Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 8 cánh diều bài 1: Trợ từ và thán từ

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày khái niệm trợ từ và thán từ.

Câu 2: Hãy trình bày chức năng của trợ từ. Cho ví dụ.

Câu 3: Hãy trình bày chức năng của thán từ. Cho ví dụ.

Câu 4: Cho các câu sau:

– Nó ăn hai bát cơm.

– Nó ăn những hai bát cơm.

– Nó ăn có hai bát cơm.

  1. Nghĩa của các câu trên đây có gì khác nhau? Vì sao có sự khác nhau đó?
  2. Các từ “những” và “có” trong các câu trên đi kèm từ ngữ nào trong câu và biểu thị thái độ gì của người nói đối với sự việc?

Câu 5: Các từ “này, a và vâng” trong những đoạn trích sau đây biểu thị điều gì?

  1. a) Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi, như muốn bảo tôi rằng: "A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?".
  2. b) – Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn.

– Vâng, cháu cũng đã nghĩ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp cái đã.


Câu 1:

- Trợ từ là những từ chuyên đi kèm một từ ngữ nào đó trong câu để nhấn mạnh hoặc biểu thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ đó.

- Thán từ là những từ dùng để bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc của người nói (người viết) hoặc dùng để gọi – đáp.

Câu 2: 

- Trợ từ có tác dụng nhấn mạnh sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ mà nó đi kèm.

Ví dụ: cả, ngay, chính,...

Ngay lần đầu gặp gỡ, tôi và thằng Lai-ca đã sung sướng nhìn nhau như thể nhìn vào gương.

Trợ từ “ngay” nhấn mạnh thời điểm “lần đầu gặp gỡ” của “tôi” và Lai-ca.

- Trợ từ có tác dụng biểu thị thái độ đánh giá sự vật, sự việc được nói đến ở từ ngữ mà nó đi kèm.

Ví dụ: những chỉ, có,...

Chỉ sau dăm đêm, dải cát nổi giữa sông chìm vào trong nước đỏ.

Trợ từ “chỉ” biểu thị thái độ đánh giá của người viết: thời gian dải cát nổi giữa sông chìm vào dòng nước đỏ là rất nha rất nhanh (dăm đêm).

Câu 3:

Thán từ gồm hai loại chính:

- Thán từ bộc lộ trực tiếp tình cảm, cảm xúc như: a, ái, ôi, ơ, ô hay, than ôi, trời ơi,...

Ví dụ: A! Mẹ đã về.

Thán từ “a” trong câu trên biểu thị sự ngạc nhiên, vui mừng của con khi thấy mẹ về.

- Thán từ gọi – đáp như: ơi, vâng, dạ, ừ,...

Ví dụ: Dạ, cảm ơn chị.

Thán từ “dạ” trong câu trên là từ dùng để đáp lại lời người khác một cách lễ phép.

Khi sử dụng thán từ, người nói thường thể hiện ngữ điệu hay cử chỉ, nét mặt, điệu bộ,... tương ứng với cảm xúc mà thán từ biểu thị.

Câu 4: 

  1. a) - So sánh câu thứ nhất và câu thứ hai: Câu thứ nhất nói lên một sự việc khách quan là: nó ăn (số lượng) hai bát cơm. Ở câu thứ hai, thêm từ “những”, ngoài việc diễn đạt một việc khách quan như câu thứ nhất, còn có ý nhấn mạnh, đánh giá việc nó ăn hai bát cơm là nhiều, là vượt quá mức bình thường.

- So sánh câu thứ ba và câu thứ nhất: Câu thứ ba, thêm từ “có”, ngoài việc diễn đạt một sự việc khách quan như câu thứ nhất, còn có ý nghĩa nhấn mạnh, đánh giá việc nó ăn hai bát cơm là ít, là không đạt mức độ bình thường.

  1. b) Qua phân tích ở a), ta thấy “những” và “có” đi kèm với cụm danh từ “hai bát cơm”. Hai từ này dùng để biểu thị thái độ nhấn mạnh, đánh giá của người nói đối với sự vật, sự việc được nói đến ở trong câu.

Câu 5: 

- “Này” là tiếng thốt ra để gây sự chú ý của người đối thoại.

- “A” trong trường hợp này là tiếng thốt ra để biểu thị sự tức giận khi nhận ra một điều gì đó không tốt.

- “Vâng” ở đây là tiếng dùng để đáp lại lời người khác một cách lễ phép, tỏ ý nghe theo.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác