Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng cao Địa lí 8 chân trời bài 6: Đặc điểm khí hậu

4. VẬN DỤNG CAO (4 câu)

Câu 1: Khí hậu nước ta có sự phân hóa đa dạng do đâu?

Câu 2: Chứng minh sự đa dạng và thất thường của khí hậu Việt Nam.

Câu 3: Tại sao trạm khí hậu Lạng Sơn có vai trò quan trọng, cần thiết đối với khí hậu nước ta.

Câu 4: So sánh trạm khí hậu Hà Nội với trạm khí hậu Đà Nẵng và rút ra những kết luận cần thiết.


Câu 1:           

- Ảnh hưởng của vị trí địa lí và lãnh thổ: làm cho khí hậu nước ta phân hóa theo chiều Bắc - Nam rõ rệt, khí hậu thất thường, thường xuyên đón bão nhiệt đới, các thiên tai khác (lũ lụt, sương giá...).

- Tác động của địa hình và hoàn lưu gió mùa:

+ Địa hình tạo nên sự phân hóa khí hậu theo độ cao.

+ Địa hình kết hợp với hướng gió làm cho khí hậu nước ta phân hóa Đông - Tây (Đông Bắc và Tây Bắc ranh giới là dãy Hoàng Liên Sơn; phân hóa giữa sườn Đông và sườn Tây Trường Sơn; mùa mưa-khô đối lập nhau giữa khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên và ven biển Trung Bộ....)

Câu 2: 

- Khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm của nước ta không thuần nhất trên toàn quốc, phân hóa mạnh mẽ theo không gian và thời gian, hình thành nên các miền và khu vực khí hậu khác nhau rõ rệt sau đây:

+ Miền khí hậu phía Bắc, từ dãy Bạch Mã (vĩ tuyến 16°B) trở ra, có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa và nửa cuối mùa đông rất ẩm ướt; mùa hè nóng và mưa nhiều.

+ Miền khí hậu phía Nam, từ dãy Bạch Mã trở vào, có khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ quanh năm cao, với một mùa mưa và một mùa khô tương phản sâu sắc.

+ Khu vực Đông Trường Sơn bao gồm phần lãnh thổ Trung Bộ phía đông dãy Trường Sơn, từ Hoành Sơn (vĩ tuyến 18°B) tới Mũi Dinh (vĩ tuyến 11°B) có mùa mưa lệch hẳn về thu đông.

+ Khí hậu Biển Đông Việt Nam mang tính chất gió mùa nhiệt đới hải dương.

- Sự đa dạng của địa hình, nhất là độ cao và hướng của các dãy núi lớn đã góp phần quan trọng hình thành nhiều vùng khí hậu, nhiều kiểu khí hậu khác nhau.

- Tính chất thất thường thể hiện rõ nhất trong chế độ nhiệt và chế độ mưa: năm rét sớm, năm rét muộn, năm mưa lớn, năm khô hạn, năm ít bão, năm nhiều bão,… do nhịp độ và cường độ gió mùa tạo ra. Gần đây có thêm các nhiễu loạn khí tượng toàn cầu: En Ninô, La Nina.

Câu 3: 

- Vị trí địa lí và độ cao: trạm Trạm Lạng Sơn nằm ở vĩ độ 21°50B, độ cao trên 200 m (cụ thể là 259 m).

- Lạng Sơn nằm ở vùng khí hậu Đông Bắc Bộ, thuộc miền khí hậu phía Bắc với đặc điểm:

+ Mùa đông lạnh, tương đối ít mưa (nửa cuối mùa đông ấm và ẩm hơn).

+ Mùa hạ nóng, mưa nhiều.

- Đặc điểm về chế độ nhiệt:

+ Nhiệt độ trung bình năm của Lạng Sơn khoảng 21°C, thấp hơn nhiều so với các địa điểm ở miền khí hậu phía Nam. Có 5 tháng nhiệt độ dưới 20°c (tháng 11, 12, 1,2, 3), trong đó có 3 tháng nhiệt độ dưới 15°c (tháng 12, 1, 2).

Do Lạng Sơn chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc.

Nhiệt độ Lạng Sơn còn chịu ảnh hưởng của độ cao địa hình (trong tầng đối lưu, cứ lên cao 100 m, nhiệt độ giảm 0,6°C). Ngoài ra, do Lạng Sơn nằm ở phía bắc, gần với chí tuyến hơn là gần Xích đạo.

+ Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất rơi vào tháng 7 (khoảng 27°C).

Do đây là thời kì Mặt Trời chuyển động biểu kiến ở gần chí tuyến Bắc nên Lạng Sơn nhận được lượng nhiệt lớn.

+ Nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất rơi vào tháng 1 (khoảng 14°C).

Do đây là thời kì Mặt Trời chuyển động biểu kiến ở bán cầu Nam nên lượng nhiệt nhận được giảm nhiều so với thời gian trước, nhưng nguyên nhân chính là do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.

+ Biên độ nhiệt trung bình năm khoảng 13°C, cao hơn nhiều so với các trạm khí hậu phía Nam.

Do Lạng Sơn chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc nên nhiệt độ giảm rõ rệt trong thời kì mùa đông. Ngoài ra, Lạng Sơn cũng nằm ở gần chí tuyến Bắc nên độ chênh lệch góc chiếu sáng và thời gian chiếu sáng trong năm lớn hơn so với nhiều địa điểm khác ở phía Nam nước ta.

- Đặc điểm chế độ mưa:

+ Tổng lượng mưa trung bình năm ở Lạng Sơn đạt khoảng 1400 mm, thấp hơn mức trung bình cả nước do nằm ở vị trí khuất gió, bị cánh cung Đông Triều và các địa hình cao hơn chắn gió mùa đông nam.

+ Chế độ mưa ở Lạng Sơn có sự phân mùa:

Mùa mưa:

Kéo dài 5 tháng từ tháng 5 đến tháng 9.

Tổng lượng mưa trong mùa mưa là khoảng trên 1050 mm (chiếm khoảng 75% lượng mưa cả năm). Tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 7 (khoảng 265 mm).

Giải thích: Do đây là thời kì hoạt động của gió mùa mùa hạ.

Mùa khô:

Diễn ra từ tháng 10 đến tháng 4.

Tổng lượng mưa trong mùa khô đạt khoảng 350 mm.

Giải thích: Do đây là thời kì chịu tác động của gió mùa Đông Bắc với tính chất lạnh, khô.

Câu 4: 

  1. a) Khái quát vị trí, vĩ độ và độ cao địa hình của hai trạm khí hậu

- Hà Nội thuộc miền tự nhiên Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ, vĩ độ khoảng 21°B, độ cao dưới 50 m.

- Đà Nẵng thuộc miền tự nhiên Nam Trung Bộ và Nam Bộ, vĩ độ khoảng 16°B, độ cao dưới 50 m.

  1. b) Giống nhau

* Đặc điểm chế độ nhiệt

- Cả hai trạm đều có nhiệt độ trung bình năm cao, trên 23oC do nằm hoàn toàn trong vùng nội chí tuyến nửa cầu Bắc, có góc nhập xạ lớn, trong năm có 2 lần Mặt Trời qua thiên đỉnh.

- Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất của cả hai trạm đều cao và rơi vào tháng 7; nhiệt độ trung bình thấp nhất của 2 trạm đều là tháng 1. Nguyên nhân là do trùng với chuyển động biểu kiến của Mặt Trời.

* Đặc điểm chế độ mưa

- Cả hai trạm đều có lượng mưa trung bình năm lớn, do tác động của gió mùa cùng với các yếu tố gây mưa khác như: dải hội tụ nội chí tuyến, bão,…

- Cả hai trạm đều có chế độ mưa phân theo mùa rõ rệt, do chịu tác động của hoàn lưu gió mùa.

  1. c) Khác nhau

* Về vùng khí hậu và miền khí hậu

- Hà Nội thuộc vùng khí hậu Trung và Nam Bắc Bộ (thuộc miền khí hậu phía Bắc) với đặc điểm là có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa, nửa cuối mùa đông rét, ẩm ướt; mùa hạ nóng, mưa nhiều.

- Đà Nẵng thuộc vùng khí hậu Nam Trung Bộ (thuộc miền khí hậu phía Nam) với đặc điểm là mùa đông ấm, mưa nhiều và mùa hạ nóng, ít mưa.

* Về chế độ nhiệt

- Nhìn chung thì nền nhiệt độ của Đà Nẵng cao hơn so với Hà Nội (thể hiện qua đường biểu diễn nhiệt độ của hai trạm, bản đồ nhiệt độ trung bình năm, nhiệt độ trung bình tháng 1). Nhiệt độ trung bình năm của Hà Nội khoảng trên 23oC, Đà Nẵng khoảng 29oC; nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất của Hà Nội khoảng 17oC. Đà Nẵng là 21oC; Hà Nội có ba tháng có nhiệt độ dưới 20oC, Đà Nẵng không có tháng nào có nhiệt độ dưới 20oC. Nguyên nhân là do Hà Nội nằm ở gần chí tuyến Bắc và chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc, còn Đà Nẵng nằm ở gần Xích đạo hơn và chịu ảnh hưởng yếu của gió mùa Đông Bắc (do có dãy núi Bạch Mã chắn gió).

- Biên độ nhiệt độ trong năm của Hà Nội cao hơn so với Đà Nẵng (biên độ nhiệt của Hà Nội khoảng 12oC, của Đà Nẵng khoảng trên 7oC. Nguyên nhân là do càng đi vào Nam thì chênh lệch về góc chiếu sáng, thời gian chiếu sáng cũng như ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc ngày càng giảm.

* Về đặc điểm chế độ mưa

- Tổng lượng mưa trung bình năm của Đà Nẵng cao hơn so với Hà Nội. Hà Nội có lượng mưa trung bình năm khoảng trên 1600 mm, Đà Nẵng có lượng mưa trung bình năm trên 2000 mm. Nguyên nhân là do Đà Nẵng nằm gần biển, đồng thời chịu tác động của nhiều yếu tố gây mưa như gió Đông Bắc, dải hội tụ nội chí tuyến, bão,…

- Mùa mưa:

+ Thời gian mùa mưa ở Hà Nội và Đà Nẵng có sự khác biệt nhau lớn. Hà Nội có chế độ mưa vào hạ - thu (từ tháng 5 đến tháng 10), Đà Nẵng có chế độ mưa vào thu - đông (từ tháng 9 đến tháng 12).

+ Lượng mưa tháng lớn nhất của Đà Nẵng cao hơn nhiều so với Hà Nội. Hà Nội có lượng mưa lớn nhất vào tháng 8 với khoảng 320 ram; Đà Nẵng có lượng mưa lớn nhất vào tháng 10 với khoảng 630 mm.

- Mùa khô: Hà Nội có mùa khô ngắn hơn và diễn ra trong mùa đông - xuân (tháng 11 đến tháng 4), Đà Nẵng có mùa khô kéo dài tới 8 tháng (từ tháng 1 đến tháng 8).

Giải thích:

+ Trong mùa hạ - thu, Hà Nội có mưa là do ảnh hưởng của gió mùa đông nam và dải hội tụ nội chí tuyến, còn Đà Nẵng vào mùa hạ ít mưa do ở vị trí khuất gió mùa Tây Nam.

+ về mùa đông, Hà Nội chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của gió mùa Đông Bắc với tính chất lạnh và khô nên có lượng mưa nhỏ. Trong mùa thu - đông, Đà Nẵng chịu tác động của gió mùa Đông Bắc thổi qua biển, cùng với sự ảnh hưởng của dải hội tụ nội chí tuyến, bão,… nên có lượng mưa lớn.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác