Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Địa lí 10 CD bài 26: Vai trò, đặc điểm, cơ cấu, các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố dịch vụ

3. VẬN DỤNG (5 câu)

Câu 1: Sự phân bố các ngành dịch vụ ảnh hưởng rất lớn đến phân bố các ngành kinh tế. Giải thích tại sao? 

Câu 2: Sự phát triển của các ngành dịch vụ là động lực của sự tăng trưởng kinh tế. Giải thích tại sao? 

Câu 3: Sự phát triển kinh tế tác động tới sự tăng trưởng nhanh của khu vực dịch vụ như thế nào? 

Câu 4: Đô thị hóa có tác động như thế nào tới phát triển ngành dịch vụ? 

Câu 5: Tại sao trên thế giới ngành dịch vụ ngày càng phát triển mạnh mẽ? 


Câu 1:

Sự phân bố các ngành dịch vụ có ảnh hưởng rất lớn đến phân bố các ngành kinh tế:

+ Loại hình dịch vụ có ảnh hưởng đến phân bố kinh tế chủ yếu là dịch vụ sản xuất, trong đó chủ yếu là giao thông vận tải, thông tin liên lạc.

+Các ngành giao thông vận tải, thông tin liên lạc (nhất là viễn thông) tác động mạnh mẽ đến phân bố sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ khác.

+Các đầu mối giao thông vận tải có sức hút đặc biệt đối với sự phân bố các khu công nghiệp mới.

+ Các điều kiện dịch vụ được thuận lợi, thông thoáng là những yếu tố quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư.

Câu 2: 

Sự phát triển của các ngành dịch vụ là động lực của sự tăng trưởng kinh tế, vì

- Các ngành thương mại, giao thông vận tải tham gia vào việc cung ứng nguyên vật liệu, bán thành phẩm. và vào việc phân phối, tiêu thụ sản phẩm, như vậy là tác động cả ở đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất.

- Các dịch vụ về tài chính có ý nghĩa càng lớn khi quy mô sản xuất ngày càng mở rộng và vốn, bất động sản là nguồn lực của các doanh nghiệp.

- Trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật hiện đại, khoa học trở thành lực lượng sản xuất - trực tiếp, thì các dịch vụ nghề nghiệp có vai trò quan trọng tạo ra năng suất lao động cao trong các ngành công nghệ cao.

- Sự phát triển mạnh mẽ của giao thông vận tải và thông tin liên lạc (nhất là viễn thông) tạo ra cơ sở hạ tầng mới cho việc quản lí xã hội, quản lí nền kinh tế, làm thay đổi quan niệm của con người về không gian, về khoảng cách, làm tăng thêm vai trò của yếu tố thời gian.

- Trên thực tế, ba trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kì, EU và Nhật Bản đều là các nền kinh tế với công nghiệp chế tạo có công nghệ cao và dịch vụ rất phát triển.

Câu 3: 

Tác động của sự phát triển kinh tế tới sự tăng trưởng nhanh của khu vực dịch vụ:

- Sự phát triển của các ngành sản xuất vật chất làm nảy sinh các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất.

- Kinh tế phát triển, mức sống của nhân dân sẽ tăng, quyết định sức mua, nhu cầu dịch vụ.

- Sự phát triển kinh tế sẽ nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự chuyển dịch lao động từ khu vực sản xuất

vật chất sang khu vực dịch vụ.

- Việc mở rộng sự phân bố sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ kéo theo sự phân bố rộng rãi và chuyển dịch phân bố dịch vụ.

Câu 4: 

Sự phát triển của đô thị hóa tác động mạnh mẽ đến phát triển dịch vụ sản xuất, dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ công.

- Các thành phố thường là các trung tâm công nghiệp, vì vậy, các loại dịch vụ kinh doanh (dịch vụ sản xuất) phát triển một cách tương xứng.

- Dân cư thành thị nói chung có mức sống cao, có “lối sống thành thị”. Vì vậy, nhu cầu dịch vụ hết sức

đa dạng, hoạt động dịch vụ cực kì phức tạp.

- Môi trường của các thành phố là môi trường nhân tạo, phần lớn nhu cầu của dân cư được đáp ứng nhờ các nguồn cung cấp từ bên ngoài vào (lương thực, thực phẩm, năng lượng, nước sinh hoạt,...).

- Nhiều thành phố là trung tâm hành chính, văn hoá, xã hội, một số thành phố, thị xã còn là trung tâm chính trị của cả nước, của địa phương; vì vậy, các dịch vụ công (hành chính, văn hóa, giáo dục,...) cũng được tập trung ở đây.

Câu 5: 

Ngành dịch vụ ngày càng phát triển mạnh mẽ:

- Kinh tế thế giới ngày càng phát triển; trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các nước ngày càng cao, đẩy nhanh sự phát triển các ngành dịch vụ sản xuất, tiêu dùng,...

- Quy mô dân số thế giới nói chung và các nước nói riêng ngày càng lớn, chất lượng cuộc sống người dân ở nhiều nước được nâng cao tác động mạnh đến dịch vụ tiêu dùng.

- Quá trình đô thị hoá được đẩy mạnh tác động đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ công ở các đô thị.

- Toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng, mở rộng thị trường tạo cơ hội phát triển các doanh nghiệp dịch vụ, mở cửa cho thương mại và đầu tư dịch vụ. Liên kết và hợp tác quốc tế phát triển đẩy mạnh nhanh chóng dịch vụ và thương mại quốc tế, hợp tác giữa các nước trong phát triển dịch vụ.

- Khoa học kĩ thuật và công nghệ phát triển mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi phương thức sản xuất nhiều loại hình dịch vụ, phát triển dịch vụ có hàm lượng chất xám cao.

- Chính sách của các quốc gia phát triển tự do các hình thức dịch vụ và đa dạng hoá hoạt động dịch vụ.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác