Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 11 năm 2017 của tỉnh Thanh Hóa (có đáp án)

Đề thi thử THPT quốc gia môn Ngữ Văn lần 11 năm 2017 của tỉnh Thanh Hóa (có đáp án)

KÌ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2017

MÔN: NGỮ VĂN 

Phần  I: Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc bài thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

 

Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên                                   
Mẹ mỗi ngày thêm cằn cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn.

 

...ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

                                                         (Mẹ - Đỗ Trung Quân)

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2: Nêu tác dụng của biện pháp nhân hóa được sử dụng trong câu Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt/ Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua

Câu 3: Nhà thơ đã nhận ra được điều gì trong những câu thơ sau:

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm

Câu 4: Tình cảm, suy tư nào của nhà thơ được bộc lộ trong đoạn thơ trên khiến anh , chị đồng cảm sâu sắc nhất?

Phần II: Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1( 2 điểm)

Từ lối sống vô tình, thản nhiên của người con với mẹ trong văn bản trên  anh, chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ mình về lối sống thờ ơ vô cảm với những người thân xung quanh mình của giới trẻ trong cuộc sống hôm nay.

Câu 2 ( 5 điểm)

          Cảm nhận của anh chị vẻ đẹp bi tráng của nhân vật T nú trong đoạn văn sau. Từ đó hãy bình luận về tư tưởng cơ bản mà nhà văn Nguyễn Trung Thành muốn gửi gắm qua hình tượng nghệ thuật này.

Tnú nằm trong góc nhà. Bóng tối dày đặc. Anh suy nghĩ, ngạc nhiên tự thấy mình rất bình thản:

“Đứa con chết rồi, Mai chắc cũng chết rồi. Tnú cũng sắp chết. Ai sẽ làm cán bộ? Đến khi có lệnh Đảng cho đánh, ai sẽ làm cán bộ lãnh đạo dân làng Xô-man đánh giặc. Cụ Mết đã già. Được, còn có bọn thanh niên. Rồi con Dít sẽ lớn lên. Con bé ấy vững hơn cả chị nó. Không sao… Chỉ tiếc cho Tnú không sống được tới ngày cầm vũ khí đứng dậy với dân làng…”

Thằng Dục không giết Tnú ngay. Nó đốt một đống lửa lớn ở nhà ưng, lùa tất cả dân làng tới, cởi trói cho Tnú, rồi nói với mọi người:

- Nghe nói chúng mày đã mài rựa, mài giáo cả rồi phải không? Được, đứa nào muốn cầm rựa, cầm giáo thì coi bàn tay thằng Tnú đây.

Nó hất hàm ra hiệu cho thằng lính to béo nhất. Chúng nó đã chuẩn bị sẵn cả. Thằng lính mở tút-se, lấy ra một chùm giẻ. Giẻ đã tẩm dầu xà-nu. Nó quấn lên mười đầu ngón tay Tnú. Rồi nó cầm lấy một cây nứa. Nhưng thằng Dục bảo:
- Để nó cho tau!

Nó giật lấy cây nứa.
Tnú không kêu lên một tiếng nào. Anh trợn mắt nhìn thằng Dục. Nó cười sằng sặc. Nó dí cây lửa lại sát mặt anh:
- Coi kỹ cái mặt thằng cộng sản muốn cầm vũ khí này xem sao nào. Số kiếp chúng mày không phải số kiếp giáo mác. Bỏ cái mộng cầm giáo mác đi, nghe không?
Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón. Không có gì đượm bằng nhựa xà nu. Lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc.
Tnú nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra, trừng trừng.

Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy ở trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu rên. Anh Quyết nói: “Người cộng sản không thèm kêu van…” Tnú không thèm, không thèm kêu van. Nhưng trời ơi! Cháy, cháy cả ruột đây rồi! Anh Quyết ơi! Không, Tnú sẽ không kêu! Không!
Tiếng cười giần giật của thằng Dục. Các cụ già chồm dậy, bọn lính gạt ra. Tiếng kêu ré của đồng bào. Tiếng chân ai rầm rập quanh nhà ưng. Ai thế?
Tnú thét lên một tiếng. Chỉ một tiếng thôi. Nhưng tiếng thét của anh bỗng vang dội thành nhiều tiếng thét dữ dội hơn. Tiếng “giết”! Tiếng chân người đạp lên trên sàn nhà ưng ào ào. Tiếng bọn lính kêu thất thanh. Tiếng cụ Mết ồ ồ: “Chém! Chém hết!” Cụ Mết, đúng rồi, cụ Mết, đã đứng đấy, lưỡi mác dài trong tay.Thằng Dục nằm dưới lưỡi mác của cụ Mết. Và thanh niên, tất cả thanh niên trong làng, mỗi người một cây rựa sáng loáng, những cây rựa mài bằng đá Tnú mang từ đỉnh núi Ngọc Linh về…
Tiếng anh Prôi nói, trầm tĩnh:
- Tnú! Tnú! Tỉnh dậy chưa? Đây này, chúng tôi giết hết rồi. Cả mười đứa, đây này! Bằng giáo, bằng mác. Đây này!
Lửa đã tắt trên mười đầu ngón tay Tnú. Nhưng đống lửa xà nu lớn giữa nhà vẫn đỏ, xác mười tên lính giặc ngổn ngang quanh đống lửa đỏ.

( Trích Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành, SGK Ngữ Văn,Tập 2, NXBGD)

 

 ------------------ Hết ----------------

Bình luận

Giải bài tập những môn khác