Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng cao Địa lí 12 kntt bài 6: Dân số Việt Nam

4. VẬN DỤNG CAO (2 CÂU)

Câu 1: Trình bày tác động của dân cư nước ta đến phát triển kinh tế - xã hội?

Câu 2: Phân tích đặc điểm phân bố dân cư nước ta?


Câu 1: 

- Quy mô dân số lớn ( 98,5 triệu người năm 2021 ) , gia tăng dân số vẫn còn nhanh ( 0,94% năm 2021 ).

Thuận lợi là tạo nên nguồn lao động dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng; tuy nhiên gây áp lực đến việc làm, tài nguyên, môi trường và chất lượng cuộc sống.

- Cơ cấu dân số có xu hướng chuyển sang già ( năm 2021, tỉ lệ nhóm tuổi 0 – 14 là 24,1%, 15 – 64 tuổi là 67,6%, từ 65 tuổi trở lên là 8,3% so với năm 1999 các nhóm tuổi tương ứng với tỉ lệ 33,1%; 61,1% và 5,8%). Thuận lợi là làm cho tỉ lệ dân số hoạt động kinh tế của nước ta tăng lên; tuy nhiên khó khăn là tốc độ già hóa nhanh trong khi nền kinh tế ở mức thu nhập trung bình, gây khó khăn về nguồn lao động.

- Tỉ suất giới ở trẻ sơ sinh còn cao ( năm 2021 là 112/100) , gây nên các vấn đề xã hội.

- Phân bố dân cư không hợp lí giữa các vùng gây khó khăn cho sử dụng lao động và khai thác tài nguyên. Vùng đồng bằng có dân cư đông, mật độ cao trong khi tài nguyên thiên nhiên ( nhất là tài nguyên đất đai ) có hạn; vùng núi giàu tài nguyên thiên nhiên ( đặc biệt là lâm sản , khoáng sản ) nhưng dân cư thưa thớt, mật độ dân số thấp.

- Tỉ lệ dân thành thị nhỏ hơn nông thôn ( năm 2021 , tỉ lệ dân thành thị là 37,1% so với tỉ lệ dân nông thôn là 62,9% ), nhưng tăng khá nhanh ( từ 30,4% năm 2010 đến 37,1% năm 2021 ). Thuận lợi là cung cấp nguồn lao động có chất lượng cho công nghiệp hóa; tuy nhiên tốc độ gia tăng nhanh là nhân tố gây áp lực đến môi trường đô thị.

Câu 2: 

- Mật độ dân số trung bình của nước ta là 297 người/km2 ( năm 2021 )

- Phân bố dân cư khác nhau giữa đồng bằng với trung du và miền núi, giữa các vùng kinh tế, giữa thành thị và nông thôn; do tác động của các nhân tố về kinh tế - xã hội ( trình độ phát triển lực lượng sản xuất, tính chất kinh tế, lịch sử định cư, di dân,...) và điều kiện tự nhiên ( địa hình và đất đai, khí hậu, nguồn nước, tài nguyên khoáng sản, sinh vật,..).

- Khu vực đồng bằng:

+ Dân cư đông, mật độ cao; do điều kiện tự nhiên thuận lợi ( địa hình bằng phẳng, đất tốt, nhiều sông, có biển, khí hậu thuận lợi,...); kinh tế - xã hội phát triển ( trình độ phát triển sản xuất khá cao, tính chất kinh tế phát triển chế biến, chế tạo, quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, lịch sử định cư lâu đời,...)

+ Dân cư và lao động đông, trong khi tài nguyên thiên nhiên ( đất, mặt nước,...) có hạn, gây áp lực đến việc làm, khai thác và sử dụng tài nguyên.

- Khu vực đồi núi:

+ Dân cư ít, mật độ dân số thấp; do điều kiện tự nhiên khó khăn ( địa hình, đất, sông ngòi và nước, khí hậu,...); điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, kinh tế còn chậm phát triển, tính chất sản xuất nặng về khai thác; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và còn nhiều khó khăn,...

+ Khu vực đồi núi nước ta giàu tài nguyên lâm sản, khoáng sản,...nhưng ít dân cư và lao động, gây khó khăn trong việc khai thác.

- Các vùng kinh tế:

+ Có sự khác nhau rõ về mật độ dân cư, tác động đến nguồn lao động và thị trường tiêu thụ tại chỗ ở các vùng. Các vùng có mật độ dân số cao nhất là Đồng bằng sông Hồng ( 1 091 người/km2 ) và Đông Nam Bộ ( 778 người/km2 ). Các vùng có mật độ dân số thấp nhất là Trung du và miền núi Bắc Bộ ( 136 người/km2 ), Tây Nguyên ( 111 người/km2 ).

+ Trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự khác nhau về mức độ tập trung dân cư.

- Trong mỗi vùng: Do điều kiện kinh tế - xã hội và tự nhiên có sự phân hóa nên dân cư phân bố cũng khác nhau. Ở Trung du và miền núi Bắc Bộ; khu vực Đông Bắc có mật độ dân số cao hơn so với khu vực Tây Bắc; ở Tây Nguyên, trên các cao nguyên badan, nhất là trung tâm cao nguyên có mật độ dân số cao, trong khi ở khu vực bán bình nguyên xen đồi có mật độ dân cư nhỏ hơn.

- Phân bố dân cư nước ta có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn:

+ Tỉ lệ dân thành thị là 37,1%, tỉ lệ dân số nông thôn là 62,9% ( năm 2021 ).

+ Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa có tác động rõ rệt đến sự tăng trưởng tỉ lệ dân cư đô thị. Ở nước ta, quá trình này còn diễn ra chưa nhanh nên tỉ lệ dân thành thị đang còn chưa cao.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác