Tóm tắt kiến thức lịch sử 10 chân trời bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam

Tổng hợp kiến thức trọng tâm lịch sử 10 chân trời bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo

I. THÀNH PHẦN CÁC DÂN TỘC TRÊN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM

1. THÀNH PHẦN DÂN TỘC THEO DÂN SỐ

- Việt Nam là một quốc gia thống nhất về lãnh thổ, đa dạng về tộc người. Việt Nam hiện có 54 dân tộc, phân bố trên cả ba miền Bắc, Trung và Nam, trong đó:

+ Dân tộc Kinh (còn gọi dân tộc Việt) có số lượng đông nhất (chiếm 85,3% tổng dân số cả nước).

+ Các dân tộc ít người còn lại chiếm 14,7% dân số.

2. THÀNH PHẦN DÂN TỘC THEO NGỮ HỆ

- Ngữ hệ (hệ ngôn ngữ) là một nhóm các ngôn ngữ có cùng nguồn gốc, có những đặc điểm tương đồng về ngữ âm, thanh điệu, cú pháp và vốn từ vị cơ bản.

- Mỗi một ngữ hệ bao gồm một số ngôn ngữ hoặc nhóm ngôn ngữ. Các dân tộc ở Việt Nam thuộc 5 ngữ hệ: Nam Á, Nam Đảo, H'mông – Dao, Thái – Ka-đại và Hán – Tạng. Tiếng Việt được xếp vào nhóm ngôn ngữ Việt – Mường thuộc ngữ hệ Nam Á – một ngữ hệ lớn ở vùng Đông Nam Á lục địa.

- Sự phân chia tộc người theo ngữ hệ: Xét về mặt ngôn ngữ, các dân tộc ở Việt Nam thuộc các ngữ hệ: Nam Á, Nam Đảo, Hmông – Dao, Hán – Tạng và Thái – Ka-đai. Mỗi ngữ hệ gồm một số ngôn ngữ hoặc nhóm ngôn ngữ.

- Các dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có tiếng nói riêng, trong đó 26 dân tộc đã có chữ viết. Tiếng Việt được dùng làm ngôn ngữ chính thức của nhà nước và là phương tiện giao tiếp giữa các dân tộc.

II. ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CỦA CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM

Hoạt động sản xuất:

- Nông nghiệp:

+ Đa số các dân tộc ở Việt Nam làm nông nghiệp. Cây lương thực chính là lúa tẻ, lúa nếp và ngô (bắp). Các dân tộc sinh sống ở đồng bằng canh tác lúa trên ruộng nước. Các dân tộc ở vùng cao canh tác trên ruộng khô hoặc nương rẫy, ruộng bậc thang. Nông cụ sản xuất gồm có cày, bừa, cuốc, rìu, dao quắm.. Trâu, bò được sử dụng làm sức kéo.

+ Trong hoạt động sản xuất, hầu hết các dân tộc ở Việt Nam đều kết hợp trồng trọt với chân nuôi gia súc (trâu, bò, lợn, dê, cừu) và gia cầm (gà, vịt. ngan, ngỗng); khai thác các nguồn lợi từ rừng, sông, suối và biển.

- Thủ công nghiệp: Các nghề như dệt vải, làm đồ gốm, rèn đúc nông cụ, làm đồ gỗ, làm tranh, tượng, đan lát,... phát triển, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, trao đổi, buôn bán. Một số sản phẩm thủ công nghiệp độc đáo, mang đậm nét văn hoá đặc trưng của dân tộc như gốm (Chăm), thổ cẩm (Dao, Thái,..), tranh Đông Hồ (Kinh),

Đời sống vật chất:

- Về cách ăn, uống: nhìn chung, bữa ăn hàng ngày và các món ăn trong các dịp lễ, tết, hội hè của các dân tộc đều được làm từ những sản phẩm mà đồng bào trồng trọt và chăn nuôi được hoặc các sản vật được khai thác từ tự nhiên: cơm nấu từ gạo tẻ. gạo nếp, ngô (bắp), thịt (trâu, bò, heo, gà, vịt, cá, tôm, ếch, nhái, mắm, rau, măng, củ, thịt trâu gác bếp...

- Về trang phục, mỗi dân tộc đều có những nét riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn thêu thùa, phụ thuộc vào điều kiện khí hậu của địa bàn cư trú. Bên cạnh đó, trang phục/cách mặc cũng phản ánh sự phát triển nghề dệt, may, thêu thùa, trang trí, góp phần làm nên nét văn hoá đặc trưng của mỗi dân tộc.

- Nhà ở đa dạng về loại hình: nhà sàn, nhà nền đất, nhà nửa sàn nửa đất, nhà trình tường,... Vật liệu làm nhà là gỗ, đá, gạch, ngói, tre nứa, tranh, đất sét,... Cách thức làm nhà ở của các dân tộc vừa phản ánh tư duy về kiến trúc, nghệ thuật trang trí, vừa thể hiện nét văn hoá tín ngưỡng của các dân tộc.

- Về phương tiện vận chuyển: phương tiện vận chuyển truyền thống của các dân tộc gồm có gùi (mang trên lưng khi đi rừng, đi rảy), ngựa (phổ biến ở miền núi phía bắc), voi (ở Tây Nguyên), xe bò, xe trâu...

- Một số dân tộc sống ven sông, suối dùng thuyền độc mộc để đi lại và đánh bắt cá. Ngày nay, bên cạnh các phương tiện truyền thống, hầu hết các dân tộc ở Việt Nam đã sử dụng xe cơ giới làm phương tiện đi lại và vận chuyển.

Đời sống tinh thần:

- Tín ngưỡng, tôn giáo

+ Tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc ở Việt Nam là tín ngưỡng dân gian (thờ cúng Trời, đất, các vị thần linh, thờ cúng tổ tiên, các anh hùng dân tộc, tin thờ các loại mã..). 

+ Một bộ phận trong cộng đồng các dân tộc theo các tôn giáo lớn như Phật giáo (chủ yếu là người Việt, Hoa và Khmer), Công giáo, Tin lành (người Việt, một số dân tộc ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc), Hồi giáo (chủ yếu là người Chăm).

- Phong tục, tập quán, lễ hội:

+ Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có phong tục, tập quán gắn liền với đời người như sinh đẻ, cưới hỏi, làm nhà, ma chay hoặc liên quan đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các phong tục, tập quán đã góp phần tạo nên nét văn hoá đặc trưng của mỗi dân tộc.

+ Trong đời sống văn hoá tinh thần của các dân tộc, lễ hội có một vai trò rất quan trọng. Lễ hội là dịp để con người gửi gắm ước mong về một cuộc sống tốt đẹp, mùa màng bội thu, bày tỏ lòng biết ơn sự che chở, phù hộ của thần linh và tổ tiên đối cộng đồng.

Nội dung quan tâm khác

Từ khóa tìm kiếm: Tóm tắt kiến thức lịch sử 10 CTST bài 19 Các dân tộc trên đất nước Việt Nam, kiến thức trọng tâm lịch sử 10 chân trời bài 19: Các dân tộc trên đất nước Việt Nam, Ôn tập lịch sử 10 chân trời bài Các dân tộc trên đất nước Việt Nam

Bình luận

Giải bài tập những môn khác