Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Địa lí 10 CD bài 27: Địa lí giao thông vận tải và bưu chính viễn thông
3. VẬN DỤNG (5 câu)
Câu 1: Để phát triển kinh tế, văn hoá miền núi, giao thông vận tải phải đi trước một bước. Giải thích tại sao?
Câu 2: Tại sao sự phát triển của giao thông vận tải tác động tới phân bố dân cư đô thị?
Câu 3: Giao thông vận tải và các ngành sản xuất công, nông nghiệp có mối quan hệ như thế nào?
Câu 4: Chứng minh rằng ngành giao thông vận tải bằng ô tô ngày càng phát triển mạnh mẽ?
Câu 5: Chứng minh rằng ngành viễn thông có sự phát triển nhanh chóng?
Câu 1:
- Giao thông vận tải ở miền núi được phát triển sẽ thúc đẩy sự giao lưu giữa các địa phương ở miền núi vốn có nhiều trở ngại do địa hình, giữa miền núi với đồng bằng, nhờ thế sẽ giúp phá được thế “cô lập”, “tự cấp tự túc” của nền kinh tế.
- Sẽ có điều kiện khai thác các tài nguyên thế mạnh to lớn của miền núi, hình thành được các nông, lâm trường, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp, đô thị, thúc đẩy sự thu hút dân cư từ đồng bằng lên miền núi.
- Như vậy, sẽ thúc đẩy sự phân công lao động theo lãnh thổ, hình thành cơ cấu kinh tế ở miền núi. Các hoạt động dịch vụ (kể cả văn hoá, giáo dục, y tế) cũng có điều kiện phát triển.
Câu 2:
- Sự phát triển của giao thông vận tải (mạng lưới, phương tiện, tốc độ, chi phí, tiện nghi...).
- Tác động: Dân cư phân bố ra xa hơn ở các vùng ngoại thành, do người dân không cần ở tập trung gần nơi làm việc hoặc gần trung tâm vẫn có thể đi về hàng ngày.
Câu 3:
- Giao thông vận tải tác động đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp:
+ Giao thông vận tải phục vụ, tạo điều kiện, hỗ trợ công nghiệp, nông nghiệp phát triển (cung ứng nguyên, nhiên liệu; vận chuyển máy móc, thiết bị đưa sản phẩm đến nơi tiêu thụ, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường,...).
+ Phân bố giao thông vận tải (đầu mối, tuyển đường) tác động đến phân bố sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
+ Giao thông vận tải là khách hàng của công nghiệp và nông nghiệp, đặt ra các nhu cầu cần đáp ứng về trang bị máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải,...
- Các ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp tác động đến giao thông vận tải:
+ Cung cấp sản phẩm, máy móc, thiết bị, phương tiện cho giao thông vận tải. Các ngành này càng
phát triển mạnh càng tác động mạnh mẽ, nâng cao năng lực, hiện đại hoá giao thông vận tải.
+Sự phân bố sản xuất công nghiệp, nông nghiệp kéo theo và mở rộng sự phân bố của giao thông vận tải.
+ Công nghiệp, nông nghiệp là khách hàng của giao thông vận tải, đòi hỏi giao thông vận tải phải phát triển để đáp ứng nhu cầu vận chuyển về mật độ, loại hình vận tải; hướng và cường độ vận tải...
Câu 4:
Giao thông vận tải bằng ô tô ngày càng phát triển mạnh:
- Vận tải bằng ô tô có nhiều ưu điểm nổi bật:
+ Tiện lợi, cơ động, thích nghi cao với các điều kiện địa hình.
+ Có hiệu quả kinh tế cao trên các cự li ngắn và trung bình
+ Phối hợp được sự hoạt động của các loại phương tiện vận tải khác như đường sắt, đường thủy, đường không,...
- Có nhiều cải tiến quan trọng về phương tiện vận tải, hệ thống đường, đặc biệt là việc chế tạo được các loại ô tô dùng ít nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường.
Câu 5:
- Mật độ điện thoại – một chỉ tiêu tiêu đặc trưng cho sự phát triển viễn thông tăng lên rất nhanh, tốc độ lớn hơn mức tăng trưởng kinh tế nói chung.
- Việt Nam hiện là nước có tốc độ phát triển điện thoại đứng thứ hai trên thế giới. Năm 2002 trung bình có 7,1 điện thoại cố định trên 100 dân.
- Toàn mạng lưới điện thoại đã được tự động hoá, tới tất cả các huyện và tới hơn 90% số xã trong cả nước. Đến giữa năm 2002 cả nước có hơn 5 triệu thuê bao điện thoại cố định, gần 1 triệu thuê bao điện thoại di động.
- Năng lực mạng viễn thông quốc tế và liên tỉnh được nâng lên vượt bậc. Các dịch vụ nhắn tin, điện thoại di động, điện thoại dùng thẻ, thư điện tử, truyền số liệu… không chỉ dừng ở các thành phố lớn như trước mà đã và đang phát triển đến hầu hết các tỉnh.
- Hơn 10 năm qua ngành viễn thông đã thành công trong việc đi thẳng vào hiện đại. Việt Nam có 6 trạm thông tin vệ tinh, 3 tuyến cáp quang biển quốc tế nối trực tiệp Việt Nam với hơn 30 nước, qua châu Á, Trung Cận Đông, đến Tây Âu. Tuyến cáp quang Bắc – Nam nối tất cả các tỉnh thành.
- Nước ta hoà mạng Internet vào cuối năm 1997. Mạng Internet quốc gia là kết cấu hạ tầng tối quan trọng để phát triển và hội nhập. Trên cơ sở phát triển Internet và hàng loạt các dịch vụ khác đã được phát triển như phát hành báo điện tử, các trang WEB của của các cơ quan, các tổ chức kinh tế, các trường học… Đang hình thành mạng giáo dục và có thể tiến hành dạy học trên mạng, giao dịch buôn bán trên mạng.
Bình luận