Kể lại giấc mơ em đã gặp gỡ và trò chuyện với nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ .Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó bài mẫu 1

Đề bài: Kể lại giấc mơ em đã gặp gỡ và trò chuyện với nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ .Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó - bài mẫu 1 - ngữ văn lớp 9

Kể lại giấc mơ em đã gặp gỡ và trò chuyện với nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ .Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó bài mẫu 1

Kể lại giấc mơ em đã gặp gỡ và trò chuyện với nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ .Viết bài văn kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó - bài mẫu 1

Bài mẫu 1

Tuổi thơ, ai cũng có những giấc mơ thú vị. Giấc mơ đấy để lại trong ta những ấn tượng khó phai và đôi khi, nó cho ta cả những bài học đáng quý. Với em, giấc mơ khó quên nhất có lẽ là lần được gặp nàng Vũ Nương xinh đẹp trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. 

Đêm đã về khuya, cả làng quê đang chìm trong bóng tối, lấp ló phía xa những bóng đèn vàng in dấu xuống đường quê vắng vẻ. Ngoài đồng, tiếng những chú ếch, nhái vang lên như một dàn đồng ca mùa hạ và trong căn phòng nhỏ của mình, em đang chăm chỉ làm bài tập cô giao. Bỗng xa xa, tiếng chiêng trống thổi lên vang vọng khắp không gian. Em cảm thấy lạ: “Tối rồi, ai lại gõ trống thổi kèn như mở hội”. Em rón rén mở cửa, chạy dọc theo cánh đồng hướng về phía dòng sông, nơi âm thanh phát ra. 

Đến nơi, em bất ngờ với mọi thứ xung quanh. Em không thể tin vào những gì mình đang nhìn thấy. Giữa dòng sông có một chiếc kiệu hoa đang đứng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn, lúc hiện. Tiếng chiêng, trống vang vọng khắp không gian. Khung cảnh rực rỡ giữa đêm tối không khỏi khiến em nhớ lại hình ảnh nàng Vũ Nương ngày trở về. 

Em đứng như trời trồng, đầu óc rối loạn, không biết phải làm gì. Bỗng nhiên, một giọng nói nhẹ nhàng vang lên, đó là tiếng của một người con gái xinh đẹp bước ra từ chiếc kiệu hoa phía xa:

- Này cô bé, em là ai? Đêm đã khuya, sao em còn ở đây?

Em ngẩn ngơ ngắm nhìn người con gái đó. Nàng rất đẹp, nét đẹp của người con gái xưa, bình dị nhưng cũng rất thanh lịch. Mải mê ngắm nàng, em vô thức đáp:

- Em…em…em là Linh, nhà ở gần đây. Em nghe thấy tiếng chiêng trống nên chạy đến xem. Chị…chị là ai vậy? Sao có thể đứng trên mặt nước? 

Nghe em nói, nàng bật cười, đáp lại:

- Linh phải không em. Ta là Vũ Nương. Ta vốn không còn là người phàm thì đương nhiên có năng lực đứng trên mặt nước. 

Em giật mình khi nghe cô gái nói. Cô gái nói bản thân là Vũ Nương, liệu có phải là Vũ Nương trong câu chuyện Người con gái Nam Xương? Để chắc chắn với những gì mình đang nghĩ, em hỏi lại:

- Chị là vợ của chàng Trương phải không?

- Đúng, ta đã từng làm vợ của chàng nhưng đó là câu chuyện của rất nhiều năm về trước, khi ta còn là phàm nhân. 

Nàng đúng là Vũ Nương. Điều này khiến em thấy rất vui. Bởi lẽ, khi đọc truyện, em rất thích nhân vật này. Với em, nàng là một người phụ nữ nhân nghĩa, trọng tình cảm, bao dung và vị tha. Thế nhưng, số phận nàng lại hẩm hiu, bị chồng nghi ngờ, phải tự sát để giải nỗi oan khuất. Nhìn Vũ Nương, em có rất nhiều điều muốn hỏi nhưng lại ngại không biết nên hỏi hay không. Rối rắm một lúc, em vẫn quyết định hỏi: 

- Chị Vũ Nương, em đã nghe rất nhiều về chị và em rất tò mò. Chị có thể kể lại cho em tâm trạng của chị khi phải sống xa chồng và khi bị chồng nghi oan được không ạ?

Vũ Nương im lặng như để hồi tưởng lại quá khứ. Một lúc sau, nàng bắt đầu kể: 

- Năm ấy, theo lệnh triều đình, Trương Sinh phải đi lính. Dù lòng không muốn, ta và mẹ già vẫn phải ngậm ngùi tiễn biệt. Nỗi đau tiễn chồng ra trận chưa nguôi ngoai thì không lâu sau mẹ già lâm trọng bệnh, ta cố gắng chăm sóc nhưng người vẫn qua đời. Ngày mẹ mất, ta như người mất hồn, nỗi đau chia lìa người thân khiến ta suy kiệt. Ta vừa thương mẹ, thương con, vừa nhớ chồng. Phận gái một mình, ta vừa làm cha, vừa làm mẹ chăm sóc con nhỏ. Nhớ chồng, lại không muốn con khuyết thiếu tình thương của cha, ta lấy cái bóng ra bảo con đó là cha nó. Thế nhưng, ta nào ngờ được, đó lại mang đến bi kịch của đời mình. 

Nói đến đây nàng chợt ngừng lại, giọng nàng lạc đi, mặt nàng rưng rưng nước mắt nhìn về phía xa, nàng bùi ngùi kể tiếp: 

- Ngày đó chàng trở về, lòng ta vui lắm, cứ ngỡ từ này gia đình sum họp không cần chia xa nữa. Nào đâu, từ sau khi đưa con thăm mộ mẹ chồng trở về, chàng bỗng thay đổi, chàng nói ta phản bội chàng, còn muốn đánh đuổi ta đi. Dù ta có hết lời giải thích, hàng xóm có can ngăn cũng không ích gì. Lòng ta rất đau, ta không ngờ trong lòng chàng ta là người phụ nữ như vậy. Chàng không có sự tín nhiệm dành cho ta. Sau cùng, ta lựa chọn nhảy sông để chứng minh sự trong sạch của mình. May mắn thay, các nàng tiên trong cung nước thương ta vô tội nên rẽ cho một đường nước để ta thoát chết, nếu không thì đã vùi thân vào bụng cá. Nào còn đứng đây nói chuyện cùng em.

Nói đến đây, Vũ Nương lấy khăn lau vội dòng nước mắt. Chẳng hiểu sao nghe nàng kể, khóe mắt em cũng cay cay. Em thấy thương cho Vũ Nương và cũng thấy thương cho những người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh sống trong xã hội phong kiến xưa. Em nắm lấy đôi tay của chị, nhẹ giọng an ủi:

- Em biết chị rất đau khổ khi bị nghi oan như vậy. Nhưng xin chị đừng buồn nữa. Thời gian đã trôi qua và nỗi oan của chị đã được hóa giải. Giờ đây chị có thể sống một cuộc đời tự do và có hạnh phúc của riêng mình. 

Vũ Nương ngừng khóc, nàng cúi xuống như thể nghĩ đến gì đấy. Sau đó, nàng ngước lên và nhìn vào mắt em, nàng nói:

- Em nói đúng, Linh à. Rất nhiều năm đã trôi qua rồi. Mọi thứ đã trở thành quá khứ. Nỗi oan khi xưa của ta đã được hóa giải. Trương Sinh đã biết ta bị oan, cũng theo lời  ta lập đàn giải oan ở bến sông Hoàng Giang. Những đau khổ của cuộc đời ta cũng từ giây phút đó đã kết thúc. Giờ nghĩ lại nó chỉ còn là kỉ niệm. Nếu hôm nay, không gặp em, có lẽ, ta cũng sắp quên đi quá khứ làm một phàm nhân của mình. Bây giờ và sau này ta sẽ vui vẻ sống vô lo vô nghĩ ở chốn bồng lai tiên cảnh. 

Nói rồi nàng lại bật cười, đó là một nụ cười rất tươi, không pha trộn bi thương, oán giận. Em biết nàng đang thật sự hạnh phúc với cuộc sống này. Giữa lúc đang ngắm nhìn nụ cười của Vũ Nương, một giọng nói vang lên đánh thức em khỏi giấc mộng:

- Linh, sao con không lên giường ngủ lại ngủ ở bàn như vậy?

Thì ra mọi thứ chỉ là một giấc mơ, thế nhưng giấc mơ ấy chân thực đến kì lạ. Bên tai em vẫn văng vẳng tiếng cười của nàng Vũ Nương xinh đẹp. Đó quả là một giấc mơ thú vị, cũng thật khó quên. Nó cho khơi gợi trong em sự đồng cảm với số phận bất hạnh của Vũ Nương nói riêng và những người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.

Bài mẫu 2

Từ bé, em đã được nghe mẹ kể về “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Đối với em, đó là một tác phẩm chứa đựng những giá trị nhân đạo sâu sắc. Trong câu chuyện đó, em thích nhất là nàng Vũ Nương xinh đẹp, thủy chung nhưng bạc mệnh. Từ khi biết về Vũ Nương, em vẫn luôn muốn được gặp nàng, dù chỉ là trong giấc mơ. Cứ nghĩ đó chỉ là ước muốn viển vông, thế nhưng, vào một ngày đẹp trời, ước muốn đó đã thành sự thật. 

Hè năm ấy, em theo mẹ về quê thăm nhà bà ngoại. Trong lúc cùng đám bạn dạo chơi bên bờ đê, em vô tình nghe thấy tiếng khóc ai oán của ai đó. Điều kì lạ là, không một ai trong đám trẻ con ngoài em nghe được âm thanh đó. Lúc ấy, một thứ cảm xúc kì lạ dâng lên trong em. Nó thôi thúc em đi đến nơi phát ra tiếng khóc. Ở nơi đó, có bóng một người con gái với mái tóc đen xõa dài khoác trên mình chiếc áo tứ thân của phụ nữ Việt Nam xưa đang ngồi thu mình bên dòng sông khóc nức nở. Thì ra, tiếng khóc ai oán mà em nghe thấy là từ người con gái đó. Lòng tò mò dâng lên, em nhẹ nhàng bước đến bên cô gái, rút ra chiếc khăn tay đưa cô và nói:

- Chị gì ơi, đừng khóc nữa. Em cho chị chiếc khăn tay nè. 

Cô gái giật mình ngẩng đầu rồi quay ra nhìn em. Giờ phút này, em mới nhìn thấy dung mạo của cô gái. Cô ấy rất đẹp, nét đẹp thanh tú của cô gái mới tuổi đôi mươi nhưng ẩn chứa sâu trong đôi mắt bồ câu đó lại chứa đựng sự buồn rầu, suy tư. Bỗng cô cất giọng hỏi:

- Em là ai? Sao lại ở đây.

- Em là Linh, em đang đi chơi với bạn thì thấy chị khóc nên em chạy lại. Còn chị, chị là ai? Sao ngồi đây khóc? 

Nói rồi em lại đưa chiếc khăn cho cô gái. Lúc này, cô ấy mới nhận. Sau khi lau đi dòng nước mắt trên khóe mi, cô ấy quay sang em và nói: 

- Cảm ơn chiếc khăn tay của em. Chị là Vũ Nương, quê ở Nam Xương. Chị ngắm cảnh thì nhớ đến một số chuyện buồn trong quá khứ nên khóc ở đây. 

Nghe cô gái giới thiệu bản thân khiến em cảm thấy nghi ngờ liệu cô có phải là nàng Vũ Nương mà em biết. Để chắc chắn, em hỏi lại:

- Chị là vợ chàng Trương phải không?

Cô gái ngạc nhiên khi nghe em hỏi.

- Sao em lại biết? 

Quả nhiên, cô ấy là Vũ Nương, là người con gái trong “Chuyện người con gái Nam Xương” mà em vẫn luôn muốn gặp. Em vội nói: 

- Em đã nghe qua câu chuyện “Người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ nói về cuộc đời của chị và em vẫn luôn muốn được một lần lắng nghe chị kể về câu chuyện cuộc đời mình.  

Vũ Nương đưa mắt nhìn em, cô trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Em muốn nghe câu chuyện của chị lắm sao?

- Dạ vâng ạ. 

Thấy tôi vẫn khăng khăng muốn nghe, cô quay mặt nhìn về con sông như đang hồi tưởng lại quá khứ. Rồi cô bắt đầu kể:

- Ta sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Lớn lên nhờ có chút dung mạo mà được Trương Sinh để ý và cưới về làm vợ. Yên bề gia thất chưa lâu thì chiến tranh nổ ra. Phu quân của ta phải đi lính. Dù lòng chẳng muốn nhưng ta và mẹ chồng vẫn phải phải gạt nước mắt tiễn chàng ra đi. Với ta mà nói, ta không quan tâm phu quân mình công cao tước lớn ra sao. Ta chỉ mong chàng có thể bình an, sống sót trở về. Thế nhưng, ông trời trêu ngươi. Phu quân nhập ngũ không lâu thì mẹ già vì thương nhớ con mà lâm trọng bệnh. Ta hết sức thuốc thang cũng không giữ được mạng cho người. Từ ngày mẹ mất, ta trở thành trụ cột trong nhà, vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ nuôi dưỡng con nhỏ.  

Nói đến đây nàng lại rơi lệ. Nàng ngậm ngùi kể tiếp:

- Những ngày tháng xa phu quân, ta rất nhớ chàng. Nhìn đứa con nhỏ mà lòng ta đau như cắt. Ta thương con, cũng thương chính mình. Ta không muốn con mình lớn lên thiếu vắng hình bóng của cha. Vậy nên, mỗi đêm, ta lấy cái bóng của mình mà đùa nghịch con rằng: “Cha con đó”. Nhờ đó, ta và con chống chọi qua những đêm dài, chờ đến ngày phu quân trở lại. Thế nhưng, ta trăm ngàn lần cũng không tưởng ra được, ngày phu quân trở về tại họa lại giáng xuống đầu ta. Ngày chàng về, chàng ra thăm mồ mẹ. Không biết vì lẽ gì mà lúc về, chàng nổi cơn ghen, nói ta là người phụ nữ không giữ đạo đức. Dù ta có hết lời khuyên giải, hàng xóm có khuyên can cũng không khiến chàng tin tưởng. Cuối cùng ta lựa chọn nhảy bến Hoàng Giang để chứng minh nỗi oan khuất của mình. 

Dù đã từng nghe kể về cuộc đời Vũ Nương, song, khi tận tai nghe nàng bộc bạch, lòng em lại đau đớn. Khóe mắt em cay cạy. Em thấy thương cho người con gái xinh đẹp và đức hạnh này. nàng là một người vợ tốt có đủ công dung ngôn hạnh, cũng là một người mẹ yêu thương con hết lòng. Đáng lẽ ra nàng nên hương hạnh phúc chứ không phải bi kịch như vậy. Nàng sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến trò đùa của nàng với con lại là con dao hai lưỡi đẩy cuộc đời nàng vào bế tắc. Em nghĩ mình không nên kể nàng nghe về thứ đã đẩy cuộc đời nàng rời vào hoàn cảnh này. Em chỉ có thể nhẹ giọng an ủi nàng:

- Chị, chị đừng khóc nữa. Mắt chị xưng hết rồi. 

Vũ Nương quay sang nhìn ta, nàng nói: 

- Ta cảm ơn em đã đồng cảm và thấu hiểu cho kiếp người của ta. Ta không trách ai cả chỉ trách mình phận mỏng không giữ nổi hạnh phúc gia đình. 

- Không. Không ai trách chị hết Vũ Nương à. Nêu trách hãy trách xã hội phong kiến đầy rẫy bất công với những người phụ nữ. Nó đã đẩy cuộc đời chị vào bế tắc như vậy. Giờ đây, nỗi oan của chị đã được hóa giải. Chị đừng nghĩ về quá khứ đau buồn này nữa. Hãy sống thật hạnh phúc, vô ưu, vô lo.

Vũ Nương nhìn em thật lâu, rồi nàng bật cười khanh khách. Nụ cười phát ra từ tận đáy lòng. Em nghĩ, gánh nặng trong lòng nàng cuối cùng cũng buông bỏ được. Từ nay, nàng sẽ sống một cuộc sống vui vẻ nơi bồng lai tiên cảnh.

Bỗng tiếng chuông điện thoại vang lên khiến em chợt tỉnh giấc. Nhìn xung quanh, em thấy mình đang nằm trên bờ đê. Thì ra, là một giấc mộng. Nhưng giấc mộng đó chân thực đến kỳ lạ. Đến giờ bên tai em vẫn văng vẳng giọng nói của nàng Vũ Nương “Được, ta sẽ sống thật hạnh phúc. Cảm ơn em”.  

Đến bây giờ, khi nhiều năm đã qua, em vẫn luôn nhớ về giấc mộng đó. Có lẽ, em sẽ không bao giờ quên được giấc mộng này. Giấc mộng cho em thêm thấu hiểu về cuộc đời bi thảm của nàng Vũ Nương. Nàng tài hoa nhưng mệnh bạc. Trương Sinh có thể là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bi kịch cuộc đời nàng, nhưng chiến tranh lại là nguyên nhân gián tiếp đã đẩy cuộc đời nàng vào bi kịch.

Bài mẫu 3:

“Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ là một trong những tác phẩm có giá trị nhân đạo sâu sắc. Và cũng là câu chuyện khiến em thích thú nhất. Câu chuyện về người con gái nhân cách, đẹp người đẹp nết nhưng bạc mệnh. Ước mơ của em đó là một lần được gặp nhân vật Vũ Nương để tâm sự với cô về cuộc đời đầy bể dâu trầm luân của nàng. Và hôm nay giấc mơ của em đã thành sự thật. Em đã được gặp người phụ nữ đó trong một giấc mơ tuyệt đẹp để nghe nàng kể về cuộc đời đầy bi ai của mình.

Đó là một giấc mơ vô cùng chân thực. Em đã gặp được nàng Vũ Nương trong câu chuyện bằng xương bằng thịt thực sự chứ không phải mơ hồ qua con chữ nữa. Lúc đó em thấy mình như đi lạc vào một thủy cung, xung quanh chỉ toàn những cung điện nguy nga đồ sộ. Bỗng thấy có một người con gái nhan sắc tuyệt đẹp nhưng ánh mắt hiện lên vẻ u buồn, sầu bi.

Em tiến lại gần nàng và quan sát “ồ người con gái này sao quen vậy? Liệu có phải là người mà mình đã biết không?”. NGhĩ vậy em mạnh dạn tiến lên bắt chuyện : “Chào chị chị có phải là Vũ Nương không?” – Đáp lại em là cái nhìn đầy nghi hoặc của nàng, rồi nàng lẳng lặng gật đầu. Em cũng đáp lại : “Em đã được đọc câu chuyện “Người con gái Nam Xương” của tác giả Nguyễn Dữ nói về cuộc đời của chị và em rất mong được một lần lắng nghe chị kể về mình”. Vũ Nương đưa mắt nhìn em rồi trầm ngâm “Em thực sự muốn nghe câu chuyện của ta sao?” – vâng ạ! Em đáp lại.

Đến lúc này em mới kịp chiêm ngưỡng hết khuôn mặt chị. Đó phải nói là một người con gái vô cùng xinh đẹp mới chỉ ngoài 20 tuổi ở nàng hiện lên vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng nhưng cũng ẩn chứa sâu trong đôi mắt là sự buồn rầu, và đầy suy tư.

Vũ Nương tiến về phía chiếc bàn đá và ngồi xuống em cũng lặng lẽ theo sau. Rồi nàng thong thả kể:

Cuộc đời của ta là một câu chuyện rất dài và đầy u buồn. Ta sinh ra trong một gia đình nghèo bố mẹ làm nông nghiệp. Lớn lên ta có chút dung mạo hơn người nên được Trương Sinh con trai một gia đình hào phú giàu có để ý. Sau đó ta theo chàng về làm vợ. Năm đó binh lửa chiến tranh khắp nơi trai tráng phải tòng quân ra chiến trường. Ta gạt nước mắt tiễn chồng ra trận khi đang mang trong mình giọt máu của hai người.

Ta chẳng có mơ ước gì cao sang chồng được chiến công lẫy lừng hay gì hết chỉ mong hết chiến tranh chàng về đoàn tụ với gia đình với mẹ con ta là vui mừng lắm rồi.  Nói rồi nàng khẽ gạt giọt nước mắt trên khóe mi. Ôi sao thấy Vũ Nương thật vô cùng nhỏ bé, nàng cũng chỉ là một người phụ nữ nhỏ bé có một khao khát vô cùng thực tế đó là ước mơ về một mái nhà với vợ chồng, con cái đầy đủ.

Nói rồi nàng tiếp tục câu chuyện : Sau khi Trương Sinh đi tòng quân mẹ chồng ta ở nhà vì khóc thương con mà sinh bệnh dẫu ta có chạy chữa trăm ngàn phương thuốc, khấn bái bao nơi cửa phật cũng không thuyên giảm. Rồi một thời gian bệnh nặng bà qua đời. Trước lúc nhắm mắt bà còn dặn ta “Con đối xử tốt với mẹ chồng con quyết không phụ con”.  Mẹ chồng mất một tay ta vừa chăm con nhỏ lại vừa lo ma chay cúng lễ đầy đủ chu toàn, Một lòng cầu mong ngày sum họp gia đình.

Con trai ta là đứa bé ba tuổi tên Đản. Thằng bé cũng giống như bao đứa trẻ khác mới tập nói nên thấy con nhà người khác gọi tiếng cha về cũng hỏi ta cha nó đâu. Mỗi đêm ru con ngủ ta thường chỉ bóng mình trên vách và thì thầm với nó “Cha Đản về kìa”. Thằng bé cười khúc khích. Nhìn con trẻ lòng ta càng chua xót,  càng mong binh lửa mau tan để chồng về đoàn tụ .

Thế nhưng cái ước mơ đó quá xa xỉ với ta. 3 năm sau TRương Sinh trở về từ chiến trận. Mừng mừng tủi tủi ta những tưởng từ đây cuộc đời ta sẽ vui vẻ hạnh phúc bên chồng con thế nhưng nó cũng là sự khởi nguồn cho mọi bi kịch đau thương.

Trong một lần dỗ con trai, dưới ánh đèn dầu thằng bé ngây ngô chỉ vào cái bóng mình trên vách và nói với cha nó là “Cha Đản lại về kìa”. Trương Sinh tức giận không nói nên lời gặng hỏi thì thằng bé ngây ngô đáp: “Tối nào cũng thấy cha nó về”. Trương Sinh không hỏi han mà thẳng thừng trách móc ta vô tình, quên nghĩa. Quá đau buồn ta liền trẫm mình xuống dòng sông Hoàng Giang tự tử để rửa hết nỗi oan.

Tuy ta thương xót con, giận chồng nhưng ta không biết làm sao để chàng tin mình. Mặc dù sau đó chính cái bóng trên tường đã minh oan cho ta, Trương Sinh cũng lập đàn giải oan cho ta thế nhưng suốt những ngày tháng sống dưới thủy cung ta vẫn không nguôi thương nhớ chồng con. Nói rồi Vũ Nương bật khóc nức nở. Còn em chỉ biết lặng lẽ nhìn người con gái bạc mệnh chịu tiếng đời.

Trước khi từ biệt Vũ Nương quay sang nói với em rằng : “ Ta cảm ơn em đã đồng cảm và thấu hiểu cho kiếp người của ta. Ta không trách ai cả chỉ trách mình phận mỏng không giữ nổi hạnh phúc gia đình”. Rồi nàng biến mất.

Lúc ấy cũng là lúc tiếng chuông báo thức vang lên em chợt tỉnh giấc mộng và cũng chuẩn bị cho kịp giờ đi học. Nhưng câu chuyện của Vũ Nương vẫn còn ám ảnh em mãi. Vũ Nương một người con gái tài hoa nhưng mệnh bạc. Tuy kiếp đời ngắn ngủi nhưng nàng đã làm tròn bổn phận của một người con dâu, một người vợ và một người mẹ. Thế nhưng nàng chịu tiếng oan của cuộc đời. Trương Sinh chỉ là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bi kịch cuộc đời nàng còn nguyên nhân gián tiếp là do chiến tranh đã đẩy cuộc đời nàng vào bi kịch.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác