Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Ngữ văn 8 cánh diều bài 5: Chiếu dời đô

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Hãy tìm hiểu kết cấu bài “Chiếu dời đô”. Phân tích tính chất chặt chẽ và tác dụng của kết cấu đó.

Câu 2: Chiếu là lời ban bố mệnh lệnh của vua chúa xuống thần dân. Thế nhưng kết thúc “Chiếu dời đô”, Lí Công Uẩn không ra mệnh lệnh mà đặt câu hỏi: "Các khanh nghĩ thế nào?". Theo em, cách kết thúc như vậy có tác dụng gì?

Câu 3: Vì sao nói “Chiếu dời đô” phản ánh ý chí độc lập tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt?


Câu 1:

- Chiếu dời đô thuộc thể văn nghị luận, có kết cấu ba phần. Phần mở đầu nêu sử sách làm tiền đề. Phần hai soi sáng tiền đề vào thực tế hai triều đại Đinh, Lê. Phần kết luận khẳng định thành Đại La là nơi tốt nhất để định đô.

- Kết cấu của bài Chiếu dời đô cũng là trình tự lập luận của tác giả. Trình tự lập luận này rất chặt chẽ, có sức thuyết phục lớn.

+ Phần mở đầu tác giả nêu sử sách làm chỗ dựa cho lí lẽ: trong lịch sử đã từng có chuyện dời đô và đã từng đem lại kết quả tốt đẹp.

+ Phần hai, soi sử sách vào tình hình thực tế để chỉ rõ việc hai triều Đinh, Lê cứ đóng yên đô thành ở vùng rừng núi Hoa Lư là không theo mệnh trời (tức không phù hợp với quy luật khách quan). Hậu quả là triều đại ngắn ngủi, đất nước không phát triển, người dân khốn khổ trong một vùng đất chật chội.

+ Phần cuối rút ra kết luận: cần thiết phải dời đô và thành Đại La là nơi định đô tốt nhất, bởi vì đây là nơi có lợi thế về tất cả các mặt địa lí, chính trị, văn hoá,...

=> Kết cấu ba phần nói trên rất tiêu biểu cho kết cấu văn nghị luận nói chung, văn chính luận nói riêng.

Câu 2: 

- Cách kết thúc mang tính chất đối thoại, trao đổi đã tạo sự đồng cảm giữa vua với các quan và thần dân. Việc dời đô đâu chỉ là ý nguyện riêng của Lí Công Uẩn mà còn phù hợp với nguyện vọng chung của mọi người. Ở Chiếu dời đô, bên cạnh tính chất mệnh lệnh còn là tính chất tâm tình.

=> Vì vậy, Chiếu dời đô có sức mạnh thuyết phục người nghe bằng cả lí trí và tình cảm.

Câu 3: 

- Chiếu dời đô ra đời là sự phản ánh ý chí độc lập tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt. Bởi lẽ hai triều Đinh, Lê trước đó thế và lực chưa đủ mạnh nên còn phải dựa vào vùng núi rừng Hoa Lư hiểm trở. Việc nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra vùng đồng bằng đất rộng Thăng Long chứng tỏ thế và lực của dân tộc Đại Việt đã đủ mạnh để sánh ngang hàng với phương Bắc. Định đô ở nơi trung tâm đất nước là thực hiện nguyện vọng của nhân dân xây dựng một quốc gia thống nhất, hùng cường. Chọn mảnh đất là nơi “trung tâm trời đất” để có điều kiện mở mang kinh kì cho thấy khí phách của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh. Tầm vóc lớn của đất nước cần có tầm vóc lớn của một thủ đô tương xứng và ngược lại, tầm vóc lớn của thủ đô tạo đà cho đất nước phát triển.

- Kinh đô mới có tên là Thăng Long vừa phản ánh ý nguyện vươn lên vừa cho thấy khí thế rồng bay lên của một dân tộc độc lập, tự cường.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác