Cách hình dung và miêu tả đất trời trong câu: ''Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp.." trong truyện Thần Trụ Trời gợi cho bạn gợi nhớ đến truyền thuyết nào của người dân Việt Nam? Hãy tóm tắt truyền thuyết đấy
Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 10 bộ chân trời sáng tạo. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Cách hình dung và miêu tả đất trời trong câu: ''Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp.." trong truyện Thần Trụ Trời gợi cho bạn gợi nhớ đến truyền thuyết nào của người dân Việt Nam? Hãy tóm tắt truyền thuyết đấy và chỉ ra điểm tương đồng giữa hai tác phẩm
Đề bài: Cách hình dung và miêu tả đất trời trong câu: ''Đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp.." trong truyện Thần Trụ Trời gợi cho bạn gợi nhớ đến truyền thuyết nào của người dân Việt Nam? Hãy tóm tắt truyền thuyết đấy và chỉ ra điểm tương đồng giữa hai tác phẩm.
Bài tham khảo 1:
Cách hình dung và miêu tả đất, trời trong câu “đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp,…” trong truyện Thần Trụ trời gợi nhớ đến truyền thuyết “Sự tích bánh chưng, bánh dày” của người Việt Nam.
* Tóm tắt:
Vua Hùng thứ sáu có hai mươi người con trai, cả hai mươi người con, ai cũng đều giỏi giang nên vua không thể lựa chọn được người sẽ nối nghiệp mình. Nhà vua luôn nói với những người con trai của mình rằng, người được lựa chọn không nhất thiết phải là con trưởng, người con nào làm vừa ý nhà vua trong lễ Tiên vương của mình thì sẽ được đức vua truyền ngôi cho. Các lang đều đua nhau sắm những lễ vật thật hậu, thật ngon và độc nhất vô nhị, đây đều là những sản vật được các lang cho người đi khắp nơi tìm kiếm chỉ với mong muốn lấy được lòng của nhà vua. Nhưng chỉ duy nhất có người con trai thứ mười tám của đức vua là Lang Liêu, chàng vẫn rất buồn vì chàng rất nghèo, chàng không có đủ tiền để tìm kiếm sản vật như các anh trai của mình được. Do ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà chàng không có của để, thứ duy nhất chàng có là lúa. Vì suy nghĩ quá nhiều mà chàng đã thiếp đi, trong giấc mơ, một vị thần đã bảo với chàng cách làm lễ vật. Tỉnh dậy, chàng lấy gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn làm thành hai thứ bánh, một loại bánh tròn tượng trưng cho trời, một loại bánh vuông, tượng trưng cho đất. Bánh tròn chàng đặt tên là bánh giầy, bánh hình vuông là bánh chưng. Nhà vua rất hài lòng về lễ vật của Lang Liêu dâng lên nên ngài đã quyết định nhường ngôi cho chàng.
Cũng bởi vậy mà trong ngày tết cổ truyền của Việt Nam không thể nào thiếu 2 món bánh đơn giản nhưng đầy ý nghĩa trên bàn thờ tổ tiên.
Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm: Đều đưa ra lí giải sự xuất hiện của một hiện tượng hay truyền thống; Xuất hiện hình ảnh vị thần, mang tính hư cấu, tưởng tượng như trời hình tròn, đất hình vuông; Thời gian và không gian không xác định.
Bài tham khảo 2:
Chi tiết này gợi nhớ đến câu truyện Sự tích bánh chưng bánh dày.
* Tóm tắt:
Vào đời vua Hùng thứ 6, sau khi dẹp được giặc Ân, vua Hùng quyết định sẽ truyền ngôi cho con. Ngài bảo rằng nhân dịp đầu Xuân, hoàng tử nào tìm được thức ăn ngon lành, ý nghĩa nhất để bày cỗ thì sẽ truyền ngôi cho người đó. Vị hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu- một người con hiền hậu, hiếu thảo rất lo lắng vì không biết phải làm sao. Một hôm, chàng đã nằm mộng và được thần chỉ bảo lấy gạo nếp tạo bánh hình tròn, hình vuông để tượng trưng cho trời đất. Bên ngoài lấy lá bọc bánh, làm nhân bên trong để tượng trưng cho Cha mẹ sinh thành. Nhờ sự chỉ dẫn đó, Lang Liêu đã quyết định tạo nên bánh chưng- tượng trung cho đất, bánh dày- tượng trưng cho Trời. Cuối cùng, chàng đã được thừa kế ngôi vị nhờ hương vị cùng ý nghĩa sâu sắc của hai loại bánh này.
Điểm tương đồng: Về đất: trong Thần Trụ trời thì là : Đất phẳng như cái mâm vuông còn trong sự tích bánh chưng bánh dày, bánh chưng vuông vức tượng trung cho đất. Về trời: Trong Thần Trụ trời thì là : Trời trùm lên như cái bát úp; còn trong sự tích bánh chưng bánh dày, bánh dày cũng màu trắng tròn đầy như cái bát tượng trưng cho Trời.
Bài tham khảo 3:
Cách hình dung và miêu tả đất, trời trong câu “đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp,...” trong truyện Thần Trụ trời gợi cho chúng ta nhớ đến truyền thuyết Sự tích bánh chưng, bánh dày.
* Tóm tắt:
Sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua Hùng Vương thứ 6 có ý định truyền ngôi cho con với điều kiện nếu ai tìm được món ăn ngon lành, để bày cỗ có ý nghĩa thì sẽ được nối ngôi. Trong khi các hoàng tử khác đua nhau tìm kiếm thứ của ngon vật lạ thì Lang Liêu – con trai thứ 18 lại lo lắng không biết cần chuẩn bị gì. Một hôm, chàng nằm mơ thấy có vị Thần đến bảo “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành”. Nghe xong, chàng lập tức chọn loại gạo nếp tốt nhất để làm bánh Chưng, bánh Dày. Cuối cùng, món ăn của Lang Liêu được nhà vua khen ngon, có ý nghĩa và quyết định truyền ngôi cho chàng. Từ đó, mỗi dịp Tết Nguyên Đán, bánh Chưng và bánh Dày là hai loại bánh không thể thiếu khi cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
Những điểm tương đồng giữa hai tác phẩm: Đều có tính hư cấu; Đều xuất hiện hình ảnh của các vị thần; Đều nói về hình dạng của Trời và Đất: trời có hình tròn, đất có hình vuông.
Bài tham khảo 4:
Cách hình dung và miêu tả đất, trời trong câu “đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp,...” trong truyện Thần Trụ trời gợi cho em nhớ đến truyền thuyết Bánh chưng, bánh giầy.
* Tóm tắt:
Vào đời vua Hùng thứ 6, nhà vua muốn tìm một loại lễ vật để cúng Tiên Vương. Trong khi những người con khác mang đến sơn hào hải vị, thì chàng hoàng tử thứ mười tám là Lang Liêu khi được thần nhân mách bảo, đã mang đến hai món bánh ngon làm từ hạt gạo thân thuộc là bánh chưng và bánh giầy. Tượng trưng cho Đất, chiếc bánh chưng có hình dáng vuông vức, đẹp mắt, nhân bên trong là thịt mỡ với đậu xanh, bên ngoài là những hạt nếp chắc mẩy được gói cẩn thận bằng lá dong và luộc chín. Tượng trưng cho Trời, bánh giầy tròn, trắng muốt được làm từ nếp quết nhuyễn, dẻo và thơm. Hai chiếc bánh là Trời Đất, ôm lấy vạn vật, là công ơn dưỡng dục của cha mẹ, chẳng gì trên đời này có thể sánh bằng.
Điểm tương đồng giữa 2 tác phẩm là: Đất và trời trong thần thoại Thần Trụ trời có hình dạng “đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp”; Truyền thuyết Bánh chưng bánh giầy thì bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất, bánh giầy hình tròn tượng trưng cho trời. Cả hai truyện đều thể hiện được quan niệm cổ, từ Đông sang Tây. Tin rằng trái đất là một phiến phẳng hình vuông, trời là cái quả tròn rỗng như cái chuông chụp lên cái phiến đất hình vuông trong đó có cả con người và vạn vật sinh sống.
Bình luận