Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Địa lí 8 chân trời bài 6: Đặc điểm khí hậu

3. VẬN DỤNG (6 câu)

Câu 1: Chứng minh khí hậu nước ta có sự phân hoá đa dạng theo chiều Bắc -Nam.

Câu 2: Chứng minh khí hậu nước ta có sự phân hoá đa dạng theo chiều Đông - Tây.

Câu 3: Chứng minh khí hậu nước ta có sự phân hoá đa dạng theo độ cao.

Câu 4: Chứng minh rằng khí hậu nước ta có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa.

Câu 5: Phân tích ảnh hưởng của khí hậu đến địa hình nước ta.

Câu 6: Phân tích ảnh hưởng của khí hậu đến sông ngòi nước ta.


Câu 1: 

- Khí hậu nước ta phân hoá từ Bắc vào Nam:

+ Miền khí hậu phía Bắc (từ dãy Bạch Mã về phía bắc):khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa, nửa cuối mùa đông ẩm ướt; mùa hè nóng, ẩm và mưa nhiều.

+ Miền khí hậu phía Nam (từ dãy Bạch Mã trở vào nam):khí hậu cận xích đạo gió mùa, nhiệt độ quanh năm cao và hầu như không thay đổi trong năm, mùa mưa và mùa khô tương phản sâu sắc.

Câu 2:

- Khí hậu nước ta phân hóa theo chiều Đông - Tây:

+ Khí hậu có sự phân hóa giữa hai sườn của dãy Hoàng Liên Sơn; Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, tạo nên sự khác biệt về chế độ nhiệt và ẩm giữa hai sườn.

+ Vùng Biển Đông, khí hậu có tính chất gió mùa nhiệt đới hải dương.

Câu 3:

- Khí hậu nước ta phân hóa theo độ cao: ở những miền núi cao, khí hậu có sự phân hóa rõ rệt theo độ cao, điển hình nhất ở vùng núi Tây Bắc với 3 đai khí hậu là: nhiệt đới gió mùa; cận nhiệt đới gió mùa trên núi và ôn đới gió mùa trên núi.

+ Đai nhiệt đới gió mùa trên núi:(miền Bắc đến độ cao 600 - 700 m, miền Nam đến độ cao 900 - 1000 m); Mùa hạ nóng, nhiệt độ trung bình các tháng mùa hạ đều trên 25°C. Độ ẩm và lượng mưa thay đổi tuỳ nơi.

+ Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi: (từ độ cao 600 - 700m, hoặc 900 - 1000 m đến dưới 2 600 m); Khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình các tháng đều dưới 25°C, lượng mưa và độ ẩm tăng lên.

+ Đai ôn đới gió mùa trên núi: (từ độ cao 2600 m) quanh năm nhiệt độ dưới 15°C, mùa đông nhiệt độ dưới 5°C.

- Ngoài ra, khí hậu Việt Nam còn có sự phân hóa theo mùa:

+ Mùa hạ có sự hoạt động của rõ mùa Tây Nam.

+ Mùa đông có sự hoạt động của gió mùa Đông Bắc.

Câu 4: 

- Tính chất nhiệt đới thể hiện qua các yếu tố bức xạ:

+ Lượng bức xạ tổng cộng của nước ta lớn; cán cân bức xạ trên lãnh thổ luôn dương (từ 70 - 100 kcal/cm2/năm).

+ Nhiệt độ trung bình năm ở hầu hết mọi nơi trên cả nước đều trên 200C (trừ vùng núi cao) và tăng dần từ Bắc vào Nam.

+ Số giờ nắng nhiều, đạt từ 1400 - 3000 giờ/ năm.

- Tính chất ẩm thể hiện qua yếu tố lượng mưa và độ ẩm:

+ Lượng mưa trung bình năm lớn: từ 1500 - 2000 mm/năm. Ở những khu vực đón gió biển hoặc vùng núi cao, lượng mưa trong năm thường nhiều hơn, khoảng 3000 - 4000 mm/ năm.

+ Cân bằng ẩm luôn dương, độ ẩm không khí cao, trên 80%.

- Tính chất gió mùa:

+ Việt Nam nằm trong vùng nội chí tuyến bán cầu Bắc, nên có gió Tín Phong bán cầu Bắc hoạt động quanh năm.

+ Mặt khác, khí hậu Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các khối khí hoạt động theo mùa với hai mùa gió chính: gió mùa mùa đông và gió mùa mùa hạ.

Câu 5:

Ảnh hưởng của khí hậu đến địa hình là:

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa làm cho quá trình phong hóa đất đá diễn ra mạnh, tạo nên lớp vỏ phong hóa dày, vụn bở.

- Lượng mưa lớn tập trung theo mùa làm cho đất đai dễ bị xói mòn, quá trình xâm thực địa hình diễn ra mạnh; nước mưa hòa tan với đá vôi tạo nên dạng địa hình cácxtơ độc đáo với các hang động, suối cạn, thung khô.

Câu 6: 

Ảnh hưởng của khí hậu đến sông ngòi là:

- Lượng mưa lớn làm cho quá trình cắt xẻ địa hình diễn ra mạnh nên nước ta có nhiều sông ngòi, sông nhiều nước.

- Chế độ mưa theo mùa làm cho chế độ dòng chảy sông ngòi cũng diễn biến theo mùa, theo sát nhịp điệu mưa. Mùa lũ tương ứng với mùa mưa, mùa cạn tương ứng với mùa khô. Chế độ mưa thất thường làm cho chế độ dòng chảy sông ngòi cũng diễn biến thất thường.

- Mưa lớn tập trung theo mùa làm cho quá trình xâm thực diễn ra mạnh ở vùng đồi núi nên sông ngòi giàu phù sa.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác