Địa lí 8: Phân biệt các dạng địa hình ở Việt Nam

Căn cứ vào hình thái và trắc địa của địa hình, có thể phân biệt địa hình nước ta thành các kiểu hình thái địa hình chính như núi, cao nguyên, đồi và đồng bằng và một số dạng địa hình đặc biệt. Vậy các dạng địa hình này có đặc điểm gì, Tech12h giới thiệu đến bạn đọc đặc điểm các địa hình trong bài học này.

1. Dạng địa hình đồi núi

Bao gồm:

  • Miền núi cao: trên 2000m. Phần lớn nằm trong đất liền và ở vùng biên giới, đặc biệt từ biên giới phí bắc từ Hà Giang đến Lai Châu và biên giới phía tây thuộc tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. VD: Hoàng Liên Sơn (đỉnh Phan Si Păng, Tả Yang Phình, Pu Luông, Sa Phình), Tây Côn Lĩnh, Pu Tha, Ca, Phu Hoạt, Ngọc Linh.... Các dãy núi cao đều được cấu tạo bởi đá macma và đá biến chất có thành phần khá đồng nhất. Có độ cao lớn, sườn dốc với nhiều vách đứng bị xâm thực nên rất hiểm trở.
  • Miền núi trung bình: 1000 - 2000m. Chiếm khoảng 14% diện tích cả nước và phân bố khá rộng, từ biên giới phía Bắc đến phía Nam của dãy Trường Sơn. VD: đỉnh Mẫu Sơn, Châu Lãnh, Tam Đảo, Tản Viên, Bạch Mã, Bảo Lộc,... Thường được cấu tạo bởi các loại nham thạch cứng, tuy nhiên độ cao thấp hơn và mức độ xâm thực, chia cắt yếu hơn so với miền núi cao.
  • Miền núi thấp: dưới 1000m. Thường gặp ở vùng liền kề với núi trung bình và vùng đồi thành một dải liên tục, vùng đồng bằng,.... VD: núi Voi, Bà Đen, Thất Sơn,... Phần lớn được cầu tạo bởi các đá trầm tích, lớp vỏ phong hóa khá dày.

Dạng địa hình núi khá phổ biến ở nước ta, chiếm 3/4 diện tích.

Đặc điểm chung: độ cao tuyệt đối và độ cao tương đối khá lớn; về hình thái thường là các khối núi hoặc dãy núi, có độ chia cắt sâu và sườn dốc lớn.

Ở nước ta, các dãy núi lớn thường được ngăn cách với nhau bởi các thung lũng sông lớn. Mỗi khu vực núi có các sắc thái riêng.

2. Dạng địa hình cao nguyên

Do tính chất phân bậc của địa hình gây nên bởi các chu kì trong vận động Tân kiến tạo, ở nước ta đã hình thành nên một số cao nguyên.

Có cấu tạo, nguồn gốc và độ cao khác nhau nhưng vẫn có thể xếp chung vào một kiểu địa hình: có độ cao khá lớn với bề mặt khá bằng phẳng, lượn sóng hoặc có các dãy đồi ở trên các miền núi và ngăn cách với các vùng thấp bởi các vách bậc địa hình.

Có 3 kiểu địa hình cao nguyên:

  • Cao nguyên đá vôi như cao nguyên Đồng Văn, Bắc Hà, Tả Phình - Sín Chải,....
  • Cao nguyên đá bazan như cao nguyên KonTum - Playku, Mơ Nông, Di Linh,..
  • Cao nguyên hỗn hợp các loại đá trầm tích macma và biến chất như cao nguyên Lâm Viên.

3. Dạng địa hình đồi

Thường gặp ở vùng giáp ranh có tính chất chuyển tiếp giữa địa hình đồi núi và địa hình đồng bằng.

Độ cao từ 50 - 85m, thuộc kiểu địa hình bóc mòn do tác động của quá trình ngoại lực, xâm thực đá gốc hoặc thềm sâu, thềm biển.

Có 2 dạng phổ biến:

  • Đồi bát úp: là dạng địa hình chủ yếu gồm những quả đồi riêng có kích thước tương tự nhau và ngăn cách bởi các thung lũng xâm thực.
  • Dãy đồi: bao gồm các đồi nối tiếp nhau ở dạng yên ngựa hoặc lượn sóng.

Dạng địa hình đồi ở nước ta rất phổ biến ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai và Đông Nam Bộ.

4. Dạng địa hình đồng bằng

Là dạng địa hình thuộc bậc thấp nhất ở nước ta, phần lớn nằm ở phía đông lãnh thổ tiếp giáp với biển Đông.

Đặc điểm: bằng phẳng, độ cao thấp (không quá 15m) được bồi đắp bằng các trầm tích biển, trầm tích lục địa và phù sa của các con sông.

Kiểu địa hình đồng bằng phổ biến nhất là Đồng bằng Bắc Bộ (ĐB sông Hồng) và Đồng bằng Nam bộ (ĐBSCL).

5. Một số dạng địa hình đặc biệt

  • Địa hình Cacxto: là kiểu địa hình của vùng núi đá vôi hình thành chủ yếu do quá trình xâm thực của nước đối với đá cacbonat. Có diện tích rộng lớn 50.000km2 và tập trung chủ yếu ở miền bắc nước ta.
  • Địa hình bờ biển: được hình thành là do tác động qua lại của quá trình bồi đắp phù sa của các con sông với quá trình mài mòn, vận chuyển phù sa do sóng, thủy triều, dòng biển và ở một số nơi còn do tác động của gió và sinh vật. Tiêu biểu là địa hình bờ biển mài mòn, bờ biển bồi tụ.
  • Địa hình đảo: có khoảng 3000 đảo lướn nhỏ trong đó có 2779 hòn đảo ven bờ và có 2 quần đảo lớn là Hoàng Sa và Trường Sa. Phần lớn được cấu tạo bằng các đá trầm tích là đồi núi thấp, có độ cao từ vài chục đến hàng trăm mét.
Từ khóa tìm kiếm: đặc điểm các dạng địa hình ở nước ta, phân biệt các dạng địa hình ở nước ta, địa hình núi, địa hình đồi, địa hình cao nguyên, địa hình đồng bằng

Bình luận

Giải bài tập những môn khác