Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Lịch sử 7 Chân trời bài 15: Công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý (1009-1226)

II. THÔNG HIỂU

Câu 1: Nhà Lý ra đời trong hoàn cảnh nào?

Câu 2: Tại sao Lý Công Uẩn cho dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long)?

Câu 3: Cách tổ chức bộ máy chính quyền trung ương nhà Lý. Tại sao nhà Lý lại giao các chức vụ quan trọng cho những người thân cận nắm giữ?

Câu 4: Nhờ đâu dưới thời Lý nhiều năm mùa màng bội thu? Thế nào là chính sách “ngụ binh ư nông”? Ý nghĩa của việc cày Tịch điền.

Câu 5: Nhà Tống âm mưu xâm lược Đại Việt nhằm mục đích gì? Nhà Tống đã có những hành động như thế nào?


Câu 1:

- Nhà Lý ra đời trong hoàn cảnh:

+ Năm 1005, Lê Hoàn mất, Lê Long Đĩnh nối ngôi. Long Đĩnh là một ông vua tàn bạo khiến cho trong triều, ngoài nội ai ai cũng căm giận.

+ Năm 1009, Lê Long Đĩnh mất, giới sư sãi và đại thần đã tôn Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra nhà Lý.

Câu 2: 

Lý Công Uẩn cho dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long) vì:

- Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là vùng đất hẹp, nhiều núi đá, chỉ thích hợp với việc phòng thủ khi

có chiến tranh. Còn trong thời bình, sẽ hạn chế đến sự phát triển lâu dài của đất nước.

- Trong khi đó Đại La (Thăng Long) rất thuận lợi về giao thông và phát triển đất nước:

+ Vị trí, địa thế thuận lợi: là trung tâm của đất nước “Thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, có thể rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi cho núi sông trước sau. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa,... (Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn).

+ Là một địa điểm hiếm có của đất Việt: “Xem khắp đất nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương. Đúng là nơi thượng đỗ kinh sư mãi muôn đời”. (Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn).

  • Như vậy, Đại La (Thăng Long) là nơi hội đủ những điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm của đất nước về mọi mặt. Việc dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long) thể hiện quyết định sáng suốt của Lý Công Uẩn, tạo điều kiện cho sự phát triển đất nước.

Câu 3: 

- Cách tổ chức bộ máy chính quyền trung ương nhà Lý:

+ Vua ở ngôi theo chế độ cha truyền con nối.

+ Những người thân được cất nhắc nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình.

+ Đặt chuông ở trước điện Long Trì, người dân có gì oan ức đánh chuông xin vua xét xử.

- Tại vì:

+ Lúc đó nền giáo dục chưa phát triển để có điều kiện tuyển lựa nhân tài.

+ Nhà Lý mới thành lập cần tập trung quyền lực để xây dựng và củng cố chính quyền của mình.

+ Vì thế nhà Lý giao những chức vụ quan trọng cho những người thân cận họ hàng thân thiết để đề phòng sự phản nghịch của các thế lực ngoại tộc.

Câu 4:

- Thời Lý thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp:

+ Chia ruộng đất cho nông dân cày cấy và nộp thuế cho nhà nước.

+ Thi hành chính sách “ngụ binh ư nông”

+ Mùa xuân hằng năm, các vua Lý thường về địa phương cày Tịch điền.

+ Nhà nước ban hành luật cấm giết hại trâu bò để bảo vệ sức kéo.

+ Nhà nước khuyến khích nhân dân khai khẩn đất hoang.

+ Nhà nước chú trọng đến công tác thủy lợi như: đào kênh mương, đắp đê phòng lụt,...

  • Nhờ vậy, nhiều năm mùa màng bội thu như: Năm 1016, triều đại vua Lý Thái Tổ. Năm 1030 – 1044, dưới thời vua Lý Thái Tông. Năm 1131, dưới thời vua Lý Anh Tông. Năm 1139 – 1140, dưới thời vua Lý Anh Tông.

- Chính sách “ngụ binh ư nông”:

+ Chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi binh ở nhà nông) nghĩa là hằng năm, chia quân sĩ thay phiên nhau đi luyện tập và thanh niên đăng kí tên vào sổ nhưng vẫn ở nhà sản xuất. Khi có chiến tranh, khi cần triều đình sẽ điều động tham gia quân ngũ.

+ Chính sách này có ưu điểm: Lực lượng tham gia quân đội là những trai tráng ở các làng (từ 18 tuổi) lại vừa là lực lượng lao động sản xuất chính, với cơ sở này có tác dụng vừa đảm bảo có lực lượng sản xuất nông nghiệp, vừa có lực lượng quân đội dự trữ. Họ vừa có nhiệm vụ sản xuất khi thời bình, đánh giặc khi có chiến tranh.

- Ý nghĩa của việc cày Tịch điền:

+ Biểu hiện sự quan tâm của nhà vua đối với việc phát triển sản xuất nông nghiệp.

+ Vua cày ruộng để làm gương cho nông dân noi theo. Với ý thức “... không tự mình cày thì lấy gì làm xôi cúng, lấy gì cho thiên hạ noi theo”.

Câu 5:

- Âm mưu:

+ Từ giữa thế kỉ XI, nhà Tống gặp nhiều khó khăn về đối ngoại vì thế nhà Tống muốn dùng chiến tranh xâm lược để giải quyết những cuộc khủng hoảng trong nước.

+ Nhà Tống muốn dùng chiến công (nếu chiếm được Đại Việt) để trấn áp phe đối lập trong triều, dọa nạt 2 nước biên cương phía Bắc Liêu – Hạ và trấn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân trong nước.

- Hành động:

+ Nhà Tống xúi giục vua Chăm-pa đánh lên từ phía nam Đại Việt.

+ Biên giới phía bắc Đại Việt, việc đi lại buôn bán của nhân dân bị ngăn cản.

+ Quan lại nhà Tống nhiều lần đem quân quấy phá lãnh thổ Đại Việt, dụ dỗ các tù trưởng dân tộc ít người của ta để làm chỗ dựa cho âm mưu xâm lược của nhà Tống.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác