Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Lịch sử 7 cánh diều bài 1: Quá trình hình thành và phát triển chế độ phong kiến ở Tây Âu
III. VẬN DỤNG
Câu 1: Trình bày sự khác nhau giữa kinh tế lãnh địa phong kiến và kinh tế thành thị trung đại ở Tây Âu.
Câu 2: Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau giữa kinh tế lãnh địa phong kiến và kinh tế thành thị trung đại ở Tây Âu.
Câu 3: Dựa vào vai trò của thành thị ở Tây Âu thời trung đại, hãy giải thích câu nói của C. Mác: “Thành thị là bông hoa rực rỡ nhất thời trung đại”.
Câu 1:
Sự khác nhau giữa kinh tế lãnh địa phong kiến và kinh tế thành thị trung đại ở Tây Âu:
+ Kinh tế trong các lãnh địa phong kiến, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp. Còn kinh tế thành thị chủ yếu là sản xuất thủ công nghiệp và buôn bán.
+ Kinh tế trong các lãnh địa phong kiến: Các sản phẩm làm ra chỉ để tiêu dùng trong lãnh địa, hầu như không có trao đổi, mua bán ra bên ngoài. Còn kinh tế thành thị thì sản phẩm làm ra để trao đổi, mua bán.
+ Nền kinh tế trong các lãnh địa phong kiến là nền kinh tế tự cung tự cấp. Còn nền kinh tế thành thị là nền kinh tế hàng hóa.
+ Kinh tế lãnh địa kìm hãm sự phát triển của xã hội phong kiến. Còn kinh tế thành thị tạo điều kiện cho xã hội phong kiến phát triển.
Câu 2:
Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau giữa kinh tế lãnh địa phong kiến và kinh tế thành thị trung đại ở Tây Âu:
+ Do hàng thủ công sản xuất ra ngày càng nhiều cần có sự trao đổi, mua bán.
+ Do sự kìm hãm của nền kinh tế tự cung, tự cấp của các lãnh địa phong kiến nên thợ thủ công tìm mọi cách thoát khỏi lãnh địa để có điều kiện phát triển kinh tế thủ công và thương nghiệp.
Câu 3:
- Từ thế kỉ XI, các thành thị trung đại bắt đầu xuất hiện, khi thành thị xuất hiện làm cho kinh tế hàng hóa phát triển ngày càng cao, đã phá vỡ kinh tế tự cấp tự túc, thúc đẩy quá trình sản xuất và mở rộng thị trường, tạo điều kiện thống nhất quốc gia.
- Thành thị xuất hiện, làm cho các thiết chế dân chủ trong thành thị có vai trò to lớn trong việc xác lập nhu cầu và khả năng thực hiện một lí tưởng xã hội mới, đối lập với chế độ phong kiến.
- Thành thị xuất hiện làm cho không khí trong thành thị trở thành môi trường thuận lợi để phát triển văn hóa. Các trường đại học nổi tiếng: O-xphớt, Xoóc-bon, Pra-ha đã được xây dựng tại các thành thị trung đại.
- Như vậy, khi thành thị xuất hiện đã làm cho kinh tế, chính trị, văn hóa ở châu Âu có những biến chuyển rõ rệt, nó phá vỡ dần các lãnh địa phong kiến đưa xã hội Tây Âu bước vào giai đoạn phát triển mới.
=>“Thành thị là bông hoa rực rỡ nhất thời trung đại”.
Bình luận