Tóm tắt kiến thức ngữ văn 8 chân trời bài 10: Đề đền Sầm Nghi Đống

Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 8 chân trời sáng tạo bài 10: Đề đền Sầm Nghi Đống. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả

Hồ Xuân Hương (không rõ năm sinh, năm mất), sống vào khoảng cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX, có tài liệu ghi quê bà ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Hồ Xuân Hương nổi tiếng với những sáng tác thơ bằng chữ Nôm, tổng cộng khoảng hơn 50 bà, nội dung bênh vực, đề cao phụ nữ (ví dụ: Tự Tình II, Bánh trôi nước, Mời trầu,…) đồng thời đả kích thói đạo đức giả, hợm hĩnh, khoe khoang,…(Ví dụ: Mắng học trò dốt I, Thiếu nữ ngủ ngày, Đèo Ba Dội,…)

2. Tác phẩm

  • Bố cục: 2 phần
    • Phần 1 (2 câu đầu): Thái độ của tác giả đối với ngôi đền quan Thái Thú.
    • Phần 2 (2 câu cuối): Nhà thơ khẳng định vai trò của người phụ nữ.
  • Giọng đọc: đanh thép, thách thức.

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT

1. Hai câu đầu: Thái độ của nhà thơ đối với đền thờ Sầm Nghi Đống.

  • Sầm Nghi Đống – tên tướng giặc nhà Thanh – đã thất trận ở nước ta vào mùa xuân năm 1789. Thể theo truyền thống nhân đạo, cũng là vì mối bang giao của hai dân tộc, vua Quang Trung cho phép lập đền thờ. Tên Thái thú họ Sầm đâu có thể ngờ được rằng sau này có một nữ sĩ đã qua đây và

“Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo”

Nhà thơ không nhìn thẳng, cũng không thèm quay sang để nhìn rõ mà chỉ là nhìn nghiêng, nhìn chéo, có thể chỉ là liếc qua. Ngôi đền đối với bà chẳng là cái gì cả, chỉ là nhân thể đi qua thì ghé mắt nhìn xem nó ra sao. Cách nhìn ấy cho ta thấy ngay thái độ ngạo mạn của nhà thơ độc nhất vô nhị này.

Và nhờ cái bảng treo, nữ sĩ mới biết đây là đền Thái Thú

“Kìa đền Thái Thú đứng cheo leo”

Nhà thơ có vẻ ngạc nhiên: “Kìa”. Hóa ra đó là đền sầm Nghi Đống, quận Thái Thú xâm lược. Ngôi đền được xây trên cao, nhưng nó chẳng tạo ra được sự uy nghi, hùng vĩ đối với nữ sĩ, không thể khiến bà đứng ngước lên một cách kính cẩn mà bà chỉ thấy nó “đứng cheo leo”. Câu thơ đem đến cho người đọc cảm giác ngôi đền đó chẳng có gì vững chãi, đàng hoàng. Chữ “kìa” đầu câu, còn nói lên điều kinh ngạc của nhà thơ: đối với con người này, tại sao lại lập đền thờ? Tại sao lại biến ông ta thành “thần thánh”? Thực ra ở y có gì đáng thờ như vậy đâu!...

b. Hai câu sau: Nhà thơ khẳng định vai trò của người phụ nữ.

  • Đem chính mình ra so sánh với một ông thần là một điều “báng bổ bất kính”, nhưng còn coi mình hơn ông thần ấy thì sự bất kính lên đến đỉnh cao.
  • Đại từ ngôi thứ nhất “đây” thường dùng để xưng hô trong trường hợp những người ngang hàng, hoặc là thân mật hoặc là coi thường. Đối với những người được thờ cúng coi như thánh, thần mà xưng như thế thì rất “xược”.
  • Ý thơ thật là độc đáo và táo bạo! Nhà thơ đã lột trần chân tướng và giá trị của sầm Nghi Đống không đáng mặt nam nhi! Chưa cần nói đến tội hắn là một kẻ xâm lược mà ngay việc cầm quân của hắn cũng tỏ ra không đủ tài, đủ sức chỉ huy, đến nỗi quân sĩ bị đối phương đánh tan tác, cuối cùng cũng phải treo cổ tự tử cho khỏi nhục! Kẻ “anh hùng” đã từng trận mạc đang được thờ trong đền kia thực ra tài năng không bằng một người đàn bà! Chỉ cần với từ “há bấy nhiêu”. Hồ Xuân Hương đã chỉ ra nghiệp một đời của “quan Thái thú” thảm hại đến nhường nào.

III. TỔNG KẾT

1. Nội dung

Hồ Xuân Hương là một người tự ý thức được tài năng, phẩm chất, giá trị của mình ngay cả thái độ đối với các bậc mày râu. Với phong cách trào phúng, bà đã phê phán sự bất tài, sự kém cỏi của các bậc xưng là “quân tử”, “anh hùng”. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ ở chỗ không dừng lại sự đánh giá, chê bai một viên tướng giặc mà nhà thơ muốn nói lên một tâm sự bức thiết hơn, khát vọng bình đẳng nam và nữ.

2. Nghệ thuật

Đề đền Sầm Nghi Đống là một bài thơ độc đáo không chỉ vì giá trị tư tưởng và cách đặt vấn đề táo bạo của nó, mà còn vì một nghệ thuật thơ xuất sắc… Bài thơ đúng là của “bà chúa thơ Nôm”. Cách sử dụng từ thuần Việt, sắc sảo, sinh động, có sức gợi tả sâu sắc, kết cấu chặt chẽ, đầy kịch tính, gây nhiều hứng thú cho người đọc.

 

Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Tóm tắt kiến thức văn 8 CTST bài 10 Đề đền Sầm Nghi Đống, kiến thức trọng tâm ngữ văn 8 chân trời bài 10: Đề đền Sầm Nghi Đống, Ôn tập văn 8 chân trời bài Đề đền Sầm Nghi Đống

Bình luận

Giải bài tập những môn khác