Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng cao Lịch sử 8 chân trời bài 5: Quá trình khai phá vùng đất phía Nam từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVIII
VẬN DỤNG CAO (2 câu)
Câu 1:Giới thiệu về Lễ Khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn. Theo em, việc duy trì tổ chức Lễ khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn ngày nay có ý nghĩa gì?
Câu 2: Những chuyến đi ra đảo của đội Hoàng Sa thường gặp rủi ro, nguy hiểm. Cho đến nay, người dân Lý Sơn vẫn còn lưu truyền những câu ca dao:
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Hoàng Sa mây nước bốn bề
Tháng hai/ba Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Em hiểu điều gì qua những câu ca dao này?
Câu 1:
- Lễ Khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn là một lễ hội độc đáo với truyền thống uống nước nhớ nguồn nhằm ghi nhớ công ơn người xưa hay nhóm An Vĩnh thuộc hải đội Hoàng Sa đã ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận mà không trở về.
- Theo các lão ngư Lý Sơn, tương truyền, ngày xưa trong điều kiện phương tiện tàu thuyền đi lại thô sơ và luôn phải đối mặt với hiểm nguy trên biển, mỗi người lính trong đội thủy binh ra trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa phải chuẩn bị cho mình một đôi chiếu, 7 nẹp tre và 7 sợi dây mây, 7 thẻ tre ghi đầy đủ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu để nếu không may xấu số bỏ mạng trên biển thì sẽ dùng để bó xác và thả xuống biển, hy vọng may mắn trôi về bản quán.
- Từ thực tiễn “một đi không trở lại” của nhiều lớp người đi trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa, đã hình thành một nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn - khao lề thế lính Hoàng Sa. Cứ hàng năm, vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, các họ tộc ở Lý Sơn có người đi lính Hoàng Sa làm lễ khao lề thế lính. Khao lề là lệ khao định kỳ hàng năm, thế lính mang đậm yếu tố tâm linh là cúng thế cho người sống để cầu mong người đi được bình an trở về quê hương, bản quán.
- Việc duy trì tổ chức Lễ Khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn ngày nay không những thể hiện sự tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, mà còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước.
Câu 2:
4 câu ca dao cho thấy những rủi ro, nguy hiểm trong những chuyến ra đảo của đội Hoàng Sa. Những câu ca được lưu truyền ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho thấy những câu chuyện về đội Hoàng Sa năm xưa còn ăn sâu trong tâm thức người dân ở đây. Đặc biệt, câu ca dao còn nhắc đến Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thể hiện tấm lòng tri ân của các thế hệ sau này với các bậc tiền nhân đã có công bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia.
Bình luận