Tóm tắt kiến thức ngữ văn 8 kết nối bài 4: Lai Tân
Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 8 kết nối tri thức bài 4: Lai Tân. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
VĂN BẢN. LAI TÂN
I. TÌM HIỂU CHUNG
1. Tác giả
- Hồ Chí Minh (1890-1969) là vị lãnh tụ tài ba, vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới.
- Văn thơ Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá, là một bộ phận gắn bó hữu cơ với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Văn thơ của Người có tác dụng to lớn đối với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, đồng thời có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử và đời sống tinh thần của dân tộc.
2. Tác phẩm
- Xuất xứ: Đây là bài thứ 96 nằm trong tổng số 133 bài ở tập thơ “Nhật kí trong tù”
- Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác trong khoảng bốn tháng đầu của thời gian Hồ Chí Minh bị giam giữ tại các nhà tù của bọn Quốc dân đảng Trung Quốc ở Quảng Tây.
- Thể thơ: Bài thơ thuộc thể thơ tứ tuyệt Đường luật. Cơ sở để nhận biết điều đó là bài thơ có bốn câu, mỗi câu bảy chữ; có luật (nguyên tác luật bằng, bài thơ dịch luật trắc); có niêm (niêm giữa câu 2 và 3); gieo vần chân ở các câu chẵn; nhịp câu thơ được ngắt chẵn trước lẻ sau (2/2/3 hoặc 4/3)
- Bố cục: 2 phần
- Phần 1 (3 câu đầu): Thực trạng của chính quyền Lai Tân
- Phần 2 (còn lại): Thái độ châm biếm, mỉa mai của tác giả.
II. TÌM HIỂU CHI TIẾT VĂN BẢN
1. Thực trạng của chính quyền Lai Tân
“Ban trưởng nhà giam ngày ngày đánh bạc
Cảnh trưởng tham lam ăn tiền phạm nhân bị áp giải
Huyện trưởng chong đèn làm việc công”
- Ba câu đầu là giọng điệu tự sự, tác giả lần lượt kể về “công việc” của các nhà chức trách
- Các nhân vật được nhắc đến trong ba câu thơ đầu gồm ban trưởng nhà giam, cảnh trưởng và huyện trưởng. Họ là những công chức, viên chức thuộc bộ máy chính quyền, những người thuộc giai tầng thống trị trong xã hội. Tuy có chức vụ cao là vậy nhưng những gì họ làm hàng ngày đã cho thấy họ không làm đúng chức năng của mình:
- Ban trưởng: Trông coi tù nhưng ngày ngày đánh bạc
- Cảnh sát trưởng: Giải người nhưng tham lam ăn tiền của phạm nhân
- Huyện trưởng: Lo công việc công nhưng “chong đèn” làm việc riêng
Ở đây, việc huyện trưởng phải “chong đèn” cho thấy nhân vật này đang thực hiện công việc của mình. Tuy nhiên, dù “chăm chỉ” như vậy nhưng trong địa bàn mà ông ta quản lí thì ngay cả những người làm công tác an ninh trật tự cũng vi phạm pháp luật, chỉ lo toan tính mưu lợi. Vậy việc làm huyện trưởng “chong đèn” ám chỉ công việc mà ông ta đang làm không phải là việc có ích mà là một công việc mờ ám nào đó
Mục đích công việc đáng ra phải làm theo chức trách là giữ trật tự, an ninh cho xã hội, nhưng mục đích những việc thường làm trên thực tế lại là đánh bạc, kiếm ăn, làm những việc bất hợp pháp để trục lợi, thoả mãn nhu cầu cá nhân
=> Nhận xét: Chính những kẻ đại diện cho chính quyền, cho luật pháp lại ngang nhiên vi phạm pháp luật. Ở một nơi có chức năng để cảm hóa con người nhưng với thực trạng như thế kia thì nó là nhà tù kiểu gì cũng là điều ai cũng có thể hiểu. Một kiểu nhà tù như vậy với những kẻ cai tù như vậy thì liệu thiên hạ có thái bình thực sự hay không?
