Chọn thực hiện theo nhóm học tập một trong các nội dung sau: Nội dung 1. Giới thiệu một tác phẩm truyện nổi tiếng đang được giới trẻ quan tâm tìm đọc. Nội dung 2. Có những tác phẩm nghệ thuật nào từng để lại ấn tượng sâu sắc với bạn? Hãy nói về tác phẩm ấ

3. NÓI VÀ NGHE 

Chọn thực hiện theo nhóm học tập một trong các nội dung sau:

Nội dung 1. Giới thiệu một tác phẩm truyện nổi tiếng đang được giới trẻ quan tâm tìm đọc.

Nội dung 2. Có những tác phẩm nghệ thuật nào từng để lại ấn tượng sâu sắc với bạn? Hãy nói về tác phẩm ấy.

Nội dung 3. Thảo luận về cách thực hành "lối sống xanh”.


Nội dung 1: 

Cuốn sách nào xuất hiện ở nhà cũng cần một lý do, hợp lý cũng được, ngốc nghếch cũng được. Tôi sẽ không phủ nhận sự thực rằng chọn Chinatown đầu tiên vì nơi chị/cô Thuận từng học là giấc mơ, là điều luôn quyến rũ mình: Paris, La Sorbonne, và nước Pháp. Thứ đến, đó là sự mê đắm nằm trong tiếng gọi Hà Nội cùng những xung đột, mâu thuẫn, trớ trêu đan xen nơi nhân vật được đặt vào

Đọc Chinatown của Thuận, tôi nghĩ đến Sơn Táp. Không phải phong cách văn chương của hai nữ tác giả ấy giống nhau mà bởi khi nghĩ đến một thứ văn gì đó thật lạ, thật khác với những gì thường hay đọc, nhất định tôi sẽ nhớ đến hai người phụ nữ này đầu tiên.

Chinatown là dòng chảy mênh mông của kí ức cuộc đời hết người này đến người nọ nối tiếp nhau, chồng chéo lên nhau.

Chinatown là quá khứ, là thực tại được dồn trong hai tiếng đồng hồ khi métro phải dừng lại dở chừng vì sợ khủng bố. Hai tiếng không dài. Đời người cũng không dài. Nhưng Chinatown thì dài, dài thực sự.

Chinatown là suy tư, tưởng niệm, đau đáu từ Việt Nam đến Yên Khê, qua Leningrad rồi dừng bước tại Paris trong thoáng chốc để rồi lại cuồn cuộn theo lộ trình của riêng nó, tuần hoàn, tuần tự.

Chinatown không có tách đoạn, không có chương hồi và cũng chẳng biết nên xếp vào thể loại nào, chủ đề là gì.

Chinatown là điệp trùng những câu văn ngắn nhiều khi không chủ ngữ, chẳng vị ngữ. Điềm điệp thế nhưng lại khiến người ta háo hức, người ta tò mò, người ta không hụt hơi hay băn khoăn đâu là chương cuối, đâu là điểm kết.

Con người thường có thói tọc mạch dù cho đối tượng đối diện mình chẳng phải ngôi sao hay vĩ nhân tầm cỡ thế giới. Khuất khúc một chút, gập gềnh một chút, éo le một chút, ngang trái một chút trong sự hờ hững kể nhưng không vạch hết áo cho người xem lưng… Ngần ấy điều trong Chinatown làm người ta nóng lòng muốn bới móc đào sâu, muốn hóng cho tường tận để mà chẹp miệng, để mà bình luận. Số phận của “tôi” trong Chinatown vừa nghiêm túc nhưng cũng vừa như một trò đùa, vừa điển hình nhưng cũng rất đỗi phổ thông. Người ta không biết Thuận kể ra bao nhiêu điều là thật với chính nguyên liệu là cuộc sống riêng tư của cô. Người ta không biết liệu đây có phải hồi kí hay chỉ là một tác phẩm hư cấu thật khéo để ngỡ như mọi trải nghiệm đều là chân thực. Đó cũng đã là một cái tài khi sống trọn vẹn qua mắt nhìn của một kẻ khác-mình.

Nhân vật xuyên suốt trong truyện ngắn là “tôi” – một người mẹ đơn thân với tấm hộ chiếu CHXHCN Việt Nam, nuôi một đứa con trai trên đất Pháp, ở Belleville trung tâm quận 18 không ai muốn dính dáng. “Tôi” là một nghiên cứu sinh mãi không làm xong luận án tiến sĩ. Hay “tôi” là một người phụ nữ ba mươi chín tuổi với những biến cố của thời cuộc, của cuộc sống riêng tư nghĩ thôi cũng muốn bạc đầu? Hay “tôi” là nhà văn với cuốn truyện I’m yellow lồng ngay trong Chinatown? “Tôi” có lẽ là toàn bộ những vai diễn ấy, mặt nạ ấy những đồng thời cũng không là gì trừ việc tồn tại như một chứng tích về chính cuộc đời biến ảo của mình.

Điệp đi điệp lại trong tác phẩm là những câu văn mang những nội dung, hình thức giống hệt nhau như một sự tự ám thị của bản thân “tôi” để khỏi quên những mạch suy nghĩ khi liên tục, khi rải rác miên man hết việc này sang việc khác, hết người này sang người khác. Hiện ra xung quanh “tôi” là vô vàn những khuôn mặt người mà số phận , hoàn cảnh của họ giống nhau đến mức làm người ta nhệch môi cười khổ sở. Sự tương đồng ấy giữa người với người tạo ra một nhịp điệu chung cộng hưởng với nhau, làm cuộc đời từ đa dạng, đa sắc, đa hình trở nên khuôn hẹp trong sự đơn điệu, trớ trêu và không lời giải đáp.

Yên Khê – quê hương của Âu Phương Thụy, anh kĩ sư người Việt gốc Hoa, chồng của “tôi”, cha của thằng Vĩnh – là bí ẩn đầu tiên. Chinatown hay Chợ Lớn là bí ẩn cuối cùng. Bí ẩn không bật mí. Bí ẩn không lời đáp. Tôi vẫn tin cuộc đời có những điều không cần, không nên cố ép để truy tầm ra đáp án cuối cùng. Chinatown cũng thế, I’m yellow cũng vậy, tất cả chỉ là sự trải lòng của cảm xúc lúc lặp đi lặp lại nhàm chán, tự kỉ; lúc lại trào vọt lên bởi xúc động, kích động; lúc lại rơi xuống đáy sâu của sự mỉa mai hay tự mỉa mai, đau thương hay tự đau thương không nước mắt mà cô lại thành đau đáu, thắc thỏm. Có thể đúng như “tôi” đã nói: Đến chết “tôi” mới hiểu được Thụy, mới tìm ra đáp án của những ám ảnh suốt cuộc đời mình.

Chinatown có đau khổ nhưng không bi lụy. Có chia tay, có gặp gỡ để rồi lại hứa hẹn chia ly hay mãi mãi chỉ là kẻ quan biết đơn sơ. Có trào phúng, châm chích nhưng không phải để trào phúng hay châm chích, hay vạch trần, tố cáo điều gì. Trong mạch văn căng đầy những suy tư, xúc động ẩn sau vẻ dửng dưng, xa vắng của một người đàn bà từng trải, chỉ cần một chút gợi nhắc, tình cảm sẽ vỡ òa ra không cách nào cản lại cho đến khi nó tự lắng mình trong một mạch suy tư khác, để rồi lại đợi chờ cơ hội cuộn lên.

Chinatown là câu chuyện của một người đàn bà.

I’m yellow lại là câu chuyện của một người đàn ông với những nguyên liệu lấy ra từ chính cuộc đời của người đàn bà kia. Hình như, đó cũng chính là sự tự lý giải của “tôi” cho sự biến mất của Thụy trong cuộc đời mình. Bằn bặt không tin tức như thể chưa từng bắt đầu để mà kết thúc, như thể xưa nay chỉ mình tôi “yêu” Thụy, điên cuồng vì Thụy trong vô vọng.

Chinatown bắt đầu từ chuyện tình yêu thuở học trò của “tôi” và cậu học sinh Âu Dương Thụy bị mọi cấp lãnh đạo canh chừng vì sợ là gián điệp của Bắc Kinh. Mở ra từ đó là muôn nghìn những dao động khác nhau từ một cuộc gặp gỡ tình cờ với anh chàng người Pháp lắm mồm nhưng tử tế, những người Tàu mở miệng là Mao Trạch Đông rồi Đặng Tiểu Bình, là bộ mặt của Hà Nội, của Paris trong những thời điểm đặc biệt. Chinatown có những lúc cuồng dại, bướng bỉnh, cố chấp và ích kỷ của “tôi” trong tình yêu với Thụy. Tình yêu ấy làm “tôi” chống lại bố mẹ, chống lại chính những thành kiến, những giả dối, hời hợt bao trọn lấy mình gần 30 năm. Tình yêu ấy làm “tôi” bốc đồng nói rằng mình cũng không phải người Việt; hả hê trong tâm tưởng khi biết đâu một ngày nào đấy, bố mẹ bài Hoa từ A đến Z của mình sẽ nhận một cú vả khi biết tổ tiên 6, 7 đời trước cũng là người Hoa. Tình yêu ấy làm “tôi” dường như hạnh phúc khi được ai đó gọi là Madame Âu. Và cũng chính tình yêu ấy làm “tôi” chán ngán những câu hỏi của những người Hà Nội về Thụy nhưng lại bồn chồn khi chẳng ai hỏi về anh ở Paris. Nhưng đa phần, Chinatown là những suy tư thẳm sâu nhưng không mở hết, chỉ gợi cho người ta tự ngẫm về đời, về người.

Tôi hiểu Chinatown nhưng chắc chắn không hiểu đủ sâu, đủ kĩ vì tôi còn quá trẻ, trải đời chưa nhiều. Đó là cuộc hành trình để nhìn qua thế giới cảm xúc của một người phụ nữ lang bạt hết từ bầu trời này đến bầu trời khác nhưng ở đâu cũng chờ đợi, ở đâu cũng cô đơn, ở đâu cũng lạc lõng. Nhưng tôi nghĩ mình thích nó vì nó gieo vào lòng tôi những cảm xúc thật tự nhiên theo lời tự thuật của nhân vật chính.

Tôi thích nó bởi Chinatown của Thuận làm được điều mà lâu nay tôi chờ đợi: Liệu có ai đó kể cho tôi nghe về Hà Nội, về một thời đại đã qua nhưng không quá xa, vẫn còn rơi rớt đủ nhiều trên những năm 90 của thế kỉ trước rồi trở thành kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ chúng tôi? Hà Nội bao cấp, Hà Nội với Liên Xô, Hà Nội với những năm chống giặc Tàu trên biến giới. Hà Nội mở cửa, Hà Nội 1986, Hà Nội Đổi Mới. Hà Nội trong thế giới của Thuận không đẹp mà cũng chẳng thơ. Đó là mảnh đất với con sông Hồng không đủ rộng, nước không đủ sâu. Đó là mảnh đất với óc lợn hấp nồi cơm, chè đậu đen nấu bằng kẹo mậu dịch… để đổi lấy điểm mười rồi tấm bằng đỏ chót. Đó là nơi nặng nề thành kiến, sĩ diện, tráo trở và ngờ vực. Đó là nơi với những bản hợp đồng trách nhiệm hư danh. Chính là như thế nên tôi thích Chinatown bởi phải sống thật, nghĩ thật và dốc lòng thật mới có thể có những dòng chữ cay đắng đến thế.

Nội dung 2: 

Có những tác phẩm đọc xong rồi đi vào quên lãng, nhưng có những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc tựa như một dòng nước chảy qua bồi lên lớp phù sa màu mỡ. Truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân là một tác phẩm như vậy. Đặc biệt, tác phẩm là một minh chứng rõ ràng nhất cho nhận định: “Một tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc chính là nhờ xây dựng thành công tình huống truyện và miêu tả nội tâm nhân vật”.

Vậy tình huống truyện là gì? Một tác phẩm tự sự hay, không thể thiếu tình huống truyện. Tình huống là các sự việc, hoàn cảnh diễn ra sự việc được tác giả đặt nhân vật vào đó để bộc lộ đặc điểm, tính cách, phẩm chất của mình. Và dĩ nhiên, việc miêu tả nội tâm nhân vật chính là khắc hoạ những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của nhân vật để qua đó người đọc có một cái nhìn rõ hơn vể nhân vật cũng như tác phẩm. Làng của Kim Lân là một truyện ngắn hay, thành công trong xây dựng tình huống truyện và miêu tả nội tâm nhân vật. Tác phẩm xoay quanh một sự việc là tin đồn làng Chợ Dầu theo giặc cùng những phản ứng của ông Hai trước, trong và sau sự việc đó. Chính vì thế, tình huống trong tác phẩm cũng chia làm ba giai đoạn: trước khi ông Hai nghe tin; khi ông Hai nghe tin làng mình theo giặc và sau khi nghe tin làng được cải chính. Trong mỗi tình huống, nhân vật ông Hai bộc lộ những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình thông qua việc xử lí các tình huống.

Trước khi nghe tin, ông Hai là một người nông dân với những suy nghĩ khá hồn nhiên và tính cách khá đặc biệt. Ông yêu làng nên đi đâu cũng khoe về cái làng của mình, ông tự hào và yêu tất cả mọi thứ của làng Chợ Dầu nên khi phải rời làng đi tản cư, ông Hai vẫn còn rất quyến luyến cái nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Khi rời xa làng, ông vẫn luôn theo dõi tin tức kháng chiến và hỏi thăm tình hình những người ở nơi khác đến. Đặc biệt, với tình huống thứ hai sau khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc, nhân vật ông Hai bộc lộ sâu sắc tình cảm của mình. Từng hành động, cử chỉ, lời nói của ông trong mỗi hoàn cảnh, thời gian, địa điểm là một sự tủi hổ, nhục nhã, xót xa, đau đớn, dằn vặt và cuối cùng đi đến quyết định vô cùng khó khăn “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Một người đã từng yêu làng hơn bất cứ thứ gì, đã từng tự hào về làng mà bây giờ lại phải thất vọng, đau khổ để quyết định “thù” làng. Tình huống này đã khiến người đọc cảm nhận sâu sắc tính cách, thái độ của nhân vật ông Hai. Nhưng Kim Lân không chỉ dừng lại đó mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ hơn khi tạo ra tình huống thứ ba là ông Hai nghe được tin cải chính. Một niềm vui bất ngờ, ông Hai như một con người đang chết mòn chết mỏi bây giờ được hồi sinh lại. Ông mua quà cho con và lại theo thói quen sang nhà bác Thứ để khoe tin mừng. Con người ấy vẫn mộc mạc, chân thực, đáng yêu và đáng quý biết bao. Tình huống đã khẳng định một điều trong con người ông Hai, tình yêu làng của ông Hai đã hoà quyện, thống nhất với tình yêu nước, tình yêu kháng chiến, yêu Cụ Hồ. Có thể nói, ở mỗi tình huống, nhân vật ông Hai đều bộc lộ những phẩm chất cao đẹp, “rất người” của mình. Điều đó cũng khẳng định thành công trong việc xây dựng tình huống truyện của nhà văn Kim Lân.

Phải chăng, người đọc không chỉ thấy hấp dẫn với tác phẩm bởi tình huống truyện trong Làng mà còn thực sự thấy ấn tượng, yêu quý và hiểu rõ nhân vật hơn qua việc miêu tả nội tâm nhân vật của Kim Lân.

Thật vậy, Kim Lân đã miêu tả rất sâu sắc và cụ thể tâm trạng của nhân vật ông Hai qua mỗi tình huống. Trước khi nghe tin làng mình theo Tây, ông Hai yêu làng Chợ Dầu của ông hơn bất cứ thứ gì. Ông tự hào về tất cả những gì của làng. Những điều đó khiến cho nhân vật ông Hai hiện lên với những suy nghĩ khá hồn nhiên và tính cách cũng đặc biệt. Ông hay khoe làng: “Ông có thể ngồi nói cả buổi về cái làng Chợ Dầu mà không biết người nghe thế nào, chỉ nói cho sướng cái miệng”. Cho nên khi nhận lệnh phải đi tản cư, ông Hai nửa muốn đi vì kháng chiến, nửa muốn ở lại vì tình cảm quyến luyến, yêu làng, không muốn rời xa làng, nhưng cuối cùng ông cũng phải đi. Ở nơi tản cư, ông vẫn luôn theo dõi tin tức kháng chiến, tình yêu làng của ông thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi dù ở làng hay đã rời xa làng. Song, tình yêu làng, yêu nước của ông Hai mới thực sự được bộc lộ rõ khi nghe tin làng mình theo Tây. Một sự thất vọng tột độ, cái làng ông vốn rất tự hào, yêu hơn chính bản thân mình thì giờ đây lại theo Tây. Ông thấy mình như người có tội, bỗng chốc những cảm xúc tủi hổ, nhục nhã, dằn vặt, đau đớn ùa về trong ông. Những ngày sau ông không dám ra đường bởi ông sỢ, lo lắng và cảm thấy chẳng còn mặt mủi để nhìn ai. Một quyết định đau đớn mà ông Hai phải dằn lòng đưa ra: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”, ông đã đặt tình yêu nước lên trên tình yêu làng, hi sinh cá nhân vì dân tộc. Nhưng ông vẫn muốn một lần nữa khẳng định sự trung thành với Đảng, với cách mạng của mình qua cuộc trò chuyện với đứa con thơ. Ông Hai đã thực sự có những suy nghĩ đúng đắn. Sau khi nghe tin làng cải chính, ông Hai lại được yêu làng, tự hào về làng đúng với tình yêu trong trái tim ông. Vì thế; ông tìm lại được bản tính hồn nhiên, mộc mạc của mình. Tình yêu làng của ông giờ đã hoà quyện, thống nhất với tình yêu nước, tình yêu kháng chiến.

Với thành công trong việc xây dựng tình huống truyện và miêu tả nội tâm nhân vật của ngòi bút Kim Lân, nhân vật ông Hai hiện lên với những phẩm chất cao đẹp, với tình yêu làng mộc mạc, giản dị mà sâu nặng. Hoà quyện với tình yêu đất nước, vẻ đẹp tâm hồn của ông Hai tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam có ý thức giác ngộ cao, tha thiết yêu quê hương, Tổ quốc. Nói cách khác, quê hương – Tổ quốc đối với mỗi người Việt Nam chúng ta luôn gắn bó trong niềm tự hào nồng thắm. Mở rộng và thống nhất tình yêu quê hương trong tình yêu đất nước là nét mới trong nhận thức và tình cảm của quần chúng cách mạng mà văn học thời kháng chiến chống Pháp đã chú trọng làm nổi bật. Truyện ngắn Làng của Kim Lân là một trong những thành công đáng quý ấy.

Tác phẩm Làng của nhà văn Kim Lân với những nét riêng, đặc sắc, đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Đặc biệt, với những thành công trong xây dựng tình huống truyện và miêu tả nội tâm nhân vật, Kim Lân đã đưa nhân vật ông Hai trở thành người nông dân điển hình sống mãi trong lòng người đọc.

Nội dung 3: 

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hàng ngàn người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm. Với sự gia tăng đáng kể của các phương tiện giao thông và quá trình sản xuất gây ra hiện tượng ô nhiễm không khí, từ năm 2019 đến nay, tình trạng ô nhiễm khí xảy ra khá thường xuyên tại các thành phố lớn của nước ta.

Chất thải nhựa cũng trở thành một thách thức lớn với cộng đồng và xã hội. Việc tăng trưởng kinh tế và thay đổi hình thức tiêu thụ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng chất thải nhựa khiến ô nhiễm nhựa trở thành một vấn đề môi trường mang tính chất toàn cầu. Với đặc tính khó phân hủy trong tự nhiên, rác thải nhựa cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.

Hiện nay, cuộc sống đang phát triển ngày càng hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, đối lập với nó là tình trạng ô nhiễm môi trường lại có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết đã trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội. Muốn giải quyết thành công bài toán ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, trước hết cần bắt đầu bằng việc giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường cho mỗi người dân, cộng đồng ngay từ những lứa tuổi, cấp học nhỏ nhất

 


Giải những bài tập khác

Bình luận

Giải bài tập những môn khác