Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng cao Lịch sử 8 cánh diều bài 16: Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX.

  1. VẬN DỤNG CAO (5 câu)

Câu 1: Có ý kiến cho rằng “Triều đình nhà Nguyễn phải chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc mất nước”. Em có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?

Câu 2: Giới thiệu về một nhân vật lịch sử tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam (1858 – 1884) theo các gợi ý sau:

- Đóng góp/vai trò của nhân vật trong cuộc kháng chiến.

- Địa danh, công trình hiện nay liên quan đến nhân vật mà em biết.

- Bài học mà em học được từ nhân vật.

Câu 3: Từ phong trào Cần vương và khởi nghĩa Yên Thế, em rút ra được bài học gì cho công cuộc đấu tranh giành độc lập sau đó, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay?

Câu 4: Kể tên một số địa danh, đường phố,… mang tên người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế mà em biết.

Câu 5: Kể tên một số con đường, trường học, di tích lịch sử,…gắn với tên tuổi các nhà lãnh đạo phong trào chống Pháp trong những năm 1885 – 1896.


Câu 1: 

- Đồng ý với ý kiến.

- Giải thích: Ngay từ khi bắt đầu xâm lược Việt Nam (1858), khả năng đánh bại Pháp dưới sự lãnh đạo của triều đình không phải là không có, mà do chính sách sai lầm của triều đình đã làm cho các khả năng đề kháng và chiến thắng của quân ta ngày càng hao mòn, khiến địch ngày càng lấn lướt, từng bước thôn tính nước ta. Đến khi thất bại trước cuộc vũ trang xâm lược của thực dân Pháp thì triều Nguyễn lại đổ lỗi cho khách quan và lấy việc ký hiệp ước làm lối thoát duy nhất. Trách nhiệm của triều Nguyễn trong việc làm mất nước ta vào tay thực dân Pháp là điều không thể chối cãi được.

Câu 2: 

Nhân vật lịch sử tiêu biểu: Trương Định.

- Đóng góp trong cuộc kháng chiến:

+ Năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ nhất, Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định-Định Tường.

+ Ngày 16 tháng 12 năm 1862, Trương Định đã ra lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở cả ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đẩy Pháp vào tình thế lúng túng, bị động. Về sau, do có chỉ điểm và bị đánh úp, Trương Định đã rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết.

- Địa danh, công trình hiện nay liên quan đến nhân vật: Tượng đài Trương Định ở trung tâm thị xã Gò Công.

- Bài học từ nhân vật: Lòng yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm, thà chết chứ không chịu khuất phục quân địch.

Câu 3:

Bài học rút ra sau sự thất bại của phong trào Cần Vương:

- Cần hội tụ và tập hợp được nhân dân thành một khối thống nhất, có phương hướng hoạt động cũng như đường lối chiến lược rõ ràng, phù hợp.

- Lấy được sự tin tưởng từ nhân dân, lấy dân làm gốc.

- Tạo dựng được sự đoàn kết, chung sức của nhân dân, không phân biệt vùng miền, tôn giáo.

- Khơi dậy trong quần chúng ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm.

Câu 4: 

- Ở Việt Nam rất nhiều thành phố như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang,…. có đường phố mang tên Hoàng Hoa Thám.

- Tên đường phố Đề Thám cũng được đặt ở rất nhiều nơi như Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Thái Bình, Thành phố Cần Thơ, Thành phố Cà Mau và một số địa danh khác.

- Đặc biệt, trường THPT Hoàng Hoa Thám ở Đà Nẵng là trường có bề dày truyền thống trong việc đào tạo học sinh khá giỏi của 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Câu 5: 

Một số con đường, trường học, di tích lịch sử,…gắn với tên tuổi các nhà lãnh đạo phong trào chống Pháp trong những năm 1885 – 1896:

- Tên phố: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Tôn Thất Thuyết (Hà Nội),…

- Tên trường học: THPT Phan Đình Phùng, THPT Hoàng Hoa Thám (Hà Nội),…

- Di tích lịch sử: Di tích Nhà thờ và Lăng mộ Đề đốc Lê Trực, di tích Lăng mộ danh tướng Cần Vương Lê Mô Khởi,…


Bình luận

Giải bài tập những môn khác