Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 11 KNTT: Đề tham khảo số 1

Trọn bộ đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 11 KNTT: Đề tham khảo số 1 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ THI CUỐI KÌ 1 NGỮ VĂN 11 KẾT NỐI TRI THỨC ĐỀ 1

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (5.0 điểm) 

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.

Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác. Chừng ấy người chen chúc trong một khỏang rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với những người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất, con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm ấp lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.

   (Trích Nhà mẹ Lê – Thạch Lam)

Câu 1 (1 điểm): Văn bản trên có sự kết hợp giữa các phương thức biểu đạt nào? Tác dụng của việc kết hợp đó là gì?

Câu 2 (1 điểm):  Nêu nội dung chính của văn bản trên?

Câu 3 (1 điểm): Nhân vật chính trong văn bản trên là ai? Anh/chị cảm nhận như thế nào về nhân vật đó?

Câu 4 (2 điểm): Tìm và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ bất kì được tác giả sử dụng trong văn bản trên.

B. PHẦN VIẾT (5.0 điểm)

Câu 1 (5.0 điểm): Kết thúc tác phẩm “ Chí Phèo” của Nam Cao là chi tiết:...“ Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua...”

Suy nghĩ của anh/ chị về chi tiết kết thúc trên?

Hướng dẫn trả lời

  • A. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Văn bản sử dụng kết hợp phương thức biểu đạt tự sự và miêu tả để khắc họa một cách chân thực và làm nổi bật gia cảnh nhà mẹ Lê.

Câu 2:

Nội dung văn bản: Gia cảnh nghèo túng, đói khổ của nhà mẹ Lê.

Câu 3:

Nhân vật chính trong văn bản là bác Lê. Đó là một người phụ nữ cực khổ (đông con, nghèo đói, phải đi làm thuê làm mướn) song giàu tình thương con, chịu thương chịu khó (dậy sớm đi làm thuê suốt 4 mùa, bất kể nắng mưa, rét mướt; ủ ấm cho đàn con).

Câu 4:

Biện pháp tu từ so sánh “Dưới manh áo nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết” (so sánh con người với con vật, lại là con vật chết)

=> Đây là 1 hình ảnh đầy ám ảnh, khắc sâu sự nghèo khổ, tội nghiệp, đáng thương của nhà bác Lê.

  • B. PHẦN VIẾT

Câu 1:

Nhà văn Lê Định Kỵ từng nhận xét văn chương của Nam Cao như thế này: “Trong văn xuôi trước cách mạng, chưa có ai có được ngòi bút sắc sảo, gân guốc soi mói như của Nam Cao”. Thật vậy, truyện của Nam Cao không chỉ phản ánh hiện thực của cuộc sống mà còn chứa đựng những giá trị nhân đạo cao đẹp. Trong đó, truyện ngắn Chí Phèo là tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ nét phong cách sáng tác của ông. Trong truyện, Nam Cao không chỉ tái hiện bi kịch của Chí Phèo mà còn xây dựng thành công những hình ảnh đặc sắc mang ý nghĩa biểu tượng cho bi kịch ấy. Một trong số đó phải kể đến chi tiết cái lò gạch cũ xuất hiện cuối truyện:“ Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua...”

Truyện ngắn Chí Phèo sáng tác năm 1941, kể về anh canh điền từ một người hiền lành, lương thiện bị tha hóa trở thành một con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Cuộc đời của Chí Phèo bắt đầu từ chiếc lò gạch cũ. Chí là đứa con hoang bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ giữa đồng. Chí đã lớn lên bằng sự cưu mang của những người lao động lương thiện lam lũ. Trưởng thành, Chí đi làm canh điền cho nhà Bá Kiến (tên cường hào độc ác khét tiếng ở làng Vũ Đại). Vì ghen tuông vô cớ, Bá Kiến đã ngấm ngầm đẩy Chí vào tù. Sau bảy, tám năm đi tù biệt tăm, Chí đột nhiên trở về làng thành một kẻ hoàn toàn khác. Từng bước Chí cứ lún sâu mãi xuống vũng bùn tội lỗi, trở thành tay sai cho Bá Kiến và thành “con quỷ dữ” ở làng Vũ Đại.

Đối với người dân làng Vũ Đại, Chí là một con quỷ thật sự và chính hắn cũng nghĩ như vậy cho đến khi gặp Thị Nở (người đàn bà xấu đến “ma chê quỷ hờn” lại dở hơi ở làng Vũ Đại), tình thương của Thị Nở đã làm sống lại bản chất con người và khát vọng hướng đến cái thiện trong Chí. Giây phút hắn nghĩ mình có thể quay trở lại con người khi xưa cũng là lúc hắn tuyệt vọng phát hiện tất cả những gì tốt đẹp vừa bùng loé trong tâm hồn hắn bị dập tắt, bị cự tuyệt. Hắn đã chẳng thể làm người lương thiện được nữa. Hắn đã chìm sâu xuống vũng bùn dơ bẩn nhất mà chẳng thể ngoi lên. Trong đau đớn tuyệt vọng, hắn tìm đến nhà Bá Kiến, chẳng phải để đòi tiền uống rượu như mọi lần. Hắn đến với một cái đầu tỉnh táo lạ thường, hắn giết Bá Kiến và cũng kết thúc luôn cuộc đời bất hạnh của chính hắn.

Sau khi Chí Phèo chết, ở phần kết thúc tác phẩm, Thị Nở lại xuất hiện. Thị “nhớ lại lúc ăn nằm với hắn… rồi nhìn nhanh xuống bụng”, “Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng bóng người lại qua…”. Có lẽ, thị đang nghĩ về cuộc đời của Chí và nghĩ đến tương lai, liệu có thêm một đứa trẻ nào khác như hắn xuất hiện trên thế gian này.

Chi tiết chiếc lò gạch cũ xuất hiện hai lần trong tác phẩm, lần đầu tiên gắn với sự ra đời của Chí và lần thứ hai xuất hiện khi Chí Phèo tự kết liễu sự sống của chính mình, nó xuất hiện trong tâm trí của Thị Nở. Sự xuất hiện của hình ảnh lò gạch cũ cuối tác phẩm tạo ra kết cấu đầu cuối tương ứng và truyền tải được thông điệp nghệ thuật đầy sâu sắc về "bi kịch Chí Phèo". Nếu trong phần mở đầu, hình ảnh cái lò gạch cũ gắn với sự xuất hiện của Chí Phèo thì ở cuối tác phẩm nó lại gợi liên tưởng về sự lặp lại của một số phận bất hạnh khác. Phải chăng sau những ngày chung sống bên Chí, trong bụng của Thị cũng đang nuôi dưỡng một sự sống vô tội. Qua sự thất thần và cái nhìn xa xăm, phải chăng Thị cũng đang lo sợ một điều gì đó, liệu sau này đây Thị cũng sẽ giống như người mẹ khốn khổ từng sinh ra Chí vì những định kiến nghiệt ngã của xã hội mà "rứt ruột" vứt bỏ đứa con của mình?

Hình ảnh chiếc lò gạch cũ không đơn thuần mang nghĩa tả thực về một cái lò nung gạch cũ kĩ, không được sử dụng và vắng người qua lại, là nơi Chí Phèo bị bỏ rơi nữa mà mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Hình ảnh chiếc lò gạch cũ là hình ảnh ẩn dụ cho vòng luẩn quẩn của những kiếp người như Chí Phèo. Qua đó, tác giả muốn khẳng định: Chí Phèo không phải là một hiện tượng cá biệt mà là một hiện tượng phổ biến có tính quy luật trong xã hội bấy giờ.

Có thể nói "cái lò gạch cũ" xuất hiện cuối tác phẩm là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc bậc nhất trong truyện ngắn Chí Phèo. Chỉ với một hình ảnh xuất hiện thoáng qua trong tâm tưởng Thị Nở nhưng lại khái quát được toàn bộ bi kịch đớn đau của một đời người. Qua hình ảnh "chiếc lò gạch cũ", nhà văn Nam Cao đã bộc lộ niềm tiếc thương cho số phận của những người nông dân bất hạnh trong xã hội xưa. Đọc Chí Phèo, chúng ta thấm thía hơn về giá trị của văn học "Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học".

Có thể nói, hình ảnh lò gạch cũ xuất hiện thoáng qua nhưng lại mang đến những ấn tượng đậm nét, gợi nhắc đến cuộc đời đầy bất hạnh và bi kịch tha hóa đầy đớn đau của một con người. Nó đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng độc giả mỗi khi nhớ đến tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 11 kết nối tri thức, trọn bộ đề thi Ngữ văn 11 kết nối, đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 11 KNTT: Đề

Bình luận

Giải bài tập những môn khác