Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 11 kết nối bài 5: Sống, hay không sống - đó là vấn đề (Trích Hăm-lé t- Hamlet, Uy-li-am Sếch - xpia - William Shakespeare)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản Sống, hay không sống – đó là vấn đề (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Câu 2: Hãy nêu khái niệm và đặc điểm của bi kịch.

Câu 3: Hãy trình bày những thông tin cơ bản về tác giả William Shakespeare.

Câu 4: Xác định ý nghĩa lời thoại của các nhân vật trước khi Hamlet xuất hiện.

Câu 5: Nêu nhận xét chung về tâm trạng của Hamlet thể hiện qua lời độc thoại. Theo mạch suy tưởng của Hamlet, lời độc thoại có thể chia làm mấy phần, nội dung của từng phần là gì?


Câu 1: 

– Tác giả: William Shakespeare

– Thể loại: Bi kịch

– Văn bản trích từ vở kịch Hamlet.

– Nội dung: Văn bản gồm 3 sự việc: vua và hoàng hậu hỏi chuyện bệnh tình của thái tử Hamlet và bày mưu nghe lén Hamlet nói chuyện; Hamlet độc thoại; Hamlet nói chuyện với Ophelia. Trong đó nổi bật nhất là đoạn Hamlet độc thoại, suy nghĩ về hai vấn đề mà chàng đang do dự, không thể quyết, đó là sống hay không sống, sống thế nào, chết ra sao. Qua đó cũng thể hiện một phần tính cách của nhân vật chính của vở kịch Hamlet và tính chất nổi bật của các tác phẩm kịch của Shakespeare

 

Câu 2: 

– Bi kịch là một thể loại thuộc về kịch. Thông qua sự dàn cảnh, luân chuyển lời đối thoại, độc thoại, hành động của nhân vật trên sân khấu, bi kịch tập trung diễn tả những xung đột hệ trọng, đạt tới mức căng thẳng tột độ giữa những mong muốn, hành động cao đẹp, hào hùng của con người với những tình thế bi đát không thể đảo ngược của thực tại hay với những trở ngại tồn tại ngay trong bản tính con người. Việc thắt nút, triển khai và giải quyết những xung đột như vậy làm nên cốt truyện bi kịch. Bi kịch thường kết thúc bằng thảm cảnh hay bằng cái chết của một loạt nhân vật. Trong bi kịch, việc cái đẹp, cái hùng bị thất bại đã đưa đến nỗi đau khổ cùng cực. Song chính từ đó, bi kịch trở thành tiếng nói khẳng định sự bất tử của ý chí, khát vọng và chiến thắng tinh thần của con người trong cuộc đấu tranh chống lại những tình thế bi đát của thực tại và những yếu hèn của cá nhân con người.

– Nhân vật chính trong bi kịch mang khát vọng cao đẹp, có tính cách mạnh mẽ, có khả năng lựa chọn hành động tự do xuất phát từ chính kiến, đức tin của mình, song lựa chọn này xung đột với hoàn cảnh thực tế hoặc gặp phải những trở ngại ngay trong bản tính cố hữu. Do vậy, nhân vật chính trong bi kịch thường phải trải qua những trạng thái giằng xé, bế tắc, rơi vào những tình huống hết sức nặng nề và có kết thúc bi thảm. Tương ứng với sự phức tạp của nhân vật, lời thoại trong bi kịch thường căng thẳng, chất chứa biện luận, thể hiện suy tư trăn trở và ý chí của những nhân cách mạnh mẽ, không khuất phục.

– Xung đột trong bi kịch là những mâu thuẫn gay gắt giữa lựa chọn hành động tự do của nhân vật như một nhân cách mạnh mẽ với cái tất yếu vốn được thể hiện qua những thế lực như định mệnh, bản tính tự nhiên, định kiến thời đại, thực tại xã hội,...

 

Câu 3:

– William Shakespeare (1564 – 1616) là nhà soạn kịch, nhà thơ nổi tiếng nhất của nước Anh thời Phục hưng. Ông sinh ra và lớn lên tại thị trấn Stratford ở tây nam nước Anh, trong một gia đình buôn bán len, dạ. Khi mới mười bốn tuổi, do gia đình sa sút, Shakespeare phải thôi học. Từ khoảng năm 1585, ông lên thủ đô Luân Đôn kiếm sống, tham gia giúp việc cho một đoàn kịch, trở thành diễn viên, nhà soạn kịch kiêm đạo diễn, rồi người đồng sở hữu đoàn kịch. Năm 1599, Shakespeare tham gia dựng nên Nhà hát Địa Cầu. Năm 1608, đoàn kịch của ông sở hữu thêm nhà hát có mái che đầu tiên ở Luân Đôn. Tên tuổi của Shakespeare bắt đầu được nhắc đến trong giới nghệ thuật từ năm 1592. Sáng tác của ông gồm 37 vở kịch, 4 bản trường ca và 154 bài thơ xon–nê (sonnet), cho đến nay vẫn được coi là những kiệt tác hàng đầu của văn học thế giới.

– Kịch của Shakespeare bao gồm nhiều thể loại (kịch lịch sử, hài kịch, bi kịch, bi hài kịch), trong đó nổi bật là bi kịch với nhiều kiệt tác như: Romeo và Juliet, Vua Lear, Othello, Macbeth và đặc biệt là Hamlet. Bi kịch của ông chứa đựng những suy ngẫm mang tính nhân văn sâu sắc, được thể hiện qua các hình tượng nhân vật phóng khoáng, tự do, có tính cách mạnh mẽ; qua lời thoại sắc sảo, tinh tế; qua nghệ thuật triển khai, đan xen các tuyến xung đột, các tuyến hành động kịch mang tính chất dồn nén, tập trung. Sếch–xpia thường xây dựng các vở bi kịch của mình dựa trên một số cốt truyện, truyền thuyết có sẵn, nhưng ông đã mở rộng, khơi sâu chủ đề để dựng nên những hình tượng bất tử.

 

Câu 4:

– Lời thoại của các nhân vật trước khi Hamlet xuất hiện cho thấy rằng vua muốn biết Hamlet điên thật hay chỉ giả điên để xác định phương hướng thủ tiêu chàng. Điều đó được thể hiện qua việc vua và hoàng hậu hỏi chuyện dò la của Rosencrantz và Guildenstern; và việc vua cố tình để cho Hamlet gặp Ophelia trong khi mình và cận thần sẽ nghe lén.

– Lời thoại của vua cho thấy phần nào sự giả tạo, xấu xa. Ví dụ:

+ “để cho chuỗi ngày xanh êm đẹp bị tan nát vì những cơn điên dữ dội, hiểm nghèo hay sao?”

+ “Các khanh ạ, nên khuyến khích thêm thái tử vào những trò giải trí ấy”: vua muốn thái tử chơi bời hư hỏng.

+ “Ôi, đúng quá thật … gánh nặng của tội ác!”: lời bộc bạch tự thân

 

Câu 5: 

– Nhận xét: tâm trạng của Hamlet dường như rất hỗn loạn. Chàng không biết mình nên đưa ra lựa chọn nào mới là tốt nhất, chính xác nhất.

– Theo mạch suy tưởng của Hamlet, lời độc thoại có thể chia ra làm 3 phần:

+ Phần 1: Từ “Sống, hay không sống – đó là vấn đề… quý hơn?”

→ Đặt ra lời mở đầu cho màn độc thoại bằng một câu hỏi tu từ

+ Phần 2: Từ tiếp đến “chưa hề biết tới?”.

→ Định nghĩa khái niệm cái chết và những suy ngẫm về cuộc đời của Hamlet

+ Phần 3: Còn lại

→ Lời kết thể hiện rõ nội tâm đang giằng xé, đấu tranh kịch liệt của Hamlet trong hoàn cảnh éo le của chính mình.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác