Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng cao Lịch sử 8 cánh diều bài 13: Trung Quốc và Nhật Bản.
VẬN DỤNG CAO (3 câu)
Câu 1: Trình bày một số hiểu biết của em về Tôn Trung Sơn và chủ nghĩa Tam dân của ông.
Câu 2: Sau khi tìm hiểu về lịch sử Nhật Bản cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, theo em, cần học hỏi điều gì để đất nước phát triển?
Câu 3: Trình bày một vài hiểu biết của em về ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á.
Câu 1:
- Một số thông tin về Tôn Trung Sơn:
+ Tôn Trung Sơn sinh ra trong một gia đình nông dân ở Quảng Đông. Năm 13 tuổi, ông được người anh là tư sản Hoa kiểu cho đi du học ở Nhật Bản, Mỹ, Anh. Vì thế, ông sớm có điều kiện tiếp xúc với tư tưởng dân chủ Âu - Mỹ.
+ Tôn Trung Sơn là nhà chính trị, nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Quốc. Sau nhiều năm sống ở nước ngoài, ông trở về nước năm 1911 và lãnh đạo Cách mạng Tân Hợi. Sau khi vua Thanh thoái vị, Tôn Trung Sơn từ chức, Viên Thế Khải nhậm chức Tổng thống.
- Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn:
+ Là một cương lĩnh chính trị, với tinh thần biến đất nước Trung Hoa (khi đó đang trong triều đại nhà Thanh của người Mãn Châu) thành một quốc gia tự do, phồn vinh và hùng mạnh. Việc kế thừa và hiện thực ngày nay thể hiện rõ nhất trong tổ chức chính quyền của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan).
+ Triết lý này cũng xuất hiện trong dòng đầu tiên của Quốc ca Trung Hoa Dân Quốc. Cương lĩnh (hay học thuyết) chính trị này bao gồm: Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc.
+ Chủ nghĩa Tam dân có ảnh hưởng đến cả Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch, cả hai đều mến mộ Tôn Trung Sơn, cho dù là đối thủ của nhau và đều hay được xem là những nhà cai trị độc đoán.
Câu 2:
Một số bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ cuộc Duy tân Minh Trị:
- Muốn tồn tại và phát triển phải luôn có sự thay đổi để thích ứng với những chuyển biến mới của tình hình.
- Cải cách muốn thành công phải xây dựng được một nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội vững chắc.
- Tiến hành cải cách toàn diện trong đó chú trọng đến vấn đề: đầu tư phát triển giáo dục con người để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
- Chú trọng việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
- Tiếp thu có chọn lọc và cải biến những giá trị văn hóa, văn minh tiến bộ của thế giới cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Câu 3:
Ảnh hưởng của Cách mạng Tân Hợi đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á:
- Thắng lợi của cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 không chỉ kết thúc chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hơn 2.000 năm tại Trung Quốc, giáng đòn nặng nề vào chủ nghĩa đế quốc, mà còn làm chấn động phương Đông, thức tỉnh châu Á. Cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á như In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Thái Lan và nhất là đối với Việt Nam.
- Trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, khi các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp nổ ra mạnh mẽ nhưng lại bế tắc vì không tìm được con đường đúng đắn, thì sự thành công của Cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo như một làn gió mới thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong mỗi con người Việt Nam yêu nước.
- Đồng thời, Cách mạng Tân Hợi cũng mở ra con đường mới cho phong trào cách mạng Việt Nam đó là con đường đi theo chủ nghĩa tư sản để giỏi phóng đất nước; cổ vũ, khích lệ cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến và thực dân Pháp.
- Sự thành công của cách mạng Tân Hợi cũng thu hút nhiều thanh niên Việt Nam đến Trung Quốc để học tập, hoạt động cách mạng, điển hình là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh,…
Đặc biệt, những thành công và hạn chế của Cách mạng Tân Hợi là bài học kinh nghiệm quý báu cho phong trào cách mạng trên thế giới, Việt Nam cũng học được nhiều bài học từ cuộc cách mạng này.
Bình luận