=> Chỉ bằng ba câu thơ kể, tả bình thản, bộ máy lãnh đạo của huyện Lai Tân đã hiện ra một cách rõ nét với những mặt tiêu cực, từ đó làm nổi bật lên sự thối nát của chính quyền huyện. Sự ngược đời đến từ bản chất công việc và những gì họ làm hằng ngày đã chỉ ra tính lố bịch, làm lộ rõ sự xấu xa của ban trưởng, cảnh trưởng từ đó tạo tiếng cười trào phúng trực diện nhằm vào những đối tượng này
2. Thái độ châm biếm, mỉa mai của tác giả
“Lai Tân y cựu thái bình thiên”
(“ Lai Tân vẫn thái bình như xưa”)
Câu thơ kết bình luận, đánh giá sự việc đã được kể. Theo mạch tự sự thì câu thơ cuối mang nội dung phê phán nhưng tác giả kết luận ngược.
- Ở câu thơ cuối, tác giả đã kết luận một cách thâm thuý, đầy ý vị: “Lai Tân vẫn thái bình như xưa”. “Thái bình” khi mà trưởng ban vi phạm pháp luật (đánh bạc), cảnh trưởng chỉ tìm cách tư lợi (kiếm ăn quanh) thì chỉ có thể là thái bình giả tạo. Đó là thái bình của tham nhũng, lười biếng, sa đọa với bộ máy công quyền của những con mọt dân tham lam.
- Tính từ thái bình có thể xem là “thần tự”, “nhãn tự” của bài thơ. Một chữ “thái bình” mà thâu tóm lại bao nhiêu việc làm vốn là chuyện muôn thuở của cái xã hội Trung Quốc còn giai cấp bóc lột thống trị. Chỉ một chữ ấy mà xé toang tất cả sự “thái bình” dối trá nhưng thực sự là đang “đại loạn” từ bên trong của xã hội. Hai chữ “thái bình” cuối văn bản vừa miêu tả vẻ yên bình, tốt đẹp giả tạo, vừa là cách nói ngược để tạo tiếng cười trào phúng, châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay
-> Khi người đọc nhận ra được sự mâu thuẫn giữa vẻ bề ngoài (thái bình) với thực chất (mục ruỗng, thối nát) của xã hội cũng là tiếng tiếng cười trào phúng được thể hiện
=> Hồ Chí Minh đã đả kích trực tiếp và khách quan chế độ Tưởng, do đó sức tố cáo, châm biếm của nó rất mạnh mẽ, quyết liệt. Bác đã giáng những đòn liên tiếp, chính xác vào xã hội ấy ở nhát đòn quyết định có tên là “thái bình”. Câu thơ kết mang ý mỉa mai, châm biếm sâu cay nhưng vẫn thấy nhẹ nhàng, chân thực và giản dị. Giai cấp thống trị ở Lai Tân thấy trời đất thái bình là tưởng thây yên ổn chúng bằng lòng với cách thái bình đó mà không ngờ rằng đó chỉ là cảnh thái bình giả dối, trong đó chất chứa rất nhiều sóng gió, hiểm nguy. Điều ấy cũng thể hiện sự ngu dốt, vô trách nhiệm hết sức của bọn chúng
III. TỔNG KẾT
1. Ngôn ngữ
Nhẹ nhàng nhưng hàm chứa ý trào phúng mỉa mai sâu cay
2. Đặc sắc bố cục
- Tuân thủ theo đúng luật thơ đường luật thất ngôn tứ tuyệt
- Ba câu đầu kể tả khách quan, thái độ giấu kín. Câu cuối nêu nhận xét thâm trầm kín đáo, mỉa mai châm biếm sâu sắc.
- Lối viết tự sự, giọng điệu lạnh lùng, mỉa mai châm biếm sâu cay
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
Bình luận