Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Lịch sử và địa lí 5 CTST Bài 5: Nước Văn Lang, Âu Lạc
1. NHẬN BIẾT (4 CÂU)
Câu 1: Trình bày sự ra đời của nước Văn Lang, Âu Lạc.
Câu 2: Mô tả đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang, Âu Lạc.
Câu 3: Trình bày công cuộc đấu tranh bảo vệ Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc.
Câu 4: Kể tên một số truyền thuyết, hiện vật, bằng chứng khảo cổ học liên quan đến sự ra đời và công cuộc đấu tranh bảo vệ nhà nước của cư dân Văn Lang, Âu Lạc.
Câu 1:
Sự ra đời của nước Văn Lang, Âu Lạc:
- Khoảng thế kỉ VII TCN, Nhà nước Văn Lang ra đời, đứng đầu là Hùng Vương, kinh đô đặt ở Phong Châu (Việt Trì, Phù Thọ ngày nay).
- Đây là nhà nước đầu tiên của nước ta với thành phần cư dân chính là người Lạc Việt.
- Sau kháng chiến chống Tần thắng lợi (năm 208 TCN), Thục Phán đã lập ra nhà nước Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Phong Khê (nay là Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội).
Câu 2:
Đời sống kinh tế của cư dân Văn Lang, Âu Lạc:
- Cư dân Văn Lang, Âu Lạc chủ yếu sống bằng nghề nông trồng lúa nước.
- Họ dùng lưỡi cày, lưỡi hái, cuốc, rìu,… bằng đồng làm công cụ sản xuất và chế tạo các đồ dùng phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt như thạp đồng, thau, chậu, bình gốm, muôi đồng,…
Câu 3:
Công cuộc đấu tranh bảo vệ Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc:
- Từ khi lập nước, cư dân Văn Lang, Âu Lạc đã nhiều lần chiến đấu chống giặc phương Bắc xâm lược.
- Đến năm 179 TCN, Âu Lạc đã bị quân của Triệu Đà – vua nước Nam Việt (thuộc Trung Quốc) tấn công và bị sáp nhập vào Nam Việt.
Câu 4:
Một số truyền thuyết, hiện vật khảo cổ liên quan đến sự ra đời và công cuộc đấu tranh bảo vệ nhà nước của cư dân Văn Lang, Âu Lạc:
- Truyền thuyết: Con Rồng cháu Tiên, Hùng Vương chọn đất đóng đô, An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Thánh Gióng, Sự tích nỏ thần,…
- Hiện vật, bằng chứng khảo cổ học: trống đồng Đông Sơn, dấu vết Thành Cổ Loa, thạp đồng Đào Thịnh, muôi đồng, bình gốm, lưỡi cày đồng, mộ thuyền Việt Khê (Hải Phòng), rìu chiến, mũi tên đồng, lẫy nỏ,….
Bình luận