Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Địa lí 12 ctst bài 32: Phát triến kinh tế - xã hội ở Đông Nam Bộ

1. NHẬN BIẾT (5 CÂU)

Câu 1: Đông Nam Bộ có đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ như thế nào?

Câu 2: Nêu đặc điểm dân số của Đông Nam Bộ?

Câu 3: Em hãy cho biết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường?

Câu 4: Đông Nam Bộ có những hạn chế gì về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đối với phát triển kinh tế?

Câu 5: Nêu những hạn chế về điều kiện kinh tế - xã hội ở Đông Nam Bộ?


Câu 1: 

- Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Diện tích vùng năm 2021 là 23,6 nghìn km².

- Đông Nam Bộ tiếp giáp với nước láng giềng Cam-pu-chia, giáp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; phía đông nam có vùng biển rộng với một số đảo, quần đảo, lớn nhất là quần đảo Côn Sơn. Đông Nam Bộ nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế và là đầu mối giao thông lớn bậc nhất cả nước.

- Vị trí địa lí thuận lợi cho vùng phát triển kinh tế, đẩy mạnh liên kết kinh tế với các vùng kinh tế khác, mở rộng giao thương quốc tế.

Câu 2: 

- Năm 2021, số dân của vùng là 18,3 triệu người, chiếm 18,6% số dân cả nước. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên thấp (0,98%, năm 2021) nhưng do gia tăng cơ học nên vùng có tỉ lệ gia tăng dân số cao nhất cả nước.

- Mật độ dân số của vùng cao, 778 người/km², chỉ thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng. Tỉ lệ dân thành thị năm 2021 là 66,4%, cao nhất cả nước.

- Các dân tộc sinh sống trong vùng là Kinh, Hoa, Khơ-me, Chăm,…

Câu 3: 

a) Phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường

- Phát triển kinh tế trong vùng đặt ra nhiều thách thức đến vấn đề bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững như: sự phát triển công nghiệp tập trung dẫn đến gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, biển; phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm cũng tác động xấu tới môi trường đất, nước,...

- Phát triển kinh tế theo hướng bền vững sẽ tác động tích cực và góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Kinh tế phát triển tạo nguồn đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, thực hiện các dự án bảo vệ, cải tạo môi trường.

b) Bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội

Bảo vệ môi trường góp phần phát triển kinh tế bền vững, tạo thuận lợi cho các hoạt động sinh hoạt của dân cư theo hướng văn minh.

- Việc bảo vệ môi trường giúp các hoạt động kinh tế, đặc biệt các ngành công nghiệp, dịch vụ (nhất là với ngành du lịch) duy trì hoạt động và mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, tạo môi trường trong lành cho các hoạt động xã hội, nhất là trong các đô thị lớn của vùng như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Biên Hoà,...

- Việc giải quyết các vấn đề về quá tải hạ tầng, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm ở các đô thị lớn sẽ giúp các hoạt động kinh tế – xã hội được đẩy mạnh, chất lượng cuộc sống dân cư được nâng cao,...

- Bảo vệ môi trường biển, triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tạo thuận lợi cho việc phát triển tổng hợp kinh tế biển của vùng.

Câu 4: 

- Mùa khô kéo dài từ 4 đến 5 tháng gây thiếu nước cho sản xuất. 

- Vùng cũng chịu ảnh hưởng đáng kể của thuỷ triều và xâm nhập mặn, kết hợp tác động của biến đổi khí hậu gây nhiều trở ngại đến sản xuất và đời sống.

Câu 5: 

- Tỉ lệ gia tăng dân số cơ học cao gây sức ép lên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội.

-  Hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất – kĩ thuật khá hoàn thiện nhưng nhiều nơi đang bị xuống cấp.

- Thị trường nhiều biến động gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển các ngành kinh tế trong vùng.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác