Tìm hiểu giá trị văn hóa của một chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 10 bộ chân trời sáng tạo. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Tìm hiểu giá trị văn hóa của một chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ.

Đề bài: Tìm hiểu giá trị văn hóa của một chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ.

Bài tham khảo 1:

Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường Hai Bà Trưng nối liền hai dòng sông Hậu và sông Cần Thơ, thuộc địa phận xã Mỹ Phong. Chợ nổi là trung tâm giao thương và trao đổi hàng hóa sầm uất nhất ở miền Tây Nam Bộ. Ngoài vai trò là nơi mua bán nông sản và giao lưu văn hóa của bà con các tỉnh thành miền Tây. Chợ nổi Cái Răng còn là di sản văn hóa phi vật thể với nhiều giá trị đặc sắc của Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung. 

là trung tâm giao thương và trao đổi hàng hóa sầm uất nhất ở miền Tây Nam Bộ. Ngoài vai trò là nơi mua bán nông sản và giao lưu văn hóa của bà con các tỉnh thành miền Tây. Chợ nổi Cái Răng còn là di sản văn hóa phi vật thể với nhiều giá trị đặc sắc của Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung. 

Đến với chợ nổi bạn không những được chìm đắm trong khung cảnh thiên nhiên miền sông nước bình yên và hoang sơ. Mà còn có thể tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Thông qua cuộc trò chuyện với những người nông dân chân chất. Bạn còn có thể biết thêm lịch sử, tên gọi cùng nhiều điều thú vị của chợ nổi. Ngoài ra, những ghe trái cây miệt vườn đầy ắp chắc chắn cũng sẽ hấp dẫn ánh nhìn của bạn. Cùng với đó, bạn còn có thể tận hưởng bữa sáng cùng ly cà phê kho trong lúc ngắm bình minh xuất hiện nữa đấy!

Chợ nổi Cái Răng gây thích thú, tò mò ngay từ tên gọi chứ chưa kể đến những điều khác. Tương truyền, từ thời khai hoang lập ấp, có một con cá sấu với hàm răng cắm vào miệng đất trôi dạt vào chợ nổi ở Cần Thơ này. Từ đó, khi chợ nổi xuất hiện, người dân địa phương đã dùng tên gọi Cái Răng để đặt cho nơi đây. 

Ngoài ra, còn một cách lý giải nữa về tên gọi của chợ nổi Cái Răng. Đó là, Cái Răng trong tiếng Khmer có nghĩa là “karan” với hàm ý là “cà ràng” – ông táo. Ngoài ra, “karan” là một dụng cụ được sử dụng phổ biến ở miền Tây thời bấy giờ. Đặc biệt, những người thương lái và dân nghèo lênh đênh sông nước dùng “karan” mỗi ngày để đun nước. Bởi vì, “karan” ngày càng được sử dụng rộng rãi, nên người dân địa phương đọc lái dần thành chữ “cà ràng” rồi Cái Răng. Sự phát âm này là do thói quen ngôn ngữ của người dân miền Tây và từ đó tên gọi chợ nổi Cái Răng ra đời. 

Bài tham khảo 2:

Hình thành từ lâu đời, Chợ nổi Cái Bè (thị trấn Cái Bè) là một trong những chợ nổi mang nét văn hóa đặc thù của vùng Tây Nam bộ. Sự ra đời và phát triển chợ nổi đã khẳng định tinh thần năng động, đầy sáng tạo của cư dân vùng sông nước. Với những nét sinh hoạt độc đáo, Chợ nổi Cái Bè là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Tiền Giang nói riêng và Tây Nam bộ nói chung. Do đó, việc bảo tồn giá trị văn hóa Chợ nổi Cái Bè cần được quan tâm và chú trọng.

Họp ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, Chợ nổi Cái Bè là một trong những khu chợ nổi có quy mô lớn nhất ở khu vực Nam bộ. Chợ nổi Tây Nam bộ nói chung và Cái Bè nói riêng đã được hình thành từ khi có bước chân của lưu dân người Việt vào khai phá vùng đất này từ thế kỷ XVII - XVIII. Chợ nổi hình thành trong điều kiện giao thông và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển, nên khi có nhu cầu buôn bán, trao đổi, người ta liền tụ tập mua bán trên sông, bằng các phương tiện như xuồng, ghe. Sách Gia Định thành thông chí ghi nhận đầu thế kỷ XIX, Chợ nổi Cái Bè rất sung túc. Bè tre đậu kín vàm rạch, chở lúa gạo, cá khô, cau khô và các loại vỏ cây già, cây đước bán tận Campuchia. Đến cuối thế kỷ XX, nơi đây đã trở thành một trong những khu chợ đầu mối lớn nhất khu vực Nam bộ.

Vào thời hoàng kim, Chợ nổi Cái Bè hoạt động suốt ngày đêm và thường là theo con nước lớn. Chợ họp từ 3 - 5 giờ sáng cho đến tận xế chiều. Hàng hóa rất đa dạng và phong phú, từ vải vóc, thủy hải sản cho đến đồ gia dụng, đồ uống,... nhưng nổi bật nhất là trái cây. Ngày nay, do nhu cầu của người dân, Chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang không chỉ buôn bán trái cây hay các loại nông phẩm, mà còn có các món ăn. Các xuồng nhỏ len lỏi giữa các thuyền trái cây, chủ yếu bán nước uống, điểm tâm sáng cho người đi chợ: Bánh ướt, hủ tiếu, cháo lòng, bánh canh, cà phê, trà đá... Khu vực bán các loại rau củ quả chạy dài từ ngã ba Nhà Thờ đến cửa vàm Long Hải. Khu này thường có loại ghe lớn có trọng tải từ 5 - 10 tấn từ các tỉnh khác chở hàng đến mua bán. Khu bán gạo, cám thì nằm riêng biệt ở một khúc sông. Nét độc đáo của chợ nổi là ghe thuyền bán thứ gì thì treo thứ ấy lên đầu ngọn sào để người mua biết, không phải rao mời.

Theo tiến trình phát triển, cùng với tác động của nhiều yếu tố khách quan, Chợ nổi Cái Bè hiện đứng trước nguy cơ mai một những giá trị làm nên bản sắc. Hiện nay, Chợ nổi Cái Bè đã không còn là một chợ nổi đông đúc, trên bến dưới thuyền như ngày trước. Theo khảo sát của chúng tôi, số lượng ghe thuyền neo đậu ở trung tâm chợ nổi đã giảm nhiều so với trước đây. Nguyên nhân chính là do hệ thống giao thông đường bộ hiện nay đã phát triển nên lượng ghe thuyền hoạt động trên Chợ nổi Cái Bè đã giảm nhanh chóng, chỉ còn khoảng 100 - 150 ghe buôn bán sỉ các mặt hàng trái cây, rau, củ, quả... Bên cạnh đó, Chợ nổi Cái Bè còn thiếu nhiều sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách. Điều này làm cho sức hút của chợ nổi đối với du khách cũng giảm dần. 

Cuối năm 2017, Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè lập Đề án "Bảo tồn và phát huy Chợ nổi Cái Bè". Theo đó, sẽ giữ nguyên hiện trạng chợ nổi, nhưng có sự sắp xếp, quản lý, bố trí lại để đáp ứng các yêu cầu về an toàn giao thông thủy; vùng nước quy hoạch có chiều dài từ 400 - 500m từ vàm Cái Bè đến Kênh 28; đảm bảo số lượng ghe, tàu neo đậu cố định từ 100 - 150 chiếc và tiếp nhận 200 - 300 ghe, tàu neo đậu mua bán có tải trọng từ 20 - 60 tấn. Đồng thời, phải bảo tồn tối đa những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của chợ nổi nhằm đáp ứng nhu cầu sinh kế của người dân và nhu cầu tham quan, mua sắm và ẩm thực của du khách.

Với những nét sinh hoạt độc đáo, Chợ nổi Cái Bè là một trong những địa điểm du lịch Tiền Giang hấp dẫn được đông đảo du khách trong nước và quốc tế ghé thăm. Có thời điểm, lượng khách tham quan nơi này chiếm khoảng 80% trong tổng số du khách du lịch đến huyện Cái Bè. Và đây cũng là điểm du lịch được các công ty lữ hành khai thác mạnh, hầu như trong các hành trình du lịch về miền Tây đều có ít nhất một đến hai lịch trình khám phá Chợ nổi Cái Bè.

Một trong các sản phẩm du lịch chủ đạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là tham quan chợ nổi. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chợ nổi là nguồn tài nguyên quý giá, đặc sản du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long bởi nét độc đáo không nơi nào có được. Bởi vì, du lịch chợ nổi đã tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương thông qua việc đi lại, tham quan, ăn uống, mua sắm và vui chơi giải trí của du khách. Ngoài ra, du lịch chợ nổi cũng góp phần làm đa dạng hóa các loại hình du lịch cho vùng.

Thông thường, các công ty lữ hành sẽ bố trí những chiếc đò nhỏ đưa khách qua những dòng kênh, rạch nhỏ đến thăm Nhà cổ Ba Đức, đi Chợ nổi Cái Bè, tham quan cảnh họp chợ trên sông, xem các món hàng treo trên cây bẹo ở đầu ghe, khách sẽ trải nghiệm mua bán với các thương lái, để tìm hiểu nét văn hóa mua bán trên sông rất đặc trưng của người dân Nam bộ, rồi ghé lại các lò bún, bánh tráng, cốm ven sông, du khách được biết thêm vài nghề thủ công, truyền thống ở nông thôn.

Tuy nhiên hiện nay, các hoạt động tại Chợ nổi Cái Bè đang bộc lộ nhiều bất cập nhất định, làm ảnh hưởng đến chất lượng du lịch chợ nổi và công tác bảo tồn chợ nổi. Theo TS. Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch: "Để Chợ nổi Cái Bè có thể duy trì được sức hấp dẫn về văn hóa và giữ được vai trò kinh tế, cần nhìn nhận được những yếu tố bản địa mang giá trị tài nguyên của nó, "phát hiện lại" những giá trị này trong mối liên hệ mật thiết với kinh tế, công nghệ, văn hóa, du lịch. Cần tạo ra và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm được "sinh sống" ở chợ nổi dù chỉ trong một buổi chợ, và cũng giống như trong bảo tàng có không gian "khám phá" dành cho du khách tự mình tham gia vào một sự kiện lịch sử giả định, chợ nổi cũng cần tổ chức cho du khách được một lần trải nghiệm với vai trò thương hồ trên không gian sông nước miền Tây. Tất cả hoạt động trên đều cần sự hợp tác và tham gia của cộng đồng dân cư chợ nổi, tức là tạo cho cộng đồng một sinh kế mới từ "vốn văn hóa" của họ".

Bài tham khảo 3:

Ra đời từ nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân vùng sông nước, các chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long giờ đây không chỉ là nơi giao thương hàng hóa, nông sản mà còn là nét văn hóa đặc trưng, sản phẩm du lịch ấn tượng, cần được duy trì và phát huy để phát triển bền vững. 

Đến các chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều người có cảm nhận như đang được chứng kiến một bức tranh cuộc sống sinh động, nhiều sắc màu. Hòa mình vào không khí mua bán hàng hóa trên sông nước, chúng ta hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng đồng bằng châu thổ phía Nam đất nước.
Hình thành trên sông nước
Nói về nguồn gốc ra đời của chợ nổi, các nhà nghiên cứu khẳng định: Chợ nổi ra đời xuất phát quy luật tất yếu của sự phát triển thương mại, đáp ứng nhu cầu phân phối, tiêu thụ hàng hóa của cư dân trong vùng khi điều kiện giao thông đường bộ còn hạn chế; đồng thời thể hiện tập quán đi lại, mua bán trên sông của cư dân vùng đất Nam Bộ. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt là đặc trưng thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi hợp lưu của các nhánh sông đã tạo thành các ngã ba, ngã tư, ngã năm, ngã sáu, thậm chí là ngã bảy trên sông. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành nên các chợ nổi trên sông nước đồng bằng.

Hình thành gắn với đặc thù vùng sông nước, chợ nổi có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ hàng nông sản ở vùng, đem lại việc làm đáng kể cho người dân, góp phần cải thiện đời sống của cư dân thương hồ. Chợ nổi thực sự là bức tranh đầy màu sắc về kinh tế - văn hóa - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long. Tại chợ, hình thức mua bán hàng hóa diễn ra trên cơ sở kết tinh giữa môi trường sông nước và tập quán mua bán trên sông của người dân trong suốt chiều dài lịch sử. Chợ cũng là nơi tiếp thị, giới thiệu nhiều loại đặc sản, nông sản, là điểm trung chuyển hàng hóa giúp gắn kết giữa khu vực thành thị với vùng nông thôn.

Tùy theo ngành hàng buôn bán ở chợ nổi, chợ buôn bán đa ngành hàng hay chuyên về trái cây, nông sản mà nhóm họp cả ngày hoặc chỉ một buổi, nhưng thường có điểm chung là đông nhất là vào buổi sáng sớm, thời điểm khoảng 3 giờ - 5 giờ sáng tùy từng chợ.
Một điểm nổi bật khi nói đến hoạt động giao thương ở chợ nổi Đồng bằng sông Cửu Long là sự xuất hiện của những cây bẹo - cách thức tiếp thị, quảng cáo độc đáo, là dấu hiệu giúp người mua nhận biết trên ghe, xuồng bán loại nông sản, hàng hóa nào để ghé lại mua hàng.

Khẳng định chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước, theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng, chợ nổi còn là nơi hình thành nhiều điệu hò đối đáp độc đáo giữa những chàng trai thương hồ và cô gái miệt vườn, quen nhau ở chợ, giao lưu văn nghệ bằng các câu hò trên mênh mang sông nước như: “Ơ ầu ơ… Chuyến này anh chở cát. Chuyến khác anh chở vôi. Anh làm sao cho duyên nợ lôi thôi, nay đổi, mai dời. Liệu bề anh có thương đặng trọn đời. Anh hãy thương, ơ ầu ơ…”

Với giá trị văn hóa đặc sắc, văn hóa chợ nổi Cái Răng - một trong những chợ nổi tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới với các xuồng, ghe bán những hàng hóa rực rỡ sắc màu hay trang website du lịch Youramazingplaces đã đưa chợ nổi Cái Răng vào danh sách những chợ nổi đẹp nhất ở châu Á.

Bài tham khảo 4: 

Hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long, hay miền Tây như cách gọi thông thường, xuất hiện xu hướng tìm về nguồn tài nguyên sinh thái bản địa để “khởi nghiệp” và phát triển các mô hình sản xuất - kinh doanh, trong bối cảnh tự nhiên “biến đổi khí hậu” và xã hội “cách mạng công nghệ 4.0”. Có thể nói phần lớn những “tài nguyên bản địa” ở đây không phải mới được phát hiện mà là “phát hiện lại” trong mối liên hệ mật thiết với kinh tế, công nghệ, văn hóa, du lịch… nhằm “phát triển bền vững” từ giá trị nhiều mặt của nó.

Một trong những loại hình kinh tế - văn hóa độc đáo, hấp dẫn mang trong nó giá trị của “tài nguyên bản địa” vùng sông nước Nam bộ là chợ nổi. Xuất hiện tại những tuyến giao thông đường thủy chính một số chợ nổi được nhiều người biết đến là chợ Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng, Phong Điền (Cần Thơ), Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long), Ngã Năm (Sóc Trăng), Long Xuyên, Châu Đốc (An Giang), Cà Mau, Năm Căn (Cà Mau), Vĩnh Thuận (Kiên Giang)… Tuy nhiên, nhiều chợ nổi đang có nguy cơ “chìm” mặc dù được kết hợp chức năng kinh tế với du lịch nhưng cả hai chức năng này ngày càng không đáp ứng được yêu cầu.

Để chợ nổi có thể duy trì được sức hấp dẫn về văn hóa và giữ được vai trò kinh tế, cần thiết nhìn nhận được những yếu tố “bản địa” mang giá trị “tài nguyên” của nó.

Môi trường tự nhiên. Chợ nổi hình thành và phát triển ở vùng sông nước của miền Tây Nam bộ.  Là đồng bằng thấp trũng thành tạo chưa hoàn chỉnh, Tây Nam bộ có địa hình sông rạch dày đặc đan xen chằng chịt. Cùng với hệ thống sông Cửu Long còn có một mạng lưới kênh đào phát triển mạnh từ thời Nguyễn. Sông rạch hay kênh đào đều thực hiện chức năng đưa nước ngọt, phù sa về đồng bằng, thoát nước vào mùa nước nổi, là đường giao thông thuận tiện và rộng khắp, nguồn thức ăn tôm cá quanh năm… Do ảnh hưởng chế độ “bán nhật triều không đều” (cả về thời gian và lưu lượng) của vùng biển Nam bộ nên hệ thống sông kênh rạch ở đây ngày hai lần nước lớn nước ròng. Khoảng thời gian “nước đứng” ghe xuồng neo đậu nghỉ ngơi chờ con nước thuận mà tiếp tục ngược xuôi.

Tùy từng miệt (tiểu vùng địa lý tự nhiên như miệt vườn, miệt ruộng, miệt thứ…) mà chợ nổi hình thành ở vị trí khác nhau nhưng phần lớn ở tại vàm sông (nơi có các dòng chảy gặp nhau tạo ra ngã ba, ngã tư… ngã bảy), địa hình rộng rãi và tỏa đi nhiều hướng, hoặc ở nơi “giáp nước” là nơi nước ròng nước lớn ngược chiều gặp nhau “nước đứng” tùy theo ngày âm lịch mà giờ giấc khác nhau chút ít. Do phương tiện xuồng bơi ghe chèo nên đi theo con nước thuận để ít tốn công sức mà lại nhanh.  Thời gian nghỉ ngơi để nấu ăn, coi sóc ghe xuồng, hàng hóa, giao tiếp với bạn hàng… không lâu, thường chỉ trong một buổi. Chợ nổi cũng chỉ hoạt động trong khoảng thời gian ấy.

Môi trường nhân văn. Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc ghe xuồng neo đậu tại nơi giáp nước là sự lựa chọn và thích nghi dựa trên cơ sở hiểu biết môi trường tự nhiên từ lâu đời của cư dân miền Tây. Nhưng để tập trung ghe xuồng với mức độ lớn và trở thành “chợ nổi” thì có lẽ vào khoảng thế kỷ 19, khi dân cư không còn quá thưa thớt nhưng mật độ dân số chưa cao và sản xuất nông nghiệp đã có sự phát triển nhất định.

Nhu cầu giao thương tăng cao giữa các “miệt” ruộng vườn rẫy bưng hay rừng ven biển… sản xuất các loại nông sản khác nhau mà những chợ nhỏ trên bờ trong một khu vực nhất định không đáp ứng được nhu cầu mua bán lượng hàng hóa lớn: trái cây theo mùa, khoai bắp bí đậu mía, hàng bông rau cải hàng ngày… Thỉnh thoảng, nhất là vào tháng chạp gần tết còn có một số hàng hóa khác như than đước, ông lò (bếp lò), nồi ơ, lu khạp gốm, chiếu “Cà Mau”, cả hoa tết cây kiểng… là hàng hóa không phải ngày nào cũng có nhu cầu mua bán cao như nông sản. Thường tại vàm sông hay nơi giáp nước có chợ nổi thì trên bờ cũng hình thành các bến chợ, điểm tụ cư làm “dịch vụ” như bán thức ăn, đồ dùng thiết yếu, cơ sở sửa chữa ghe tàu, các dịch vụ khác… dần trở thành các thị tứ.

Hoạt động giao thương từ sản phẩm nông nghiệp, khai thác tự nhiên. Chợ nổi gắn liền sự phát triển giao thông đường thủy ở Nam bộ, nhất là ghe thương hồ buôn bán với phương thức “mua tận gốc bán tận ngọn”, có khi trao đổi hai chiều mang hàng tiêu dùng đổi/bán rồi mua nông sản. Nơi vùng sâu thì dùng xuồng nhỏ theo kinh rạch len lỏi vào tận nơi sản xuất mua với số lượng lớn, chở ra ghe lớn, thương hồ theo sông mang đến chợ nổi bán sỉ cho bạn hàng. Hàng hóa, nông sản “tươi chong” hầu như không cần “tập kết” lên “kho bãi” trên bờ mà chuyền từ ghe này qua ghe khác số lượng nhiều ít khác nhau. Từ đó lại theo sông nước ra đi… Các thị tứ với chợ nhà lồng hay dãy nhà buôn bán quanh chợ có nơi nào không tiếp cận hàng hóa từ ghe thương hồ? Tuy nhiên, chợ nổi không bán lúa gạo và gia cầm dù vẫn có những ghe lớn vận chuyển lúa gạo đến các nhà máy xay xát nhỏ ven sông hay lên khu vực bến Bình Đông ở Sài Gòn. Còn ghe chở gia cầm cũng không dừng ở chợ nổi mà đến thẳng các chợ đầu mối trên bờ nơi thị tứ.

Vốn xã hội phát triển. Chợ nổi là một phương thức sinh sống phổ biến và bình thường ở miền Tây Nam bộ. Phương thức này dựa vào sự kết hợp nhiều loại “vốn” của các tầng lớp dân cư: nông sản của nông dân, sức lực của người làm mướn chuyển hàng trên các ghe thương hồ, nơi thị tứ, vốn tiền bạc của thương nhân, rồi “vốn xã hội” là các mối quan hệ mua bán, vận chuyển, sự tin tưởng, cách thức giải giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình làm ăn… Tính “chuyên nghiệp” của chợ nổi thông qua “sự phân công lao động hợp lý” nhằm chia sẻ lợi nhuận trên nguồn vốn bỏ ra nhưng vẫn có sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khi rủi ro. Ngoài ra, trên mỗi ghe thương hồ nhiều khi còn là không gian sinh sống của một gia đình, họ di chuyển và hầu như không cố định lâu ở một nơi. Tâm thức cư dân sông nước được nuôi dưỡng, duy trì với những mặt tích cực và và cả hạn chế của nó…

Chợ nổi ra đời “tự phát” nhưng để hình thành một hiện tượng kinh tế - văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam bộ thì phải có sự kết hợp của những yếu tố “bản địa”: vị trí, thời gian của chợ nổi xác định theo điều kiện tự nhiên; nhu cầu giao thương của kinh tế hàng hóa chủ yếu là nông sản của nền nông nghiệp đa canh ở một “vùng đất mới” rộng lớn; sự phát triển của nghề thương hồ (gồm kỹ thuật của phương tiện vận chuyển đường thủy và tầng lớp thương nhân); mối quan hệ chân thành và phóng khoáng của người miền Tây. Đó là những yếu tố làm cho chợ nổi tồn tại lâu dài dù nó mang tính chất mở chứ không khép kín như “chợ làng”.

Hiện nay trong những điều kiện tự nhiên và xã hội mới, các yếu tố trên đã có nhiều thay đổi làm cho chức năng vai trò của chợ nổi trong kinh tế cũng suy giảm. Giao thông đường bộ là chủ yếu, vùng chuyên canh lúa tăng nhanh và nhằm vào mục tiêu sản lượng, sản phẩm truyền thống của miệt vườn cũng biến đổi do kỹ thuật canh tác ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước luôn thay đổi… Cộng đồng dân cư có nhiều biến động, lối sống cố định trên ghe xuồng không còn phổ biến, quan hệ giao thương rộng mở hơn và tính rủi ro cũng cao hơn…

Vì vậy, duy trì hoạt động truyền thống của chợ nổi đã khó, gánh thêm chức năng “du lịch” càng khó hơn nếu không tạo ra những yếu tố mới, hoạt động mới. Chợ nổi muốn trở thành một sản phẩm độc đáo trong chuỗi sản phẩm của “du lịch văn hóa sông nước” không thể chỉ dựa vào, ăn theo “vốn xã hội” cũ để tạo ra giá trị mới mà cần tạo ra “vốn xã hội mới” từ giá trị “tài nguyên văn hóa” của chợ nổi. Một đúc kết từ thực tiễn mà hiện nay đã trở thành phương châm của các nhà sản xuất: khách hàng tiếp nhận sản phẩm là tiếp nhận các yếu tố: sự trải nghiệm về tính độc đáo của sản phẩm, giải pháp sử dụng sản phẩm và hành vi tiêu dùng sản phẩm.

Theo đó, sản phẩm du lịch chợ nổi cần đáp ứng nhu cầu mua bán sản phẩm đặc trưng là trái cây, nông sản nơi chợ nổi – tất nhiên là du khách thì không thể mua sỉ bán mão mà cần có cách thức phù hợp; tạo ra và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm được “sinh sống” ở chợ nổi dù chỉ trong một buổi chợ, và cũng giống như trong bảo tàng có không gian “khám phá” dành cho du khách tự mình tham gia vào một sự kiện lịch sử giả định, chợ nổi cũng cần tổ chức cho du khách được một lần trải nghiệm với vai trò thương hồ trên không gian sông nước miền Tây. Tất cả hoạt động trên đều cần sự hợp tác và tham gia của cộng đồng “dân cư chợ nổi”, tức là tạo cho cộng đồng một sinh kế mới từ “vốn văn hóa” của họ.

Chỉ khi nào coi trọng giá trị tài nguyên bản địa của văn hóa truyền thống, coi trọng vai trò của cộng đồng chủ thể văn hóa ấy, khi ấy mới có thể bảo tồn và phát triển văn hóa với một sức sống mới.

Thêm kiến thức môn học

Bình luận

Giải bài tập những môn khác