị Nở sang cùng bát cháo hành đưa cho hắn. Nhận bát cháo từ tay Thị mà hắn “ngạc nhiên”. Ngạc nhiên cũng đúng thôi vì “từ trước đến giờ đã ai cho hắn cái gì. Muốn cái gì hắn phải dọa nạt hay cướp giật”. Một cảm xúc khác thay cho cái ngạc nhiên ban đầu “hắn thấy mắt ươn ướt, một chút gì như là ăn năn”. Chí ăn năn về những gì mình đã gây ra, có thể là như lời nhà văn “người ta thường ăn năn về những việc mình làm khi người ta không ác được nữa” nhưng dẫu sao điều ấy là không muộn. Chí ăn cháo hành và thấy “cháo hành ăn rất ngon”. Tình người đầu tiên Chí nhận được sao không ngon cho được. Sự chăm sóc đầy ân tình dẫu sao còn thô vụng của Thị Nở nhưng vẫn đáng quý biết bao. Còn gì quí giá hơn khi người ta ốm còng queo một mình mà lại được một bàn tay chăm sóc. Chí đã khao khát biết bao một bàn tay chăm sóc như thế. Bát cháo hành - sự chăm sóc, quan tâm vô tư của Thị Nở làm Chí nghĩ tới bà Ba Bá Kiến. Hai người đàn bà quan tâm tới Chí nhưng một người mặt hoa da phấn, áo quần là lượt nhưng tâm địa tà dâm chỉ cốt thỏa mình, còn một người xấu ma chê quỷ hờn nhưng tâm địa tốt, quan tâm Chí thật lòng. Bát cháo hành trên tay hơi nghi ngút làm cho Chí “vã mồ hôi ra như tắm”. Bát cháo tưởng vặt vãnh đã trở thành liều thuốc giải cảm hữu hiệu cho Chí.

Bát cháo hành - vị thuốc giải độc cho cuộc đời Chí. Không chỉ giải cảm, bát cháo hành - tình người duy nhất đã gợi thức phần lương tri ngủ quên trong lốt “con quỷ dữ Chí Phèo”. Từ ăn năn, hối hận, Chí bỗng thấy thèm lương thiện, thèm trở về cuộc sống ngày trước. Bát cháo hành đã dẫn đường cho hi vọng hoàn lương: Thị Nở có thể làm hòa với hắn thì mọi người cũng có thể làm hòa với hắn. Khát khao lương thiện bùng dậy mãnh liệt đã khiến Chí dồn hết hi vọng vào Thị Nở – về cây cầu đưa hắn về với cuộc đời lương thiện. Bát cháo hành đã hoàn thành thiên chức gọi chất người, khơi hòn than đỏ vùi trong lớp tro tàn đang âm ỉ, nó đưa Chí qua một cuộc lột xác để về với sự lương thiện.

Nhưng bát cháo hành cũng chính là chi tiết đẩy bi kịch của Chí lên tới đỉnh điểm, dẫn tới một kết thúc thảm thương đầy đau đớn. Sau năm ngày ở với Chí Phèo, Thị Nở “bỗng nhớ ra mình còn một bà cô trên đời” và quyết định “dừng yêu” để xin ý kiến bà cô. Thị bị bà cô xỉa xói vào mặt và khi quay lại nhà Chí Phèo, Thị chửi Chí bằng tất cả những lời của bà cô và vùng vằng quay về. Chí “ngẩn người ra” và chạy vội ra níu tay Thị nhưng bị Thị dúi cho một cái rồi bỏ về. Chí rơi xuống hố sâu của tuyệt vọng. Thị Nở đã phụ bạc hắn, hắn không còn cơ hội để quay về với cuộc sống lương thiện. Tuyệt vọng, hắn uống rượu nhưng càng uống càng tỉnh và thoang thoảng cứ thấy “hơi cháo hành”. Đó là biến thể của “bát cháo hành”. Hắn không say, vị ngọt tình người cứ thoang thoảng để hắn đau khổ “khóc rưng rức”. Cuối cùng Chí lựa chọn cầm dao đến nhà Bá Kiến, đâm Bá Kiến và tự sát. Hơi cháo hành đã không cho phép hắn trở lại cuộc sống con quỷ một lần nữa. Hắn để trở về lương thiện chỉ còn cách duy nhất là tự sát. Bát cháo hành đã gọi dậy con người trong Chí để nó thức dậy mặc dù chỉ để khổ đau, để phải bi kịch. Nhưng dẫu thế nó cũng không chấp nhận chết đi mãi mãi. Và bát cháo hành chính là cánh cửa đưa nó thoát khỏi kiếp đọa đày.

Bát cháo hành - một chi tiết nghệ thuật mang đầy dụng công của Nam Cao. Nó góp phần thể hiện tư tưởng nghệ thuật của nhà văn: Điều mà chúng ta thiếu đó chính là lòng tốt - một lòng tốt rất bình thường cũng có thể cứu rỗi con người. Và kết cục của Chí Phèo thể hiện một niềm tin của nhà văn: dẫu có bị bầm dập về nhân hình lẫn nhân tính, lương thiện trong con người đặc biệt là những người nông dân cũng không mất đi, nó chỉ cần đợi có cơ hội là sẽ bùng lên mạnh mẽ.

Qua chi tiết nó cũng cho ta thấy một hiện thực mà nhà văn đau đáu: đó là những định kiến làng xã nông thôn đã tước đi quyền được sống của con người… Qua đó nhà văn cũng gióng lên một hồi chuông khẩn thiết đòi thay máu cho xã hội để ít nhất con người được sống lương thiện.

Bát cháo hành - chi tiết đặc sắc đã góp phần làm nên “nhà văn lớn” Nam Cao. Tác phẩm khép lại nhưng dư âm của tình người trong chi tiết nghệ thuật ấy vẫn còn mãi.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 11 Cánh diều, trọn bộ đề thi Ngữ văn 11 cánh diều, đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 11 Cánh diều:

Bình luận

Giải bài tập những môn khác