Viết bài văn tả một người làm việc ở trường (bác bảo vệ, cô thủ thư...) mà em quý mến!
Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương trình Tiếng Việt lớp 5 bộ chân trời sáng tạo. Có nhiều bài viết hay khác nhau để các em tham khảo. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Viết bài văn tả một người làm việc ở trường (bác bảo vệ, cô thủ thư...) mà em quý mến!
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
Bài mẫu 1: Bác bảo vệ trường em
Trong trường học của em, em có ấn tượng với rất nhiều người, không chỉ là thầy cô giáo, bạn bè mà cả với bác bảo vệ. Em ấn tượng với bác Viễn, bác bảo vệ rất thích chụp ảnh, hay quay video và phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Bác Viễn năm nay mới ngoài 40 tuổi, rất phong độ, đầu tóc luôn chải gọn gàng, quần áo sơ vin, chân đi giày quân nhu rất ra dáng một người cán bộ. Bác có dáng người cao, hơi gầy, khuôn mặt với gò má nhô cao, hai má hơi hóp khiến bác cười trông rất hóm hỉnh. Chúng em đã quá quen thuộc với hình ảnh bác Viễn tay cầm chiếc điện thoại giơ lên chụp ảnh, quay video hoặc phát trực tiếp về các hoạt động trên trường. Nhất là những dịp mít tinh lớn như ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, bác Viễn trở thành một thợ nháy ảnh chuyên nghiệp cho các thầy cô và học sinh. Công việc bảo vệ không quá vất vả nhưng đòi hỏi sự tổ chức quản lý chặt chẽ, nghiêm khắc, ấy vậy mà bác Viễn theo cảm nhận của em là bác bảo vệ hiền nhất trường, bác vẫn nghiêm túc trong công việc nhưng dù học sinh có phạm lỗi bác chỉ ôn tồn nhắc nhở, nhẹ nhàng khuyên răn, không bao giờ buông lời quát mắng hay doạ nạt học sinh.
Dù chỉ là một bác bảo vệ trường học nhưng bác Viễn là người để lại trong em những ấn tượng đẹp, hình ảnh của bác đã gắn liền với ngôi trường đầu tiên em học, và em sẽ mãi nhớ về mái trường, thầy cô, bạn bè và cả bác bảo vệ.
Bài mẫu 2: Cô thủ thư trường em
Trong ký ức của mỗi học sinh, bên cạnh hình ảnh những người thầy, người cô dạy dỗ trên lớp, thì còn có những hình ảnh khác cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng họ. Đối với em, một trong những người như vậy là cô thủ thư của thư viện trường em - cô Lan, một người phụ nữ tinh tế và dịu dàng, luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho tôi và nhiều bạn học sinh khác.
Cô Lan sở hữu một vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm. Khuôn mặt cô luôn nở một nụ cười ấm áp, dễ gần, làm cho bất kỳ ai khi bước vào thư viện cũng cảm thấy thoải mái, như được chào đón. Mái tóc dài của cô được buộc gọn gàng phía sau, cho thấy vẻ ngoài chỉn chu, tôn trọng công việc của cô.
Không chỉ có vẻ ngoài ấn tượng, cô Lan còn là một kho tàng kiến thức sống động. Cô biết rất nhiều về sách, từ những cuốn tiểu thuyết kinh điển đến những tác phẩm khoa học phức tạp. Khi chúng em cần tìm kiếm thông tin cho bài tập hay đơn giản là muốn khám phá một lĩnh vực mới, cô Lan luôn sẵn lòng giúp đỡ, chỉ dẫn chúng em tìm đến những cuốn sách phù hợp nhất. Kiến thức uyên bác và sự nhiệt tình của cô đã khơi dậy trong em niềm đam mê với việc đọc và học hỏi.
Nhưng điều làm tôi quý mến cô nhất không chỉ là vẻ ngoài hay kiến thức phong phú mà cô có, mà còn ở tấm lòng yêu sách, yêu tri thức mà cô đã truyền cảm hứng cho biết bao học sinh. Cô không chỉ giới thiệu sách, cô còn kể chúng em nghe về những câu chuyện đằng sau mỗi cuốn sách, những bài học quý giá mà chúng mang lại. Cô Lan luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách, không chỉ để tích lũy kiến thức mà còn để phát triển tư duy, tâm hồn.
Thư viện trường em không chỉ là nơi chứa đựng sách vở, nó còn là ngôi nhà của những ước mơ, nơi cất giữ những tình cảm yêu mến mà cô Lan đã trao gửi. Em biết rằng, không chỉ mình em, mà biết bao thế hệ học sinh đã và đang trưởng thành từ những trang sách và tình yêu sách mà cô Lan đã khơi dậy trong tim họ. Cô Lan, mãi là hình mẫu lý tưởng và là ngọn hải đăng soi sáng con đường tri thức cho chúng em.
Bài mẫu 3: Cô lao công trường em
Tụi học sinh chúng tôi hầu như chẳng ai quan tâm đến bác lao công. Nhưng không phải vì ghét bác mà là vì hầu như chúng tôi chẳng gặp bác bao giờ. Mỗi buổi sáng khi chúng tôi đến lớp, lớp đã sạch như lau cứ như chuyện cô Tấm trong quả thị vậy. Nhưng riêng đối với tôi, ấn tượng về bác lao công thật là đặc biệt. Tất cả bắt đầu từ cái ngày chúng tôi được phân công đi lao động.
Sáng hôm ấy, sau buổi học, cô chủ nhiệm dặn chúng tôi buổi chiều đi lao động để chuẩn bị cho ngày 26/3. Buổi chiều cô có việc bận nên các em phải tự lao động theo sự phân công. Ăn trưa xong thế là tụi tôi lại vội vã đạp xe rủ nhau mang dụng cụ đến trường. Dù đến sớm nhưng vốn ham chơi, tụi con gái chúng tôi chẳng ai bảo ai quây ngồi thành một vòng tròn đủ chuyện trên trời dưới biển. Còn tụi con trai, trước khi đi đã thủ sẵn quả bóng da. Thế là đến trường các bạn đua nhau lao vào quả bóng. Sân trường buổi chiều vắng lặng chẳng có ai nên tụi tôi tha hồ đùa nghịch, la hò ầm ĩ mà chẳng ai nghĩ đến công việc phải làm. Tụi con trai còn đá bóng làm gãy cả một cành cây cảnh.
Thoáng cái đã hết quá nửa buổi chiều, lúc ấy bạn lớp trưởng mới chợt nghĩ đến nhiệm vụ được giao. Thế là chúng tôi mới cuống quýt ai làm việc nấy. Nhưng lạ thay! Khi xách nước đến những ô cửa kính để lau những vết bụi và vết bẩn lâu ngày thì chúng tôi bị phát hiện ra, các ô cửa kính đều đã được lau rất sạch. Quay sang khu hiệu bộ, chúng tôi lại thấy toàn bộ khu làm việc cũng đã được quét sạch bong. Chưa kịp hiểu ra ai đã giúp chúng tôi hoàn thành công việc thì từ xa, tôi đã thấy bác lao công đi tới. Đáp lại lời chào của chúng tôi, bác hiền hậu mở lời:
‐ Chào các cháu! Các cháu đi lao động phải không?
Bạn lớp trưởng chưa kịp trả lời, bác lao công lại tiếp:
‐ Thấy các cháu đang chơi vui vẻ, tiện tay bác đã giúp các cháu lo xong công việc ngày mai. Bác sợ các cháu làm không xong sẽ ảnh hưởng đến ngày kỷ niệm.
Lúc ấy, bạn lớp trưởng mới thưa:
‐ Chúng cháu cảm ơn bác rất nhiều! Chúng cháu ham chơi quá!
‐ Tuổi của các cháu là tuổi chơi, tuổi học nhưng các cháu cần nhớ khi đã được giao công việc phải chú ý để hoàn thành. Tiện đây bác cũng nhắc nhở các bạn nam, từ lần sau không được đá bóng ở sân trường vì sẽ làm hỏng cây xanh.
Chúng tôi ngoan ngoãn gật đầu rồi ra về trong lòng thầm cảm ơn bác lao công. Bác đã dạy chúng tôi bài học đầu tiên về lao động. Từ ngày ấy, các bạn lớp tôi quý trọng bác lao công lắm. Mỗi lần đi lao động hay có dịp được gặp mặt bác lao công, tụi tôi lại xúm quanh bác hỏi chuyện như những đứa con lâu ngày mới gặp lại cha mình.
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
Bình luận