Lý thuyết trọng tâm Địa lí 12 Cánh diều bài 27: Phát triển các bùng kinh tế trọng điểm

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Địa lí 12 cánh diều bài 27: Phát triển các bùng kinh tế trọng điểm. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 27. PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM

Phần 1: Mục tiêu bài học

- Phân tích được đặc điểm chung của các vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta.

- Trình bày được quá trình hình thành và phát triển; các nguồn lực, thực trạng và định hướng phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Vẽ được biểu đồ, nhận xét và giải thích được nội dung liên quan đến các vùng kinh tế trọng điểm.

- Sử dụng số liệu, bản đồ và các nguồn tài liệu khác, nhận xét và giải thích được vấn đề liên quan đến các vùng kinh tế trọng điểm.

Phần 2: Bài học

I. Đặc điểm chung của các vùng kinh tế trọng điểm

- Các vùng kinh tế trọng điểm gồm nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có ranh giới cụ thể và có thể thay đổi tuỳ theo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội từng thời kì của đất nước.

- Mạng lưới kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật được đầu tư, nâng cấp đặc biệt so với các vùng địa lí khác.

- Có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng và quy mô GDP cả nước, thu hút sự phát triển các ngành mới, công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

- Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cao.

- Có khả năng thu hút vốn đầu tư lớn ở trong nước và FDI, làm nền tảng quan trọng thúc đẩy nền kinh tế cả nước.

II. Quá trình hình thành và phát triển

- Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ:

+ Được thành lập năm 1997, bao gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh là Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên.

+ Năm 2004, vùng được bổ sung thêm 2 tỉnh là Vĩnh Phúc và Bắc Ninh.

=> Hiện bao gồm 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung:

+ Được thành lập năm 1997, bao gồm: thành phố Đà Nẵng và các tỉnh là Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

+ Năm 2004, vùng được bổ sung thêm tỉnh Bình Định.

=> Hiện nay bao gồm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:

+ Được thành lập năm 1998, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

+ Năm 2003, vùng được bổ sung thêm 3 tỉnh là: Bình Phước, Tây Ninh và Long An.

+ Năm 2009, vùng được bổ sung thêm tỉnh Tiền Giang.

=> Hiện bao gồm 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Được thành lập năm 2009, bao gồm: thành phố Cần Thơ và các tỉnh là An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

III. Các nguồn lực, thực trạng và định hướng phát triển

1. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

a) Nguồn lực

- Diện tích tự nhiên khoảng 15,7 nghìn km². 

- Nằm ở phía bắc vùng Đồng bằng sông Hồng, có vị trí địa lí và nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội. 

- Trong vùng có Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học - công nghệ, đầu mối giao thông vận tải lớn của cả nước. 

- Phía đông tiếp giáp với vùng biển giàu tiềm năng, cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc, có khả năng xây dựng cảng nước sâu và phát triển dịch vụ cảng biển.

- Có một số khoáng sản quan trọng. 

- Vùng có nhiều tài nguyên du lịch, nhiều đảo, bãi biển và danh thắng nổi tiếng, trong đó có các di sản thế giới, tạo điều kiện cho phát triển du lịch.

- Vùng có nguồn lao động dồi dào với tỉ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo khá cao; là địa bàn tập trung nhiều nhất các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu. 

- Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển và tương đối đồng bộ với đủ loại hình đường bộ, đường cao tốc, các trục quốc lộ hướng tâm từ Hà Nội đi. 

- Có các cảng hàng không quốc tế, cảng tổng hợp quốc gia Hải Phòng, cảng đầu mối khu vực Quảng Ninh. 

b) Thực trạng

- Là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng, lan toả, liên kết chặt chẽ với các địa phương khác để cùng phát triển.

- Cơ cấu kinh tế của vùng hiện đại.

- Sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhanh nhờ khai thác lợi thế về tài nguyên, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sự hoạt động của các khu công nghiệp và khu kinh tế ven biển.

- Là cửa ngõ giao thương của khu vực phía Bắc, có đóng góp lớn vào trị giá xuất khẩu của cả nước và là địa bàn có du lịch phát triển.

c) Định hướng

- Tiếp tục giữ vai trò đầu tàu cả nước với định hướng tập trung vào xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ công nghệ cao; tài chính ngân hàng....

2. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

a) Nguồn lực

- Nằm trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, có diện tích tự nhiên khoảng 28 nghìn km². 

- Vùng nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam, trung độ trên các trục giao thông Bắc - Nam, mặt tiền hướng ra biển của lãnh thổ Việt Nam, có ý nghĩa chiến lược trong giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông – Tây, có quan hệ chặt chẽ với vùng Tây Nguyên, nước bạn Lào, Cam-pu-chia và xa hơn là với Thái Lan, Mi-an-ma...., nổi liền với tuyến đường biển quốc tế. Thành phố Đà Nẵng là cực tăng trưởng của vùng.

- Có đường bờ biển dài, vùng biển rộng lớn, nhiều đảo và quần đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, nhiều vũng vịnh, đầm phá với tài nguyên biển phong phú tạo thuận lợi cho phát triển tổng hợp kinh tế biển.

- Nguồn lao động dồi dào, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo khá cao, có nhiều di sản văn hoá thế giới cùng nhiều di tích quốc gia với các bãi biển, cảnh quan đẹp tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.

- Là trung tâm khoa học – công nghệ, giáo dục và đào tạo của cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên; có cơ sở hạ tầng đa dạng với đủ loại hình được đầu tư nâng cấp, trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế, các cảng hàng không nội địa và có cảng biển đầu mối khu vực.

b) Thực trạng

- GRDP của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đóng góp khoảng 5,3% cả nước.

- Trong cơ cấu kinh tế, khu vực dịch vụ phát triển nhờ khai thác lợi thế với dịch vụ cảng biển và du lịch.

c) Định hướng

-,Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung định hướng phát triển dịch vụ cảng biển, du lịch biển và du lịch sinh thái; sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp hoá dầu....

3. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

a) Nguồn lực

- Có diện tích tự nhiên khoảng 30,6 nghìn km². 

- Vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cả nước, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Vùng có Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế công nghiệp, dịch vụ; khoa học - công nghệ, đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế lớn nhất cả nước. 

- Tập trung trữ lượng dầu khí lớn nhất cả nước, có vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, có ngư trường lớn; điều kiện khí hậu và đất trồng thích hợp cho cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả.

- Tập trung đông dân số, có nguồn lao động dồi dào với trình độ chuyên môn và cách thức tổ chức sản xuất cao, có hệ thống đô thị phát triển và tỉ lệ đô thị hoá cao, có nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học.

- Vùng được đầu tư về cơ sở hạ tầng với đủ loại hình tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội trong vùng, mở rộng kinh tế liên vùng và quốc tế.

b) Thực trạng

- Có tiềm lực kinh tế lớn nhất, năng động nhất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của cả nước, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các vùng xung quanh. 

- Vùng có cơ cấu GRDP hiện đại.

- Các ngành kinh tế chủ chốt là dịch vụ cảng biển; du lịch; công nghiệp khai thác dầu thô, khí tự nhiên; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống, trồng cây công nghiệp lâu năm (cao su, điều,...).

- Đứng đầu về số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và tổng vốn đăng kí. 

- Là vùng mang về nguồn thu ngoại tệ từ trị giá xuất khẩu lớn nhất cả nước.

c) Định hướng

- Tập trung vào các ngành công nghệ cao, phát triển các ngành kinh tế biển, kinh tế số, tài chính, ngân hàng....

4. Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

a) Nguồn lực

- Nằm ở phía nam của nước ta, có diện tích tự nhiên khoảng 16,6 nghìn km². 

- Vùng có vị trí địa lí chính trị, an ninh quốc phòng và giao thương thuận lợi với các địa bàn lân cận, với các nước Cam-pu-chia và Thái Lan. 

- Vùng có tài nguyên biển phong phú, đường bờ biển khá dài, vùng biển rộng với nhiều đảo, trong đó có đảo Phú Quốc.

- Vùng có quỹ đất nông nghiệp lớn, nguồn nước ngọt dồi dào và sự đa dạng, đặc trưng của hệ thực, động vật trong các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới, khu bảo tồn tự nhiên. Ngoài ra, vùng còn có dầu khí, đá vôi,...

- Vùng có nguồn lao động dồi dào với kinh nghiệm trồng lúa, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. 

- Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư.

- Trên địa bàn vùng có các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học, công nghệ tập trung ở thành phố Cần Thơ.

b) Thực trạng

- Vùng chưa thật sự phát triển so với tiềm năng, do xuất phát điểm thấp và được thành lập muộn hơn so với các vùng kinh tế trọng điểm của nước ta.

- Lúa gạo và thuỷ sản là hai mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của vùng.

c) Định hướng phát triển

- Tập trung sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, nông nghiệp hữu cơ, hiệu quả cao; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản và thuỷ sản....


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Địa lí 12 CD bài 27: Phát triển các bùng kinh tế, kiến thức trọng tâm Địa lí 12 cánh diều bài 27: Phát triển các bùng kinh tế, Ôn tập Địa lí 12 cánh diều bài 27: Phát triển các bùng kinh tế

Bình luận

Giải bài tập những môn khác