Đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 11 CTST: Đề tham khảo số 5

Trọn bộ đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 11 CTST: Đề tham khảo số 5 bộ sách mới Chân trời sáng tạo gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 2 NGỮ VĂN 11 CHÂN TRỜI SÁNG TẠO ĐỀ 5

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

"Giữa năm 2015, bà Lê Thị Thảo, mẹ của Hòa, quyết định tặng thận…

[…] Tháng 3-2016, Hòa lên bàn mổ để tặng một quả thận cho một người phụ nữ trạc tuổi mẹ mình. Người được nhận thận quê ở Hà Nam, đã bị suy thận nhiều năm và cần được ghép thận để tiếp tục được sống.

[…] Để tặng được quả thận, từ khi quyết định hiến tặng đến khi lên bàn mổ, bà Thảo đã phải hơn 10 lần một mình một xe máy từ Bắc Ninh ra bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội để làm các xét nghiệm. Con gái bà Thảo cũng vậy, và cuối năm 2016 khi mẹ con bà được mời lên truyền hình để nói về ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng, hai mẹ con lại chở nhau bằng xe máy từ Bắc Ninh lên Hà Nội rồi vội vã trở về ngay trong đêm… Nếu có ai hỏi về chuyện hiến thận đã qua, bà chỉ phẩy tay cười: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…”

Và nhờ cái “bình thường” của mẹ con bà Thảo, giờ đây có thêm hai gia đình được hạnh phúc vì người thân của họ được khỏe mạnh trở lại. Ở Bắc Ninh, gia đình bà Thảo cũng đang rất vui vẻ. Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình

Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ

chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được!"

(Trích Hai mẹ con cùng hiến thận, Lan Anh, Báo Tuổi trẻ, ngày 31/5/2018)

Câu 1 (1.0 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (1.0 điểm): Chỉ ra lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 3 (2.0 điểm): Nỗi đau đớn của ca đại phẫu thuật đã qua đi, giờ đây trên bụng hai mẹ con là hai vết sẹo dài, như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.

  • a. Xét về mặt cấu trúc, câu trên thuộc kiểu câu gì?
  • b. Xác định và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu trên.

Câu 4 (1.0 điểm): Có lẽ bạn đọc nghĩ rằng đó là hai con người kì lạ, nhưng khi gặp họ và trò chuyện, chúng tôi mới thấy mẹ con bà Thảo không kì lạ chút nào, họ chỉ muốn tặng quà một cách vô tư để nhận lại một thứ hạnh phúc tinh thần nào đó mà tôi không thể nào định danh được!

Theo em, thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là gì?

B. PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Câu 1 (5.0 điểm): Nỗi đau của Thúy Kiều được thể hiện như thế nào trong đoạn trích Trao duyên?

Hướng dẫn trả lời:

  • A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (5.0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Tự sự

Câu 2: Lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì…”

Câu 3:

  • a. Câu trên là: Câu ghép
  • b. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn trên là biện pháp so sánh. Hai vết sẹo dài trên bụng hai mẹ con (bà Thảo và Hòa) được so sánh như chứng nhân về quyết định rất đỗi lạ lùng, về việc sẵn sàng cho đi mà không băn khoăn một phần thân thể của mình.

Câu 4:

Thứ hạnh phúc tinh thần mà người viết không thể nào định danh được là niềm hạnh phúc của việc cho đi, của tinh thần sẻ chia, biết sống vì người khác, biết yêu thương với những số phận bất hạnh trong cuộc đời.

  • B. PHẦN VIẾT

Câu 1:

Tham khảo bài viết sau:

Mở đầu “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã viết: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” và cả cuộc đời phía sau của nhân vật chính Thúy Kiều chính là những truân chuyên, gập ghềnh nàng gặp trên đường đời. Thúy Kiều đã phải trải qua rất nhiều nỗi đau nhưng có lẽ nỗi đau lớn nhất, khắc dấu đậm nét nhất trong nàng chính là nỗi đau phải trao duyên. Toàn bộ cung bậc cảm xúc và nỗi đau ấy của nàng đã được khắc họa đầy đủ trong đoạn trích: “Trao duyên”.

Gia đình Kiều bị vu vạ, cha và em trai bị bắt, bị đánh đập dã man, nếu không cứu e rằng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Gia đình gặp phải họa lớn, Kiều quyết bán mình chuộc cha. Mã Giám Sinh mua nàng với giá “vàng ngoài bốn trăm” – rẻ mạt so với một quốc sắc thiên hương như nàng. Quê Mã Giám Sinh ở rất xa, khi đi sẽ mất hẳn liên lạc với gia đình. Đêm trước ngày lên đường, Kiều khóc thương sụt sùi, tủi cho phận bạc. Tình thương cho gia đình đã được giải tỏa nhưng lại lỗi hẹn với chàng Kim. Trong lúc khóc than “Thúy Vân ghé đến hỏi han” nàng mới bày tỏ nỗi lòng muốn trao duyên cho em. Hai chữ trao duyên nghe sao mà đau đớn, quặn thắt nhưng Kiều phải dằn lòng mình để có thể nhờ em trả nghĩa cho Kim Trọng.

Kiều hiểu trao duyên là một việc không hề dễ dàng để em nhận lời, bởi vậy ngay từ câu đầu Thúy Kiều đã dùng những từ ngữ hết sức khéo léo để mong thuyết phục em: “Cậy em em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Nàng đặt em vào tình thế không thể từ chối, ngôn ngữ được sử dụng hết sức tinh tế và cẩn trọng, nàng cậy nhờ em gửi gắm vào đó cả sự tin tưởng cả sự hi vọng vô cùng tha thiết. Nhưng liệu nàng Vân có chấp thuận lời đề nghị quá đường đột ấy hay không? Thúy Kiều rất hiểu cho tình thế của em, bởi vậy nàng đã dùng những lí lẽ hết sức sắc sảo để thuyết phục.

Nàng kể chuyện tình của mình hết sức ngắn ngủi: “Kể từ khi gặp chàng Kim/ Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề” đó là những ngày, những kỉ niệm đẹp đẽ, trong sáng nhất với Kiều. Chuyện tình yêu của hai người Vân là người hiểu rất rõ, bởi vậy nàng không nói quá dài dòng. Và rồi đến cảnh gia biến của gia đình: “Sự đâu sóng gió bất kì/ Hiếu bề khôn lẽ hai bề vẹn hai”. Chỉ với bốn câu thơ ngắn ngủi Kiều đã tóm tắt được tình yêu, những giây phút nồng nàn của đôi uyên ương trẻ, đồng thời cũng cho thấy được những biến cố trong gia đình nàng. Nàng quyết “Thà rằng liều một thân con/ Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây”, lựa chọn cứu cha và em cùng lúc đó nàng rơi vào bi kịch phụ bạc người mình yêu. “Giữa đường đứt gánh tương tư” tình yêu dang dở, đứt gánh, nàng rơi vào đau khổ tột cùng, và cách giải quyết của nàng: “Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”. Kim Trọng mối tình đầu thơ dại, đầy ắp những kỉ niệm mà nàng trân trọng lại phải trao cho người khác, nỗi đau đớn ấy nào ai có thể thấu hết. Nỗi đau ấy không chỉ ở phía nàng, mà còn ở cả nàng Vân, bởi Vân vốn không có tình cảm với Kim Trọng, hiểu được điều đó Kiều tiếp tục thuyết phục em:

Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ, thay lời nước non.

Em còn trẻ và có cơ hội hạnh phúc, đồng thời ràng buộc em bằng tình “máu mủ” để Vân không thể trối từ. Nếu Vân nhận lời thì dù nàng có phải thịt nát xương mòn vẫn “ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”. Kiều luôn có dự cảm những điều không lành sẽ xảy đến với mình, nhưng chỉ cần em nhận lời thì nỗi đau kia cũng phần nào được xoa dịu.

Lời trao duyên đã khó nói thì giây phút trao kỉ vật lại càng làm cho Thúy Kiều thắt lòng hơn nữa. Những món kỷ vật ấy vốn chàng Kim trao cho nàng, là kỉ vật riêng tư mà nàng không muốn trao cho bất cứ ai: chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền. Mỗi kỷ vật lại gợi nhắc đến một kỉ niệm đẹp đẽ của ngày xưa, lại càng làm cho hiện tại thêm nhói buốt. Trao kỉ vật cũng đồng nghĩa với việc nàng trao duyên cho em, nhưng việc ấy không hề dễ dàng, lý trí bảo nàng hãy trao hết cho em, nhưng tình cảm lại không cho phép làm việc ấy. Hai chữ “của chung” đã diễn tả đầy đủ nhất nỗi đau tột cùng của nàng. Nàng có thể nén nỗi đau mà trao vật kỷ niệm, nhưng thật khó khăn để trao cả duyên tình của mình với Kim Trọng cho em. Dù là ích kỉ, dù là hẹp hòi nhưng lời nói ấy, hành động ấy đã cho thấy tình cảm sâu nặng Thúy Kiều dành cho Kim Trọng.

Nàng quay trở lại với thực tại, bi kịch, đau đớn cùng lúc đổ ập xuống nàng: “Bây giờ trâm gãy gương tan/ Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân/ Trăm nghìn gửi lạy tình quân/ Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi/ Phận sao phận bạc như vôi/ Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Hiện thực chỉ toàn những tan vỡ, đổ nát, tình yêu tan vỡ, số phận bấp bênh như cánh hoa trôi,… tất cả đều cho thấy cuộc đời đau đớn đến cùng cực của Thúy Kiều. Hai câu thơ kết bài như tiếng khóc nấc nghẹn của Thúy Kiều trước thực tại, trước tình yêu:

Ơi Kim Lang! Hỡi Kim Lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây

Câu thơ ngắt nhịp 3/3 cùng với các từ cảm thán ôi, hỡi đã cho thấy nỗi đau đớn lên đến đỉnh điểm của nàng, nỗi đau đớn bật thành tiếng khóc nấc nghẹn, để rồi sau đó nỗi đau đã khiến nàng ngất đi: “Cạn lời hồn ngất máu say/ Một hơi lặng ngắt, đôi tay giá đồng”.

Bằng nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật đặc sắc, ngôn từ hàm súc cô đọng Nguyễn Du đã khắc họa thành công nỗi đau đớn, xót xa đến tột cùng khi Kiều phải trao duyên cho em. Đồng thời cũng cho thấy sự cảm thương của nhà văn cho số phận bất hạnh của Thúy Kiều – kiếp hồng nhan bạc mệnh trong xã hội phong kiến.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo, trọn bộ đề thi Ngữ văn 11 chân trời, đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 11 CTST: Đề

Bình luận

Giải bài tập những môn khác