Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 11 KNTT: Đề tham khảo số 3

Trọn bộ đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 11 KNTT: Đề tham khảo số 3 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ THI CUỐI KÌ 2 NGỮ VĂN 11 KẾT NỐI TRI THỨC ĐỀ 3

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm) 

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

“Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”

(Trích Tổ quốc nhìn từ biển - Nguyễn Việt Chiến)

Câu 1 (1 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2 (1 điểm): Nhân vật trữ tình đã gửi gắm cảm xúc, tâm tư gì vào đoạn thơ?

Câu 3 (1 điểm): Tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ?

Câu 4 (2 điểm):  Đoạn thơ mang đến cho người đọc nhận thức gì về Tổ quốc xưa và nay?

B.   PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Câu 1 (5 điểm): Phân tích Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ.

Hướng dẫn trả lời

  • A. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Phương thức biểu đạt: biểu cảm

Câu 2:

Nhân vật trữ tình đã gửi gắm những suy ngẫm, tự hào về lịch sử dân tộc, nhìn từ góc độ công cuộc giữ gìn biển đảo, trách nhiệm của mỗi con người trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Câu 3:

Biện pháp tu từ được sử dụng  trong đoạn thơ là: phép điệp cú pháp (Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát). Hiệu quả nhấn mạnh cảm xúc tự hào, suy ngẫm lắng đọng về lịch sử đau thương mà hùng tráng của dân tộc

Câu 4:

Đoạn thơ mang đến cho người đọc nhận thức về Tổ quốc xưa và nay là: Một đất nước luôn phải đối đầu với nạn ngoại xâm, nhân dân phải hi sinh máu xương để bảo vệ từng tấc đất, thước biển nhưng vẫn bất khuất, hiên ngang.

  • B. PHẦN VIẾT

Câu 1:

Nguyễn Công Trứ không chỉ là một vị quan mà còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của văn học Việt Nam nói chung và văn học trung đại nói riêng. Nguyễn Công Trứ sáng tác rất nhiều, đặc biệt là thơ văn chữ Nôm và thông qua những sáng tác ấy hiện lên rõ nét phong cách độc đáo của ông. Và có thể nói, bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” - tác phẩm được xem như bản tổng kết về cuộc đời của Nguyễn Công Trứ là một trong số những sáng tác tiêu biểu nhất của ông.

Đọc bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy “ngất ngưởng” chính là cảm hứng xuyên suốt toàn bộ bài thơ, nó xuất hiện bốn lần trong tác phẩm. Vậy từ “ngất ngưởng” trong bài thơ nên được hiểu như thế nào? Như chúng ta đã biết, “ngất ngưởng” là một từ láy dùng để chỉ độ cao - cao hơn người khác, vật khác và luôn ở trong trạng thái nghiêng ngả, chực đổ, nó không hoàn toàn vững nhưng cũng không thể nào đổ được.

Tuy nhiên, trong tác phẩm, “ngất ngưởng” không phải được dùng với nghĩa ấy mà nó được sử dụng ở một tầng nghĩa khác, đó chính là lối sống, thái độ sống của tác giả. Và với cách hiểu đó, chúng ta sẽ thấy bài thơ có nhiều điều thú vị, hấp dẫn.

Trước hết, trong sáu câu thơ đầu của bài thơ, tác giả đã thể hiện rõ nét sự ngất ngưởng khi ở chốn làm quan. Đầu tiên, sự ngất ngưởng ở chốn làm quan được thể hiện ở sự khẳng định vai trò, vị trí của chính mình trong trời đất:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Với hai câu thơ nhưng tác giả đã cho thấy thái độ về vị trí của mình. Với ông, mọi việc trong vũ trụ, trời đất đều là việc của mình, đồng thời, ông coi việc nhập thế chính là cách để ông bộc lộ tài ba, trí tuệ của mình. Và để rồi, từ sự khẳng định ấy, ông đã phô diễn, đã khoe tài năng, danh vị của mình:

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

Lúc bình Tây cờ đại tướng

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.

Trong bốn câu thơ, tác giả đã sử dụng hàng loạt từ Hán Việt - Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc Đông,... cùng bút pháp liệt kê và điệp ngữ, từ đó cho người đọc thấy rõ tài năng và danh vị của mình. Có thể thấy, Nguyễn Công Trứ là người văn võ song toàn, đồng thời giữ nhiều chức vị quan trọng trong cuộc đời làm quan của mình. Như vậy, trong sáu câu thơ đầu nào thơ, tác giả đã nói về tài năng, khoa danh vị của mình với một thái độ đầy trang trọng, nhấn mạnh và đầy tự hào.

Không chỉ ngất ngưởng ở chốn làm quan, Nguyễn Công Trứ còn ngất ngưởng cả trong lối sống sau khi đã cáo quan về hưu, điều đó được thể hiện chân thực và rõ nét trong mười ba câu còn lại của bài thơ. Trước hết, lối sống ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ khi cáo quan về hưu được thể hiện ở lối sống khác người, khác đời, trái khoáy.

Đô môn giải tổ chi niên

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Hai câu thơ đã gợi lên trước mắt chúng ta dáng ngồi ngất nghểu của tác giả trên lưng con bò vàng được trang sức bằng đạc ngựa - một dáng vẻ khác người, như muốn khiêu khích, trêu ngươi. Và để rồi, khi thả hồn mình vào mây trắng, núi cao, dáng vẻ ngất ngưởng của tác giả vẫn không thay đổi:

Kìa núi nọ phau phau mây trắng

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi gì

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng

Có lẽ trong văn học, chưa bao giờ chúng ta thấy một người nào đi vãn cảnh chùa giống như Nguyễn Công Trứ. Đi vãn cảnh chùa - nơi chốn thanh cao, tao nhã vậy mà lại mang theo một cô gái hầu. Cái dáng vẻ, cái lối sống ấy của ông khiến Bụt cũng phải chào thua, cũng phải bật cười.

Đồng thời, trong lối sống của mình, Nguyễn Công Trứ không chú ý nhiều đến chuyện được, mất, khen chê bởi với ông, chuyện được, mất chẳng biết cái nào hơn cái nào.

Được mất dương dương người thái thượng

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Thêm vào đó, ở Nguyễn Công Trứ ta còn thấy hiện lên lối sống tự do, thỏa chí, muốn gì làm này, không vướng tục.

Khi tửu, khi ca, khi cắc, khi tùng

Không Phật, không Tiên, không vướng tục

Như vậy, có thể thấy, thái độ, phong cách sống của Nguyễn Công Trứ khi về hưu có những biểu hiện rất riêng. Tuy nhiên, ở ông ta vẫn thấy nhiều điểm nhất quán với cuộc sống trước đó, ông vẫn luôn là một bề tôi trung thành. Và để rồi, ông đã có một lời tự tổng kết về cuộc đời đầy minh bạch và đượm vẻ hài lòng ở trong những câu thơ khép lại bài thơ.

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

Tóm lại, bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ với âm điệu khẳng định, lối nói đậm tính khẩu ngữ đã thêm một lần nữa cho chúng ta thấy vẻ đẹp nhân cách con người tác giả - một con người tài năng, lí tưởng sống hài hòa giữa cái vì đời và vì mình.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 11 kết nối tri thức, trọn bộ đề thi Ngữ văn 11 kết nối, đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 11 KNTT: Đề

Bình luận

Giải bài tập những môn khác