Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Lịch sử 12 cd bài 2: Trật tự thế giới trong Chiến tranh lạnh

2. THÔNG HIỂU (5 CÂU)

Câu 1: Hãy trình bày những nét chính về quá trình tồn tại của Trật tự thế giới hai cực I-an-ta.

Câu 2: Hãy trình bày những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Trật tự thế giới hai cực I-an-ta.

Câu 3: Sự sụp đổ Trật tự thế giới hai cực l-an-ta đã tác động như thế nào tới tình hình thế giới?

Câu 4: Hãy phân tích khái niệm “Chiến tranh Lạnh” và những biểu hiện chủ yếu của nó trong giai đoạn 1947-1991.

Câu 5: Phân tích những tác động của Trật tự hai cực I-an-ta đến phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai.


Câu 1: 

Trật tự thế giới hai cực I-an-ta tồn tại từ năm 1945 đến năm 1991, chi phối toàn bộ đời sống chính trị thế giới trong nửa sau thế kỉ XX, trải qua 2 giai đoạn:

- Giai đoạn từ năm 1945 đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX: Trật tự thế giới hai cực I-an-ta xác lập và phát triển với sự đối đầu về tư tưởng, chính trị, kinh tế, quân sự,... giữa một bên là cực Mỹ, đứng đầu hệ thống tư bản chủ nghĩa và một bên là cực Liên Xô, đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa.

+ Quan hệ quốc tế giữa hai cực trở nên căng thẳng khi Mỹ phát động cuộc Chiến tranh lạnh (1947) nhằm chống lại Liên Xô và các nước Đông Âu.

+ Mỹ và Liên Xô tăng cường chạy đua vũ trang, thành lập liên minh quân sự ở nhiều khu vực, khiến thế giới luôn trong tình trạng căng thẳng. Các cuộc chiến tranh cục bộ diễn ra ở nhiều nơi, tiêu biểu là chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), chiến tranh xâm lược Đông Dương của Pháp (1945 - 1954), chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ (1954-1975),...

- Giai đoạn từ đầu những năm 70 của thế kỉ XX đến năm 1991: Trật tự thế giới hai cực I-an-ta xói mòn và đi đến sụp đổ.

+ Đầu những năm 70 của thế kỉ XX, Chiến tranh lạnh vẫn diễn ra nhưng xu thế hoà hoãn Đông - Tây bắt đầu xuất hiện. Liên Xô và Mỹ đạt được những thoả thuận bước đầu về hạn chế vũ khí chiến lược, tiến hành các cuộc cuộc gặp gỡ cấp cao.

+ Sự tan rã của Liên Xô năm 1991 đã chính thức chấm dứt sự tồn tại của Trật tự với hai cực I-an-ta.

Câu 2: 

- Nguyên nhân sụp đổ Trật tự thế giới hai cực I-an-ta:

+ Chạy đua vũ trang cả Liên Xô Mỹ tốn kém, suy giảm thế mạnh kinh tế buộc hai bên phải tự điều chỉnh, từng bước hạn chế căng thẳng.

+ Sự vươn lên của các nước trên thế giới nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của hai cực tháng lợi của phong trào giải phóng dân tộc và sự ra đời của hàng loạt các quốc gia độc lập.

+ Sự thay đổi trong cán cân kinh tế thế giới, đặc biệt là sự nổi lên của Nhật Bản và các nước Tây Âu.

+ Xu thế hoà hoãn, toàn cầu hoá và ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba.

+ Sự khủng hoảng, suy yếu rồi tan rã của Liên Xô - quốc gia đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Câu 3: 

- Trật tự thế giới hai cực I-an-ta sụp đổ có tác động lớn đến thế giới, đưa tới xu thế phát triển mới, cụ thể là:

+ Trong quan hệ quốc tế, một trật tự thế giới mới dần hình thành theo xu thế đa cực. Mỹ tiếp tục là siêu cường có sức mạnh vượt trội, nhưng phạm vi ảnh hưởng bị thu hẹp ở nhiều nơi.

+ Trật tự thế giới hai cực I-an-ta sụp đổ đã mở ra chiều hướng và những điều kiện để giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp, xung đột như ở Áp-ga-ni-xtan, Cam-pu-chia, Na-mi-bi-a,...

+Sự sụp đổ của Trật tự thế giới hai cực I-an-ta cũng tạo điều kiện cho các cường quốc mới nổi có vị trí, vai trò lớn hơn trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước lớn ở châu Âu.

+ Sự sụp đổ của Trật tự thế giới hai cực I-an-ta còn có những tác động không nhỏ đến vấn đề dân tộc, bản sắc cộng đồng, tôn giáo,... ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu.

Câu 4: 

- “Chiến tranh Lạnh” là thuật ngữ chỉ tình trạng căng thẳng và đối đầu giữa hai khối quyền lực do Mỹ và Liên Xô đứng đầu, nhưng không dẫn đến xung đột quân sự trực tiếp. Thay vào đó, hai bên sử dụng các biện pháp như cạnh tranh vũ trang, xung đột ngoại giao, và đấu tranh gián tiếp qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở các quốc gia khác. 

- Biểu hiện của “Chiến tranh lạnh”:

+ Mĩ và các nước đế quốc thi hành chính sách thù địch trong quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

+ Mĩ và các nước đế quốc ráo riết chạy đua vũ trang, tăng cường ngân sách quân sự, thành lập các khối quân sự, các căn cứ quân sự bao quanh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa.

+ Tiến hành chiến tranh đàn áp phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

+ Liên Xô và các nước XHCN tăng ngân sách quốc phòng, củng có khả năng phòng thủ.

- Hậu quả: Chiến tranh lạnh gây ra những hậu quả nặng nề:

+ Thế giới luôn ở trong tình trạng căng thẳng, có lúc đứng trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh thế giới mới.

+ Các cường quốc chi một khối lượng khủng về tiền, của, sức người để sản xuất vũ khí hủy diệt, xây dựng căn cứ quân sự.

+ Loài người phải chịu khó khăn do nghèo đói, ô nhiễm môi trường, bệnh tật gây ra...

Câu 5: 

- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều quốc gia thuộc địa ở châu Á và châu Phi nổi dậy giành độc lập dưới ảnh hưởng của sự suy yếu của các cường quốc thực dân và bối cảnh mới của Trật tự hai cực I-an-ta.

- Cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho các nước thuộc địa lựa chọn liên minh với một trong hai phe để tìm kiếm sự hỗ trợ trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

- Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ủng hộ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc, cung cấp vũ khí, kinh tế và tư tưởng cho nhiều cuộc đấu tranh.

- Từ những năm 1950, hàng loạt quốc gia châu Á, châu Phi như Ấn Độ, Indonesia, và các nước châu Phi khác lần lượt giành độc lập, đánh dấu một thời kỳ kết thúc chủ nghĩa thực dân truyền thống.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác