Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Ngữ văn 11 cánh diều bài 1: Sóng

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Khổ thơ thứ 4 là một cách cắt nghĩa “rất Xuân Quỳnh” về quy luật của tình yêu. Em hiểu cách cắt nghĩa ấy như thế nào?

Câu 2: Kết cấu bài thơ dựa trên sự tương đồng giữa tâm trạng người phụ nữ đang yêu với những con sóng. Hãy chỉ ra sự tương đồng đó và hiệu quả thẩm mĩ từ nghệ thuật kết cấu của bài thơ.

Câu 3: Những xúc cảm trong tình yêu (nỗi nhớ, niềm thương, sự lo âu, khát khao gắn bó dài lâu, cảm giác hạnh phúc,…) thường mang tính phổ quát nhưng mỗi nhà thơ lại có cách nói riêng. Theo em, đâu là cái riêng của Xuân Quỳnh ở bài thơ Sóng?


Câu 1: 

- Khổ thơ này là cách cắt nghĩa rất Xuân Quỳnh – nghĩa là rất nữ tính, rất trực cảm. Lô gích của phụ nữ là lô gích trái tim, đấy là cách người ta nhận xét về đặc điểm tư duy nữ giới. Với Xuân Quỳnh, nguồn gốc của sóng cũng như nguồn gốc của tình yêu đều rất bí ẩn, đều kì lạ. Sự cắt nghĩa này cho thấy một quy luật phổ biến trong tình yêu: trực cảm đến trước lí trí. Với người đang yêu thì tình yêu bao giờ cũng thiêng liêng vì nó bí ẩn, nó như là "thiên định". Chính vì thế nên nó càng quyến rũ.

Câu 2: 

- Bài thơ được kết cấu trên cơ sở nhận thức sự tương đồng, hoà hợp giữa hai hình tượng trữ tình: sóng và em – sóng nước xôn xao, triền miên vô tận gợi liên tưởng đến sóng lòng đang tràn đầy khao khát trước tình yêu đôi lứa. Khi yêu, người ta thường thấy mình đang tự vượt ra khỏi cái tôi quen thuộc của chính mình để bước vào một thế giới mới lạ, lớn lao hơn. Cô gái đang yêu trong bài thơ đối diện với tình yêu như đối diện với biển cả bao la, cô tìm thấy sự đồng điệu giữa mình và con sóng, cô phân thân, hoá thân vào sóng. Sóng giống như em, sóng cũng là em, luôn luôn thao thức, luôn luôn xao động, tự biểu hiện mình để hiểu mình hơn.

- Ở mỗi khổ thơ, sóng hiện lên một diện mạo, một ý nghĩa. Cả bài thơ sẽ đem lại ấn tượng tổng hợp về hình tượng con sóng giàu biến thái, có tính cách phức tạp, nhiều khi khó hiểu nhưng lại luôn thống nhất ở bề sâu sự sống của tự nhiên: sóng sinh ra từ biển, sóng là nỗi khát khao của biển, sóng ngàn năm ru vỗ bến bờ để biển bờ hoà nhập. Qua mỗi khám phá về sóng, em lại thấy mình trong đó.

– Hai khổ đầu: Con sóng không bình yên, không tự bằng lòng với khuôn khổ chật hẹp, nó "tìm ra tận bể" để được biểu hiện mình, để được hiểu đúng với tầm vóc, bản chất của mình. Tính cách này của sóng giống như bản lĩnh chủ động, tính cách kiêu hãnh của người con gái khi yêu. Cũng như sóng, cô gái mang đến tình yêu nhiều trạng thái cảm xúc phong phú, nhiều khi trái ngược: lúc dữ dội, lúc dịu êm, khi ồn ào, khi lặng lẽ,... (Sự nhạy cảm của nữ giới đã khiến nhân loại tin rằng phụ nữ khó hiểu hơn nam giới, tính cách thất thường hơn nam giới). Mỗi trạng thái đó ẩn chứa một khát vọng tình yêu. Khát vọng quá lớn không một trạng thái cụ thể nào chứa nổi, cho nên với em, yêu chính là tự nhận thức, là vươn tới cái cao rộng, lớn lao.

- Hai khổ tiếp theo: Khẳng định sự tương đồng giữa sóng và em – một cô gái trẻ đang yêu, cũng là khẳng định một "quy luật của muôn đời”: nguồn gốc của sóng cũng như nguồn gốc của tình yêu đều lạ lùng, bí ẩn và đều kì diệu như tự nhiên. Ca dao xưa từng diễn tả rất hay cái bí ẩn khó bề cắt nghĩa đó: "Gió sao gió mát sau lưng - Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?". Trước Xuân Quỳnh hơn ba chục năm, Xuân Diệu cũng kêu lên: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?". Nhưng chính sự bí ẩn lại có sức hấp dẫn, thôi thúc con người khám phá, nhận thức. Xuân Quỳnh đã dùng liên tiếp hai câu hỏi tu từ vừa để nói cái trăn trở, băn khoăn, vừa khẳng định niềm đam mê không gì sánh được của tình yêu: cũng như sóng, như gió, tình yêu là sức mạnh tự nhiên, vẻ đẹp tự nhiên, sâu xa như tự nhiên.

- Các khổ còn lại vẫn nương theo cấu trúc song trùng, tương ứng, hoà nhập, đắp đổi giữa em và sóng: tác giả tiếp tục phát hiện sóng là nỗi nhớ, là sự thuỷ chung, là khát vọng mãnh liệt, bất tử về tình yêu. Soi mình vào sóng, hoá thân vào sóng, cái tôi tác giả đã sôi nổi, chân thành bộc lộ mình: một cái tôi đang yêu nồng nhiệt, đầy chủ động, kiêu hãnh nhưng cũng thường trực nỗi khắc khoải tự nhận thức về mình, về hành trình hạnh phúc trong các quy luật muốn thuở của cõi người.

Câu 3: 

- Là một tình cảm nhân bản gắn với những giá trị sống quan trọng vào bậc nhất của con người ở mọi thời đại, các xúc cảm trong tình yêu như nỗi nhớ, niềm thương, sự lo âu, khát khao hoà nhập, cảm giác say mê hay thất vọng, v.v. thường có tính phổ quát. Có điều, mỗi nhà thơ thực sự có tài bao giờ cũng có cách nói riêng. Đấy là do tâm tính, kinh nghiệm sống và vốn liếng văn hoá quy định. Cái riêng của Xuân Quỳnh ở bài Sóng trước hết liên quan đến nhãn quan nữ giới (giàu trực cảm và ưa bộc bạch). Nhưng không phải người phụ nữ nào cũng cả lo như Xuân Quỳnh. Hai khổ cuối bài thơ với kiểu câu nhượng bộ "tuy... vẫn, vẫn" và kiểu câu hỏi buông lơi không chỉ khẳng định nhu cầu gắn bó dài lâu mà còn bộc lộ cả sự lo âu trước cái hữu hạn của đời người. Thêm nữa trong tư thế chủ động, bình đẳng của người phụ nữ thời hiện đại, Xuân Quỳnh vẫn giữ được cho nhân vật trữ tình nét tâm lí truyền thống nồng nàn mà ý nhị, sôi nổi mà đằm thắm.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác