Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 8 năm 2017


I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2. Chỉ ra được 2 biện pháp nghệ thuật chính:

  •  So sánh (cuộc đời như một trò chơi tung hứng, công việc là quả bóng cao su, gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần là những quả bóng bằng thủy tinh). Lối so sánh hình tượng này tạo sự tương tác giữa các giá trị sống quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.
  • Điệp cấu trúc (bạn … chớ để/ chớ đặt/ chớ quên….. ) khẳng định, nhấn mạnh ý thức, vai trò của bản thân trong cuộc đời.

Câu 3.  Khi đem ra so sánh mình với người khác, cả người so sánh và cả người bị đem ra so sánh đều bị tổn thương và không được tôn trọng. Vì vậy, hãy biết trân trọng những gì mình có bởi chúng ta là một cá nhân đặc biệt; chúng ta hãy sống cuộc sống trọn vẹn của chính mình.

Câu 4.

  • Cuộc đời không phải là một đường chạy thẳng liên tục và bằng phẳng để chúng ta có thể dễ dàng đến đích hay vội vàng băng qua.
  • Cuộc đời là một lộ trình bao gồm nhiều chặng đường dài: có thể là chặng đường đang sống, có thể là chặng đường đã qua, cũng có thể là chặng đường ta định tới: có vui – buồn, có khổ đau – hạnh phúc, có thành công – thất bại, thậm chí phải trả giá bằng máu và nước mắt. Để có một cuộc đời trọn vẹn ta phải suy ngẫm “thưởng thức”, “nhấm nháp” lần lượt tất cả những điều đó.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm) Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Bạn chớ để cuộc sống trôi qua kẽ tay vì bạn cứ đắm mình trong quá khứ hoặc ảo tưởng về tương lai.

* Yêu cầu về kĩ năng:

Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận (khoảng 20 – 30 dòng), xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành đoạn văn; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; khuyến khích sáng tạo; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu (0.5 điểm)

* Yêu cầu về kiến thức:  Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách song cần đảm bảo một số ý chính sau (1,5 điểm)

a. Giải thích (0,5 điểm)

  • Để cuộc sống trôi qua kẽ tay: Lãng phí thời gian, tuổi trẻ, khiến cuộc sống buồn tẻ
  • Đắm mình trong quá khứ: là tôn thờ quá khứ, coi quá khứ là những gì tốt đẹp nhất.
  •  Ảo tưởng về tương lai: vẽ ra tương lại rực rỡ như ý.

==> Nó là lời nhắc nhở mỗi bạn trẻ không nên lãng phí tuổi trẻ, lãng phí cuộc đời mình vì những điều đã qua hoặc những gì chưa tới mà phải sống hết mình với hiện tại, tận hiến, tận hướng để cuộc đời mình có ý nghĩa. ý kiến này là lời khuyên hết sức đúng đắn và ý nghĩa.

b. Bàn luận vấn đề (0,5 điểm)

  • Quá khứ là những gì đã qua, không bao giờ quay lại. Vì vậy nếu cứ đắm chìm trong quá khứ, ru mình giữa vinh quang hay đau khổ trách móc bản thân, nuối tiếc quá khứ ấy sẽ khiến chúng ta lãng quên, bỏ lỡ những cơ hội, những điều tốt đẹp hiện tại.
  • Tương lai là cái chưa đến, sắp đến và sẽ đến. Tương lại phụ thuộc hoàn toàn vào hành động của mỗi chúng ta ở hiện tại. Nếu chúng ta biết nắm bắt thời cơ, không ngừng phấn đấu ở hiện tại sẽ được hưởng thành quả trong tương lai.
  • Sống, cống hiến, học tập và lao động cũng cần đi liền với hưởng thụ. Biết nâng niu, trân trọng những giá trị vật chất cũng như tinh thần của cuộc sống hiện tại cũng là điều quan trọng và cần thiết.

c. Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)

  • Không chủ quan dựa vào quá khứ, không ảo tưởng trông chờ vào tương lai may mắn.
  • Cống hiến hết mình cho hiện tại, xây dựng mục tiêu, kế hoạch cho tương lai.

Câu 2 (5,0 điểm)

* Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,25 điểm)

* Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

* Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm (3,25 điểm)

1. Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận (0,5 điểm)

- Tố Hữu là nhà thơ lớn của thi ca Việt Nam hiện đại. Các chặng đường thơ của Tố Hữu gần như song hành với các giai đoạn đấu tranh cách mạng của đất nước khiến thơ ông mang tính  trữ tình chính trị đậm nét. Việt Bắc được coi là khúc hùng ca và bản tình ca về cách mạng, cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bài thơ đã thể hiện những nét tiêu biểu nhất trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, tháng 10/1954, các cơ quan trung ương của Đảng và chính phủ từ biệt căn cứ địa Việt Bắc trở về Hà Nội. Một loạt những vấn đề đặt ra trong đời sống tình cảm của dân tộc: liệu những người chiến sỹ có giữ được tấm lòng thủy chung với đồng bào Việt Bắc và quê hương. Có nhớ những tháng ngày gian khổ, hào hùng và sâu nặng nghĩa tình trong kháng chiến? Việt Bắc sẽ có vị trí như thế nào trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới? Nhân sự kiện thời sự có tính lịch sử ấy, Tố Hữu sáng tác Việt Bắc. 

- Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ thời kì chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Hoàn cảnh ra đời bài thơ “Sóng” là vào năm 1967. Đó là những năm tháng dân tộc đang bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ và tay sai, là khi thanh niên trai gái ào ào ra trận, cho nên đặt bài thơ trong hoàn cảnh ấy mới thấy rõ được nỗi khát khao của người con gái trong tình yêu. Sóng được viết trong chuyến đi công tác vùng biển Diêm Điền. Trước khi sóng ra đời, Xuân Quỳnh đã phải nếm trải những đổ vỡ trong tình yêu. Đây là bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ và phong cách thơ Xuân Quỳnh. Tác phẩm được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”.

2. Cảm nhận (2,0 điểm)
a. Đoạn thơ trong bài thơ “Việt Bắc”

- Nội dung: Nỗi nhớ khung cảnh chiến khu Việt Bắc

-Khái quát nỗi nhớ: Nhớ gì như nhớ người yêu

-Cụ thể nỗi nhớ:

  • Nỗi nhớ bao trùm mọi không gian, địa điểm: đầu núi, lưng nương, bản làng, rừng núi, bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê.
  • Nỗi nhớ bao trùm mọi thời gian,thời điểm: trăng lên, nắng chiều, sớm khuya…
  • Nhớ cảnh: trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương, ngòi, sông, suối, bếp lửa-> bình dị, thơ mộng mang nét đặc trưng của VB.
  • Người: người thương ==> gần gũi, gắn bó, yêu thương.

- Nghệ thuật: liệt kê, điệp từ “nhớ”, so sánh…Hình ảnh thơ bình dị mang đặc trưng của Việt Bắc. Thể thơ lục bát mang âm hưởng tha thiết, sâu lắng.

==> Đoạn thơ trên chính là bản tình ca về lòng chung thủy sắt son, chính là tiếng lòng của nhà thơ, hay cũng chính là của những người VN trong kháng chiến. Với những câu thơ dạt dào cảm xúc, Tố Hữu đã thể hiện thành công tình cảm của người cán bộ dành cho thiên nhiên, nhân dân Việt Bắc không chỉ là tìh cảm công dân xã hội mà còn là sự sâu nặng như tình yêu lứa đôi. Nhờ vậy Việt Bắc đã trở thành thành phần tiêu biểu cho văn học Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp.

b. Đoạn thơ trong bài thơ “Sóng”: XQ mượn sóng để giãi bày nỗi nhớ trong tình yêu.Những con sóng cũng chính là những cung bậc khác nhau của nỗi nhớ.

- Nội dung:

  • “Con sóng trên mặt nước” là con sóng ào ạt, dữ dội bề mặt,“Con sóng dưới lòng sâu” là sóng ngầm lặng lẽ âm thầm mà không kém phần mãnh liệt. Mỗi con sóng một vẻ nhiều khi đói nghịch. Nhưng dù ở trạng thái nào, dưới lòng sâu hay trên mặt nước, chúng đều có chung một điểm hướng vào bờ, khắc khoải mong chạm bờ. Nỗi nhớ trong trái tim người phụ nữ tựa như con sóng lớp lớp vơi đầy, có lúc cuộn trào không thể kìm nén, có lúc âm thầm thiêu đốt tâm can…
  • Nỗi nhớ trải theo không gian “lòng sâu, mặt nước”, nỗi nhớ lại đằm theo thời gian “ngày đêm”. Dường như cả vũ trụ cũng thao thức cùng nỗi nhớ.

 Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

  • Mượn hình tượng sóng để nói lên nỗi nhớ vẫn chưa đủ, chưa thỏa, nhà thơ bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ của lòng mình.

Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

==> Nỗi nhớ không chỉ tồn tại trong không gian, thời gian mà còn len lỏi cả vào tiềm thức, xâm nhập cả những giấc mơ. Những đòi hỏi, khao khát yêu đương của người con gái được bộc lộ thật mãnh liệt nhưng cũng thật giản dị : sóng chỉ khao khát tới bờ cũng như em khao khát có anh. Tình yêu của người con gái ở đây vừa thiết tha, mãnh liệt, vừa trong sáng, giản dị, vừa thủy chung duy nhất.

- Nghệ thuật:

  • Điệp từ “con sóng” dồn dập khiến nỗi nhớ cứ cồn lên như những đợt sóng tầng tầng, lớp lớp nối tiếp nhau mãi không thôi.
  • Phép lặp cú pháp (câu1-2) và thủ pháp đối:trên-dưới; lòng sâu-mặt nước; ngày-đêm) nhấn mạnh nỗi nhớ vừa lấp đầy không gian vừa thường trực ám ảnh trong mọi khoảnh khắc.
  • Khổ thơ 6 câu , kéo dài hơn so với các khổ thơ trong bài như nỗi nhớ cứ cồn cào trào dâng.

=> Đoạn thơ thể hiện thành công nỗi nhớ da diết, sâu nặng thường trực của nhân vật trữ tình.Qua hình tượng “sóng” và “em”, XQ đã nói lên thật chân thành, tha thiết nỗi nhớ tình yêu đầy ắp trong trái tim mình.

c. So sánh (1,0 điểm)

- Tương đồng:

   Cả hai đoạn thơ đều tập trung diễn tả cảm xúc nhớ nhung với những cung bậc , trạng thái khác nhau, đặt trong mối quan hệ với không gian mênh mông và thời gian dằng dặc. Nỗi nhớ da diết sâu đậm, thiết tha là đặc điểm chung của hai đoạn thơ.

- Khác biệt:

  •     Đoạn thơ “Việt Bắc” tái hiện tình cảm giữa người cán bộ kháng chiến với quê hương cách mạng và biể đạt nỗi nhớ một cách trực tiếp. Còn “Sóng” nỗi nhớ mang sắc thái cảm xúc cá nhân xuất phát từ tình yêu đôi lứa và XQ mượn sóng để biểu đạt nỗi nhớ của “lòng em”.
  •    “Việt Bắc” viết theo thể thơ lục bát vơi âm hưởng của một khúc hát trữ tình thiết tha sâu lắng, hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm. Thủ pháp điệp các từ ngữ biểu đạt cảm xúc tạo nên âm hưởng đoạn thơ như khúc hát ru ngọt n gào.
  •   “Sóng” lại sử dụng thể thơ ngũ ngôn (5 chữ) với âm hưởng dào dạt của sóng biển. Hình ảnh ẩn dụ”sóng” và thủ pháp lặp cú pháp, đối…đã mang lại âm hưởng riêng là đặc sắc nghệ thuật cơ bản làm nên tính gợi cảm rất đặc trưng của đoạn thơ.

- Lý giải:

  • Tương đồng vì: hai tác giả đều là những nhà thơ rất mực tài năng, cảm xúc đều được bộc lộ một cách chân thành, tha thiết…
  • Khác biệt vì: Bản chất nghệ thuật là sự sáng tạo “Mỗi tác phẩm văn học phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung” (nhà văn Lêônit Lêônốp); do nét riêng của hoàn cảnh cảm hứng và phong cách nghệ thuật độc đáo của mỗi nhà thơ.

==> Dù thể hiện tình yêu và nỗi nhớ khác nhau nhưng cả hai bài thơ đã thể hiện được những cung bậc tình cảm sâu sắc, gắn bó. Khẳng định vị trí và sức sống của hai bài thơ, hai tác giả trong nền văn học Việt Nam.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác