Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Kinh tế pháp luật 12 cd bài 1: Tăng trưởng và phát triển kinh tế

1. NHẬN BIẾT (8 CÂU)

Câu 1: Em hãy giới thiệu về tăng trưởng kinh tế. 

Câu 2: Tăng trưởng kinh tế thể hiện qua các chỉ tiêu nào? Em hãy kể tên một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.

Câu 3: Phát triển kinh tế là gì? 

Câu 4: Em hãy nêu các chỉ tiêu của phát triển kinh tế. 

Câu 5: Em hãy giới thiệu về cơ cấu kinh tế.

Câu 6: Em hãy phân biệt giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế.

Câu 7: Tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế có vai trò gì? 

Câu 8: Tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững có mối quan hệ như thế nào? 


Câu 1: 

Tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên trong thu nhập hoặc gia tăng giá trị hàng hoá và dịch vụ mà một nền kinh tế sản xuất ra trong một thời kì nhất định (thường là một năm). Tăng trưởng kinh tế được biểu hiện thông qua quy mô tăng trưởng (mức tăng tuyệt đối của năm hiện hành so với năm gốc) và tốc độ tăng trưởng (mức tăng tương đối tính bằng tỉ lệ % của năm hiện hành so với năm gốc). Đây là thước đo năng lực kinh tế của một quốc gia.

Câu 2: 

Tăng trưởng kinh tế được đo bằng mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc mức tăng tổng thu nhập quốc dân (GNI) trong một thời kì nhất định, thường là một năm. Một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế:

  • Tổng sản phẩm quốc nội (GDP),
  • Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người (GDP/người);
  • Tổng thu nhập quốc dân (GNI);
  • Tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI/người).

Câu 3: 

Phát triển kinh tế là một quá trình tăng tiến về mọi mặt của nền kinh tế trong một thời gian nhất định, bao hàm sự tăng trưởng kinh tế ổn định và dài hạn: đi liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lí và tiến bộ xã hội.

Câu 4: 

Các chỉ tiêu của phát triển kinh tế phản ánh sự chuyển biến tổng hợp của nền kinh tế cả về số lượng và chất lượng, bao gồm:

  • Tăng trưởng kinh tế (sự tăng trưởng mức sản xuất và mức sống trung bình của người dân trong một thời kì nhất định).
  • Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện đại, hợp lí, tăng tỉ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp trong GDP.
  • Chỉ tiêu về tiến bộ xã hội: Được thể hiện thông qua các chỉ số cơ bản như chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số đói nghèo, chỉ số bất bình đẳng xã hội.

Câu 5: 

Cơ cấu kinh tế là tổng thể các mối quan hệ giữa các ngành, các lĩnh vực, các bộ phận hợp thành của nền kinh tế quốc dân. Cơ cấu kinh tế của một nền kinh tế bao gồm cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng kinh tế và cơ cấu thành phần kinh tế. Trong hệ thống cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành kinh tế (công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ) giữ vị trí quan trọng nhất. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tiến bộ là quá trình tăng tỉ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm tỉ trọng của ngành nông nghiệp trong GDP nhưng giá trị tuyệt đối của các ngành đều tăng.

Câu 6: 

Tăng trưởng kinh tế đơn thuần chỉ là sự thay đổi về lượng, chưa phản ánh sự biến đổi về chất của một nền kinh tế. Phát triển kinh tế có phạm vi rộng hơn, toàn diện hơn so với tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu cuối cùng của sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia là sự tiến bộ xã hội cho con người, trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được về mặt kinh tế.

Câu 7: 

Vai trò của tăng trưởng và phát triển kinh tế:

  • Là tiền đề vật chất để giảm bớt tình trạng nghèo đói.
  • Làm cho mức thu nhập của dân cư tăng, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của cộng đồng được cải thiện.
  • Tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm. -
  • Tạo tiền đề vật chất cung cấp nguồn lực để củng cố an ninh quốc phòng, củng cố chế độ chính trị, tăng uy tín và vai trò quản lí của nhà nước đối với xã hội.
  • Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế còn là điều kiện tiên quyết để khắc phục sự tụt hậu.

Câu 8:

Tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tăng trưởng kinh tế là một nội dung của phát triển bền vững. Ngược lại, phát triển bền vững tạo điều kiện thuận lợi phát huy các nguồn lực tự nhiên và xã hội để tăng trưởng kinh tế diễn ra mạnh mẽ, bền vững hơn.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác