Đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11 KNTT: Đề tham khảo số 3

Trọn bộ đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11 KNTT: Đề tham khảo số 3 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ THI GIỮA KÌ 1 NGỮ VĂN 11 KẾT NỐI TRI THỨC ĐỀ 3

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm) 

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

CÂU CHUYỆN VỀ HAI HẠT LÚA

Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau vì cả hai đều là những hạt lúa tốt đều to khỏe và chắc mẩy. Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân hình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ”. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lửa để lăn vào đó. Còn hạt lúa thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.

 Thời gian trôi qua, hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà bởi vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng. Lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích được gì nên nó chết dần chết mòn. Trong khi đó hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đấy nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…

Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ sự nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ – đó là sự lựa chọn của hạt giống thứ hai”.

(Theo Hạt giống tâm hồn, NXB Trẻ, 2004)

Câu 1 (1.0 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?

Câu 2 (1.0 điểm): Dựa vào văn bản, hãy cho biết vì sao hạt lúa thứ hai “ngày đêm mong được ông chủ gieo xuống đất”?

Câu 3 (1.0 điểm): Hình ảnh 2 hạt lúa có ý nghĩa tượng trưng cho những kiểu người nào trong xã hội?

Câu 4 (2.0 điểm): Thông điệp sâu sắc nhất mà anh chị rút ra từ văn bản trên?

B.   PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Câu 1 (5.0 điểm): Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở cho đến trước khi bị Thị Nở từ chối trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao.

Hướng dẫn trả lời

  • A. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Tự sự

Câu 2:

Hạt lúa thứ hai ngày đêm mong được ông chủ gieo xuống đất bởi vì nó mong đợi được bắt đầu một cuộc đời mới.

Câu 3:

Hình ảnh hai hạt lúa tượng trưng cho 2 kiểu người:

+ Hạt lúa thứ nhất: kiểu người sống trong mức an toàn, không dám làm gì mạo hiểm.

+ Hạt lúa thứ hai: kiểu người dám sống khác, dám đương đầu với thử thách.

Câu 4:

Qua câu chuyện, em rút ra thông điệp: Mỗi người hãy dám dấn thân mình, sống một cuộc đời có ý nghĩa.

  • B. PHẦN VIẾT

Câu 1:

Nam Cao là cây bút hiện thực phê phán xuất sắc, là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Sáng tác của ông chủ yếu ở hai mảng đề tài : viết về người trí thức nghèo và về những người nông dân cùng khổ. Ở mảng đề tài viết về người nông dân, “Chí Phèo” là một kiệt tác. Trong tác phẩm này, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật Chí Phèo, ông đặc biệt khắc họa rõ nét diễn biến tâm trạng của nhân vật này từ sau khi gặp Thị Nở. Đây là một thành công đáng kể của tác giả trong truyện ngắn này.

Truyện ngắn “Chí Phèo” ra đời trước Cách mạng tháng Tám. Ban đầu truyện có tên là “Cái lò gạch cũ”, khi in thành sách lần đầu, nhà xuất bản tự ý đổi thành “Đôi lứa xứng đôi”, sau này, khi in lại trong tập “Luống cày” (1946) nhà văn đổi lại thành “Chí Phèo”.

Truyện kể về nhân vật Chí Phèo. Thuở nhỏ, Chí bị cả cha lẫn mẹ bỏ rơi, sống bơ vơ bất hạnh. Lớn lên đi làm thuê cho nhà Bá Kiến, bị Bá Kiến ghen, đẩy vào tù. Khi ra tù, Chí thay đổi hẳn cả nhân hình lẫn nhân tính. Hắn trở thành tay sai của Bá Kiến, là con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Rồi hắn gặp Thị Nở, một cô gái xấu “ma chê quỷ hờn”. Bát cháo hành cùng với tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc của Thị đã thức tỉnh phần người bấy lâu nay bị vùi lấp sâu trong tâm hồn Chí. Chí Phèo ao ước được trở lại làm người lương thiện, hắn hi vọng rằng Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Nhưng bà cô Thị ngăn cấm. Chí nhận ra bi kịch đau đớn : bị cự tuyệt quyền làm người. Chí bèn xách dao đến nhà Bá Kiến, kẻ đã gây ra bi kịch của hắn, giết chết Bá Kiến rồi tự vẫn.

Trước cuộc gặp gỡ đầy tình cờ với thị Nở trong đêm trăng ở vườn chuối cạnh bờ sông, Chí Phèo là một “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại. Hắn triền miên trong những cơn say dài bất tận và sống trong tình trạng vô thức. Sau cái đêm định mệnh ấy, cuộc đời Chí Phèo tưởng như được lật sang một trang mới. Sáng sớm hôm sau, hắn tỉnh dậy. Hắn bắt đầu cảm nhận được cuộc sống xung quanh mình và có những cảm xúc của một con người. Lần đầu tiên từ khi ra tù, Chí Phèo tỉnh rượu và có cái cảm giác “miệng đắng, lòng mơ hồ buồn”. Lần đầu tiên, Chí Phèo nghe được những âm thanh quen thuộc của cuộc sống hằng ngày xung quanh hắn : “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá”, “tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá”, tiếng trò chuyện của những người đi chợ về…Những âm thanh ấy đã gợi nhớ trong hắn ước mơ giản dị từ thuở xa xưa : “có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Quá khứ tuy nghèo khổ ấy nay với Chí cũng là một điều thật xa vời. Thực tại giờ đây của hắn là “già mà vẫn còn cô độc”. Điều ấy khiến hắn buồn và lo lắng cho tương lai : đói rét, ốm đau và cô độc sẽ đày đọa hắn khi về già. Và hắn sợ nhất là cô độc. Một kẻ chỉ biết sống bằng giật cướp và dọa nạt, một kẻ đã làm đổ máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện, vậy mà giờ đây cũng biết sợ, mà lại sợ nhất là cô độc. Hình như, bản chất người trong hắn đang mơ hồ tỉnh dậy.

Hắn đang nghĩ vu vơ thì thị Nở đến, mang theo một nồi cháo hành còn nóng nguyên. Đầu tiên, Chí Phèo “rất ngạc nhiên”. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy “mắt hình như ươn ướt”. Con quỷ dữ Chí Phèo đã biết khóc. Hắn cảm động đến như vậy là bởi đây là lần đầu tiên hắn được người ta cho, xưa nay, muốn có cái gì, hắn phải giật cướp và dọa nạt. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà lòng “bâng khuâng”, rồi hắn nhìn thị Nở đang cười toe toét mà cảm thấy thị “có duyên”. Có cái gì đó đang trỗi dậy trong lòng Chí Phèo, phải chăng đó là tình yêu ? Có thế thì mới nhìn một người đàn bà “ma chê quỷ hờn” thành ra “có duyên” chứ ! Rồi thì hắn thấy “vừa vui vừa buồn” và “một cái gì nữa giống như là ăn năn”. Chí vui bởi vẫn đang còn một người quan tâm đến hắn. Chí buồn và ăn năn bởi tội ác mình gây ra quá nhiều, con đường trở về làm một người bình thường của hắn có lẽ là sẽ lắm chông gai. Đưa bát cháo lên miệng, Chí Phèo thấy cháo “mới thơm làm sao” và húp một húp, Chí cảm thấy “cháo hành ăn rất ngon”. Cháo hành vốn là thứ quê mùa, không phải cao lương mĩ vị gì, lại được nấu bởi bàn tay của một người “dở hơi” thì chắc là dở lắm; thế mà với Chí Phèo thì nó thật ngon. Bát cháo từ tay người đàn bà là thị Nở ấy làm Chí Phèo nhớ về bà Ba vợ Bá Kiến. Chí Phèo thừa hiểu, “cái con quỷ cái” ấy chỉ lợi dụng hắn chứ yêu đương gì. Hắn chưa bao giờ được một người đàn bà nào yêu cả. Bởi vậy, bát cháo hành của Thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Ngồi ăn cháo hành cạnh thị Nở, hắn thấy “lòng thành trẻ con”, “hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ”. Ngòi bút Nam Cao thật sắc sảo và tràn đầy tình thương khi miêu tả tinh tế diễn biến tâm trạng của Chí. Ông nhận ra phần người không bao giờ mất trong hình hài con quỷ dữ Chí Phèo. Phần người ấy đã hoàn toàn trở về với Chí và khiến hắn “thèm lương thiện”, hắn muốn “làm hòa” với mọi người biết bao. Hắn hi vọng thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Hắn hi vọng tràn trề “họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện”. Niềm hi vọng được làm người lương thiện làm Chí Phèo thấy “lòng rất vui”. Chí thấy mình và thị Nở sẽ làm thành một cặp rất xứng đôi, và quyết định lấy thị. Năm ngày sau đó là năm ngày hạnh phúc nhất cuộc đời Chí Phèo. Hắn và thị Nở sống với nhau như vợ chồng. Hắn đã không còn kinh rượu nữa nhưng cố uống cho thật ít để tỉnh táo. Bây giờ hắn “say” thị Nở chứ không còn say rượu. Bây giờ, hắn là con người chứ không còn là “con quỷ”.

Thế nhưng, năm ngày ấy thật ngắn ngủi. Đến ngày thứ sáu thì thị Nở nhớ ra thị đang còn một bà cô đi làm ăn xa sẽ về trong ngày hôm ấy. Thị phải dừng yêu để về nhà hỏi cô thị đã. Thị trở về nhà rồi quay lại nhà Chí Phèo với cơn tức giận sau những lời xỉa xói đay nghiến của bà cô. Thị tới và “trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô”. Nghe những lời ấy, Chí Phèo “nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu”. Đầu óc bị tê liệt bấy lâu của hắn phải nghĩ ngợi một tí rồi mới “hiểu” được những lời của bà cô thị Nở. Hắn hiểu một cách sâu sắc về những lời ấy. Hắn hiểu rằng không còn ai coi hắn là con người nữa. Một người cuối cùng mà hắn hi vọng nhất cũng đã từ chối hắn. Hắn hiểu ra rằng người ta không chấp nhận hắn trở lại làm người lương thiện. Đó là bi kịch đau đớn của cuộc đời hắn : bị cự tuyệt quyền làm người. Nhận ra bi kịch thê thảm ấy, Chí Phèo lại uống rượu. Nhưng bây giờ, càng uống, hắn “càng tỉnh ra” và lại càng “buồn” hơn. Hắn cứ thấy hơi cháo hành thoang thoảng đâu đây. Hắn “ôm mặt khóc rưng rức”. Thương thay, hắn sinh ra là người mà giờ đây muốn làm người cũng không thể được. Hắn cứ thế uống, uống cho đến say mềm đi. Rồi hắn ra đi với một con dao ở thắt lưng. Trong cơn say, đầu óc của hắn vẫn không thể nào quên được bi kịch đau đớn của đời mình, và càng không thể nào quên được kẻ đã đẩy hắn vào bi kịch ấy. Không ai khác ngoài Bá Kiến. Bởi vậy mà hắn không đến nhà “con đĩ Nở” như dự định ban đầu mà đi thẳng đến nhà lão bá. Đến đấy, hắn cất tiếng đòi lương thiện thống thiết : “Tao muốn làm người lương thiện” nhưng cũng đồng thời hiểu rằng “tao không thể làm người lương thiện được nữa”. Những câu nói cuối cùng của Chí nghe sao thật xót xa, cay đắng. hắn chỉ còn một cách nữa, cách để được nhẹ nhàng, thanh thản, đó là ra đi cùng với bản chất người của mình. Nhưng trước khi ra đi, hắn phải trả thù, phải giết kẻ đã khiến hắn không được làm người nữa. Hắn hành động dứt khoát, quyết liệt : giết bá Kiến và tự vẫn. Chí Phèo tự vẫn bởi hắn có sống tiếp cũng không thể được làm người lương thiện nữa. Cái chết đau đớn, tức tưởi của Chí Phèo vừa là tiếng nói tố cáo tội ác của tầng lớp thống trị phong kiến vừa là lời khẳng định, tin tưởng vào bản chất lương thiện không bao giờ mất đi trong những người nông dân cùng khổ đáng thương.

“Chí Phèo” là minh chứng tiêu biểu nhất cho tài năng truyện ngắn Nam Cao. Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, nhà văn tố cáo sâu sắc xã hội thực dân nửa phong kiến phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống của con người, đẩy con người vào “bước đường cùng”. Kết cấu truyện theo kiểu tâm lí, không theo thứ tự thời gian mà bắt đầu truyện bằng tiếng chửi đổng của Chí vừa gây sự chú ý, tò mò cho người đọc, vừa nhấn mạnh cái bi kịch đau đớn của Chí. Đồng thời, lời văn kể chuyện nửa trực tiếp cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn của câu chuyện: trong tác phẩm, có đoạn là lời người kể chuyện hoàn toàn; cũng có đoạn nhà văn như hóa thân vào nhân vật, làm cho đoạn văn như là lời của chính nhân vật tự kể chuyện mình khiến người đọc thực sự khám phá được chiều sâu tâm hồn nhân vật. “Đôi mắt” đầy tình người của Nam Cao cùng với tài năng nghệ thuật của ông đã đưa “Chí Phèo” vào hàng những kiệt tác văn xuôi hiện đại.

Tóm lại, truyện ngắn “Chí Phèo” đã miêu tả sinh động diễn biến tâm trạng của Chí Phèo từ sau khi gặp thị Nở. Qua đó, nhà văn thể hiện tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với hoàn cảnh bi đát của người nông dân trong xã hội cũ, đồng thời khẳng định và tin tưởng vào bản chất lương thiện tốt đẹp của họ. Đó cũng chính là tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của Nam Cao trong dòng văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Truyện ngắn này đã đưa tên tuổi Nam Cao vào hàng những nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam.

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 11 kết nối tri thức, trọn bộ đề thi Ngữ văn 11 kết nối, đề thi giữa kì 1 Ngữ văn 11 KNTT: Đề

Bình luận

Giải bài tập những môn khác