Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm, bố cục bài Hịch tướng sĩ
Câu hỏi 3: Tìm hiểu về tác giả, tác phẩm, bố cục bài Hịch tướng sĩ
A. Tác giả
- Trần Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Đạo đại vương, là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Ông được biết đến trong lịch sử Việt Nam với việc chỉ huy quân đội đánh tan hai cuộc xâm lược của quân Nguyên – Mông năm 1285 và năm 1288.
- Năm 1257, ông được vua Trần Thái Tông phong làm đại tướng chỉ huy các lực lượng ở biên giới đánh quân Mông Cổ xâm lược. Sau đó, ông lui về thái ấp ở Vạn Kiếp.
- Năm 1288, quân Nguyên trở lại xâm lược Đại Việt lần thứ ba, Trần Quốc Tuấn đã đánh bại hoàn toàn thủy quân nhà Nguyên do các tướng Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi chỉ huy trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng.
- Sau đó, ông lui về Vạn Kiếp đến khi mất năm 1300.
B. Tác phẩm
1. Hoàn cảnh sáng tác
- Được viết vào khoảng thời gian trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai (1285): Khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai, lúc này quân giặc rất mạnh, muốn đánh bại chúng phải có sự đồng tình, ủng hộ của toàn quân, toàn dân, vì vậy Trần Quốc Tuấn đã viết bài hịch này để kêu gọi tướng sĩ hết lòng đánh giặc
2. Thể loại: Hịch
Hịch là thể văn nghị luận thời xưa, thường được vua chúa, tướng lĩnh viết ra một phong trào dùng để cổ động, thuyết phục hoặc kêu gọi đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Hịch có kết cấu chặt chẽ, có lý lẽ sắc bén, có dẫn chứng thuyết phục. Đặc điểm nổi bật của hịch là khích lệ tình cảm, tinh thần người nghe. Hịch thường được viết theo thể văn biền ngẫu (từng cặp câu cân xứng với nhau). Kết cấu của bài hịch có thể thay đổi linh hoạt tùy theo mục đích và nghệ thuật lập luận của tác giả.
3. Bố cục: 4 phần
- Đoạn 1 (từ đầu đến "còn lưu tiếng tốt"): Nêu những gương trung thần nghĩa sĩ trong sử sách để khích lệ ý chí lập công danh, xả thân vì nước.
- Đoạn 2 (từ "Huống chi" đến "cũng vui lòng"): Tố cáo sự hống hách và tội ác của kẻ thù, đồng thời nói lên lòng căm thù giặc.
- Đoạn 3 (từ "Các ngươi" đến "không muốn vui vẻ phỏng có được không?"): Phân tích phải trái, làm rõ đúng sai trong lối sống, trong hành động của các tướng sĩ.
- Đoạn 4 (đoạn còn lại): Nêu nhiệm vụ cụ thể, cấp bách, khích lộ tinh thần chiến đấu của tướng sĩ.
Xem toàn bộ: Soạn bài Hịch tướng sĩ
Bình luận