Lý thuyết trọng tâm Địa lí 9 kết nối bài 17: Vùng Tây Nguyên

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Địa lí 9 kết nối tri thức Lý thuyết trọng tâm Địa lí 9 kết nối bài 17: Vùng Tây Nguyên. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 17: VÙNG TÂY NGUYÊN

I. Mục tiêu bài học

- Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng.

- Trình bày được thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng.

- Nhận xét được đặc điểm dân cư, văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên.

- Trình bày được sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế thế mạnh của vùng Tây Nguyên. 

- Trình bày được các vấn đề môi trường trong phát triển.

II. Bài học

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Vùng Tây Nguyên có tổng diện tích hơn 54 nghìn km², chiếm 16,5% diện tích cả nước (năm 2021); bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

- Giáp với Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và hai nước Lào và Cam-pu-chia.

- Vùng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh; thuận lợi trong giao thương với các vùng trong nước và đóng vai trò quan trọng trong kết nối với các nước Đông Nam Á lục địa.

2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

a. Thế mạnh

- Địa hình và đất: có địa hình chủ yếu là các cao nguyên có độ cao khác nhau, Các cao nguyên có địa hình bề mặt xếp tầng, tương đối bằng phẳng, đất badan màu mỡ thuận lợi cho quy hoạch các vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây ăn quả, phát triển lâm nghiệp, cây dược liệu (khối núi Kon Tum và khối núi cực Nam Trung Bộ).

– Khí hậu:

+ Có tính chất cận xích đạo, phân biệt rõ rệt mùa mưa và mùa khô rõ rệt, thuận lợi cho cây trồng nhiệt đới phát triển và phơi, sấy nông sản.

+ Một số khu vực khí hậu mát mẻ, có thể trồng cây cận nhiệt và phát triển du lịch. 

- Nguồn nước:

+ Là nơi bắt nguồn của nhiều con sông chảy qua các bậc địa hình tạo tiềm năng thuỷ điện lớn, đây là khu vực có trữ năng thuỷ điện lớn thứ hai cả nước. 

+ Nhiều hồ có khả năng trữ nước và điều tiết dòng chảy.

+ Nguồn nước ngầm khá phong phú, đóng vai trò quan trọng đối với sinh hoạt và sản xuất, nhất là trong mùa khô.

- Khoáng sản có nhiều loại, trong đó bô-xít có trữ lượng lớn nhất nước.

- Sinh vật:

+ Có tài nguyên rừng phong phú, trữ lượng lớn, chiếm tới 45% trữ lượng gỗ của cả nước, tính đa dạng sinh học cao. 

+ Cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ kết hợp với các khu bảo tồn, vườn quốc gia đã đem lại cho Tây Nguyên thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái.

b. Hạn chế

- Mùa khô ở Tây Nguyên kéo dài dẫn tới nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt và cháy rừng.

- Nước ngầm nằm sâu và có sự suy giảm về trữ lượng gây khó khăn cho khai thác.

- Đất đang bị suy thoái ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.

3. Dân cư, văn hóa

a. Dân cư

- Tỉ lệ tăng tự nhiên cao hơn mức trung bình cả nước.

- Là vùng thưa dân, mật độ dân số 111 người/km năm 2021. 

- Dân cư chủ yếu sống ở nông thôn, chiếm 71% tổng số dân năm 2021. 

- Tây Nguyên có nhiều thành phần dân tộc nhất nước ta.

b. Văn hóa

- Tây Nguyên là một trong những vùng có văn hoá đa dạng, độc đáo của nước ta. Tây Nguyên có nhiều di sản vật thể, phi vật thể.

- Kiến trúc đặc trưng của Tây Nguyên là nhà Rông, nhà Dài, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, diễn ra các lễ hội và lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, có nhiều loại nhạc cụ độc đáo.

- Đồng bào Tây Nguyên có kinh nghiệm sản xuất nông, lâm nghiệp; có truyền thống đoàn kết. 

- Văn hoá Tây Nguyên ngày càng đa dạng do vừa tiếp thu các yếu tố văn hoá mới vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp.

4. Các ngành kinh tế thế mạnh

Tổng sản phẩm trên địa bàn vùng Tây Nguyên tăng nhanh. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp và xây dựng.

a. Phát triển cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả

- Tây Nguyên là vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm lớn của cả nước. 

- Các cây công nghiệp lâu năm chính của vùng là cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, trong đó, cà phê là cây trồng chủ lực. 

+ Cà phê đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng (chiếm trên 90% diện tích và sản lượng cà phê cả nước)

+ Cao su và điều có diện tích và sản lượng đứng thứ hai cả nước sau vùng Đông Nam Bộ.

- Tây Nguyên cũng là vùng trồng cây ăn quả lớn, các loại cây ăn quả tiêu biểu là sầu riêng, bơ, chôm chôm, mít,... phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Các địa phương trong vùng đã bắt đầu ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp chế biến để tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

b. Lâm nghiệp

- Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để phát triển lâm nghiệp. Ngành lâm nghiệp của vùng chủ yếu là hoạt động khai thác gỗ, ngoài ra trồng rừng đang được đẩy mạnh. 

- Diện tích rừng trồng mới nhiều nhất tại Gia Lai chiếm 42,1% diện tích rừng trồng mới toàn vùng.

- Vùng chú trọng phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp khai thác trồng mới, khoanh nuôi, giao khoán và bảo vệ rừng. 

c. Công nghiệp sản xuất điện

Tây Nguyên có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp sản xuất điện. Ngành này có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của vùng. Sản lượng điện sản xuất năm 2021 của Tây Nguyên chiếm 10,3% tổng sản lượng điện cả nước. Cơ cấu ngành sản xuất điện đa dạng, có cả thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời.

Trên các hệ thống sông đã hình thành các bậc thang thuỷ điện, như hệ thống sông Sê San có nhà máy thuỷ điện laly (720 MW), Sê San 3 (260 MW), Sê San 4 (360 MW),...; hệ thống sông Srêpôk có nhà máy thuỷ điện Srêpôk 3 (220 MW), Buôn Kuốp (280 MW),...; hệ thống sông Đồng Nai có các nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 3 (180 MW), Đồng Nai 4 (340 MW),... Các nhà máy điện gió lớn là Ea Nam (400 MW), la Pết - Đắk Đoa 1, 2 (200 MW),... Điện mặt trời có ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai.

d. Du lịch

- Du lịch là ngành thế mạnh và ngày càng phát triển bởi lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hoá đặc sắc. Vùng tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng,..

- Định hướng phát triển du lịch của vùng Tây Nguyên là tăng cường liên kết nội vùng (giữa các tỉnh trong vùng) và liên vùng để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành các tuyến du lịch hấp dẫn du khách; khai thác lợi thế cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hoá các dân tộc.

5. Các vấn đề môi trường trong phát triển

- Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, vùng Tây Nguyên đang phải đối mặt với một số vấn đề về môi trường và suy giảm tài nguyên.

+ Môi trường nước ở một số nơi bị ô nhiễm bởi các hoạt động khai thác khoáng sản, sử dụng hoá chất và phân bón trong trồng trọt, hoạt động chăn nuôi gia súc,... Nguồn nước đang đứng trước tình trạng cạn kiệt vào mùa khô do hạn hán và khai thác quá mức nước ngầm.

+ Hiện tượng mất rừng và suy thoái rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên vẫn đang diễn ra. Nguyên nhân chủ yếu là do khai thác gỗ trái phép, chặt phá rừng để phát triển cây công nghiệp.

- Bảo vệ môi trường và tài nguyên có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội bền - vững ở Tây Nguyên, tạo sinh kế lâu dài cho dân cư trong vùng.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Địa lí 9 KNTT Lý thuyết trọng tâm Địa lí 9 kết, kiến thức trọng tâm Địa lí 9 kết nối tri thức Lý thuyết trọng tâm Địa lí 9 kết, Ôn tập Địa lí 9 kết nối tri thức Lý thuyết trọng tâm Địa lí 9 kết

Bình luận

Giải bài tập những môn khác