Lý thuyết trọng tâm Địa lí 9 Cánh diều bài 12: Bắc Trung Bộ

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Địa lí 9 cánh diều bài 12: Bắc Trung Bộ. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 12. BẮC TRUNG BỘ

Phần I. Mục tiêu bài học

- Xác định được trên bản đồ vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của Bắc Trung Bộ. 

- Trình bày được đặc điểm phân hoá của tự nhiên và giải thích ảnh hưởng của tự nhiên đến sự hình thành cơ cấu kinh tế của Bắc Trung Bộ.

- Trình bày được vấn đề phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Bắc Trung Bộ.

- Trình bày và giải thích được đặc điểm phân bố dân cư ở Bắc Trung Bộ.

- Phân tích được sự phát triển và phân bố kinh tế ở Bắc Trung Bộ (sử dụng bản đồ và bảng số liệu).

- Phân tích được thế mạnh về du lịch ở Bắc Trung Bộ.

- Phân tích được vấn đề phát triển kinh tế biển ở Bắc Trung Bộ.

Phần II. Bài học

I. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Vị trí địa lý: Giáp với Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Nam Trung Bộ, giáp với nước láng giềng Lào.

- Phạm vi lãnh thổ: 

+ Bao gồm 6 tỉnh, kéo dài từ bắc và nam, hẹp ngang từ tây sang đông.

+ Phía đông là vùng biển rộng với nhiều đảo, quần đảo.

II. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

1. Phân hóa tự nhiên

- Lãnh thổ và địa hình: Phía tây là núi đồi, tiếp đến là dải đồng bằng ven biển, phía đông là biển và thềm lục địa.

- Khí hậu: nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa đông lạnh, có sự phân hoá giữa khu vực phía đông với phía tây dãy Trường Sơn Bắc và phân hoá theo độ cao địa hình.

- Nguồn nước: phong phú, có một số sông lớn như: sông Mã, sông Chu, sông Cả, sông Gianh, sông Hương,... và các điểm nước nóng, nước khoáng như: Bang (Quảng Bình), Sơn Kim (Hà Tĩnh),.... cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, xây dựng nhà máy thuỷ điện, phát triển du lịch,...

- Rừng: Chiếm 21.1% diện tích rừng của cả nước, phân bố tập trung ở phía tây với nhiều vườn quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An... 

- Khoáng sản đa dạng như: crôm (Thanh Hoá); sắt (Hà Tĩnh); đá vôi (Thanh Hoá, Nghệ An); sét, cao lanh (Quảng Bình); ti-tan (Quảng Bình, Thừa Thiên Huế);... là điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản.

- Biển, đảo: Vùng biển rộng, nguồn lợi hải sản dồi dào, bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp, nhiều đảo, đầm phá.

2. Vấn đề phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

- Một số giải pháp đề phòng chống thiên tai chung là: xác định và phân vùng rủi ro thiên tai, dự báo, cảnh báo sớm về thiên tai, tuyên truyền, tập huấn về phòng chống thiên tai, xây dựng và nâng cấp hệ thống thuỷ lợi....

- Một số giải pháp để khắc phục hậu quả thiên tai là: xử lí môi trường, hỗ trợ người dân ổn định đời sống và sản xuất sau thiên tai, tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn,...

- Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Bắc Trung Bộ cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp bao gồm cả thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.

III. Đặc điểm phân bố dân cư 

- Năm 2021, Bắc Trung Bộ có số dân khoảng 11,2 triệu người (chiếm 11,3% dân số của cả nước); mật độ dân số là 218 người/km², thấp hơn mức trung bình của cả nước. Đây là nơi có nhiều dân tộc sinh sống: Kinh, Thái, Mường, Bru Vân Kiều, Ơ Đu,...

- Phân bố dân cư và dân tộc ở Bắc Trung Bộ có sự khác nhau theo không gian: dân cư tập trung đông ở khu vực đồng bằng ven biển nhờ các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lí, tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế,...; ở khu vực đồi núi, dân cư thưa hơn do điều kiện tự nhiên khó khăn, phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế,... Dân cư chủ yếu sống ở nông thôn, chiếm 74,2% tổng dân số ở Bắc Trung Bộ (năm 2021).

IV. Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế

Năm 2021, GRDP Bắc Trung Bộ chiếm 7,1% GDP cả nước. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực với sự tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp, xây dựng (từ 23,3% năm 2010 lên 37,7% năm 2021). 

1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản

a) Nông nghiệp:

- Phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong trồng trọt và chăn nuôi. 

- Năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 74,5% giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản của Bắc Trung Bộ. 

b) Lâm nghiệp:

- Phát triển ở khu vực đồi núi phía tây theo hướng khai thác kết hợp trồng, bảo vệ rừng và vườn quốc gia. 

- Sản lượng gỗ khai thác của Bắc Trung Bộ đứng thứ 3 cả nước.

- Trồng rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp tạo nên các vùng nông - lâm kết hợp.

c) Thuỷ sản:

- Thuỷ sản được đẩy mạnh theo hướng phát triển nuôi trồng và đánh bắt xa bờ, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại 

- Sản lượng thuỷ sản của Bắc Trung Bộ đóng góp hơn 10% tổng sản lượng thuỷ sản của cả nước.

2. Công nghiệp

- Cơ cấu ngành công nghiệp đa dạng. Các ngành công nghiệp truyền thống tiếp tục được đẩy mạnh, một số ngành công nghiệp mới được phát triển.

- Phát triển công nghiệp được chú trọng theo hướng hiện đại, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, phân bố không gian công nghiệp dọc ven biển gần với các cảng biển. 

3. Du lịch

- Tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và tài nguyên du lịch văn hoá đa dạng, đặc sắc với các di sản văn hoá thế giới.

- Sự thuận lợi của giao thông, cơ sở vật chất kĩ thuật... tạo thêm lợi thế cho Bắc Trung Bộ trong phát triển du lịch.

- Du lịch ở Bắc Trung Bộ được đẩy mạnh phát triển.

- Trong tương lai, nơi đây được đầu tư phát triển để trở thành khu vực trọng điểm du lịch của cả nước 

4. Kinh tế biển, đảo

- Bắc Trung Bộ có nhiều tiềm năng để phát triển tổng hợp kinh tế biển, đảo. Phát triển kinh tế biển, đảo giữ vai trò quan trọng, là động lực chính trong phát triển kinh tế – xã hội của Bắc Trung Bộ. 

- Các ngành kinh tế biến được đẩy mạnh ở Bắc Trung Bộ. Sản lượng khai thác cá biển của Bắc Trung Bộ chiếm 13,2% tổng sản lượng khai thác cá biển của cả nước (năm 2021); nuôi trồng thuỷ sản nước mặn, nước lợ phát triển với nhiều mô hình nuôi hữu cơ cho hiệu quả cao. Du lịch biển ngày càng đa dạng về sản phẩm và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, đóng góp phần lớn về số lượng khách và doanh thu du lịch của Bắc Trung Bộ. 

- Các điểm du lịch biển nổi bật gồm: Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Lăng Cô,... Giao thông vận tải biển gắn với việc phát triển các cảng biển ở các tỉnh (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế,...), tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, kết nối với các cửa khẩu quốc tế, mở cửa ra biển cho nước Lào

và vùng đông bắc Thái Lan. 

- Khai thác khoáng sản biển chủ yếu là ti-tan ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, tạo nguồn cung cấp chủ động về nguyên liệu, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp chế biến khoáng sản.

- Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển, đảo ở đây còn gặp một số khó khăn như: tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; thiếu sự liên kết trong phát triển giữa các ngành kinh tế và giữa các tỉnh, gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường ven biển;... 


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Địa lí 9 CD bài 12: Bắc Trung Bộ, kiến thức trọng tâm Địa lí 9 cánh diều bài 12: Bắc Trung Bộ, Ôn tập Địa lí 9 cánh diều bài 12: Bắc Trung Bộ

Bình luận

Giải bài tập những môn khác