Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Ngữ văn 8 chân trời bài 2: Thực hành tiếng Việt

II. THÔNG HIỂU (05 CÂU)

Câu 1: Tìm câu chủ đề trong đoạn văn sau, từ đó xác định kiểu đoạn văn.

          Ta thường nghe: Kỉ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay chết theo nạn của vua; Kính Đức, một chàng trai tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa, các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được!

Câu 2: Xác định kiểu đoạn văn của đoạn văn sau đây. Phân tích tác dụng của cách thức tổ chức đó.

          Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc, yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ,… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

Câu 3: Đoạn văn sau được tổ chức theo kiểu nào? Chủ đề của đoạn văn là gì? Dựa vào đâu em nhận biết được điều đó?

          Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hòa tấu, bởi bốn nhạc khúc lưu thủy, kim tiền, xuân phong, long hổ du dương trầm bổng, rét rắt mở đầu đêm ca Huế. Nhạc công dùng các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi. Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người.

Câu 4: Sắp xếp các câu sau đây thành đoạn văn diễn dịch.

(1) Một cô Tấm (trong truyện Tấm Cám) bao lần bị hại, cuối cùng vẫn được làm hoàng hậu, nhưng mụ dì ghẻ và Cám – những kẻ lắm mưu mô tàn ác thì bị trừng phạt đích đáng.

(2) Một Thạch Sanh (truyện Thạch Sanh) chất phác, thật bụng tin người, dẫu trải qua bao khổ nạn, oan khuất rồi đến lúc cũng cưới được công chúa và lên ngôi, còn Lý Thông lừa lọc, xảo trá thì trời đất không dung tha.

(3) Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo là ước mơ công bằng được nhân dân gửi gắm vào truyện cổ tích.

(4) Một người em (truyện Cây khế) thật thà, hiền lành, bị anh đối xử bất công, ai ngờ cuộc sống về sau lại giàu sang, hạnh phúc, trong khi người anh tham lam thì bỏ mạng giữa biển khơi.

Câu 5: Xác định câu chủ đề và nội dung của đoạn văn sau.

Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Suy cho cùng, chân lí, những chân lí lớn của nhân dân ta cũng như của thời đại là giản dị: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi”,… Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng, cách mạng.


Câu 1: 

- Câu chủ đề: Giả sử các bậc đó cứ khư khư theo thói nữ nhi thường tình, thì cũng chết già ở xó cửa, sao có thể lưu danh sử sách, cùng trời đất muôn đời bất hủ được!

- Kiểu đoạn văn: Đoạn văn quy nạp.

Câu 2:

- Đoạn văn phối hợp.

- Tác dụng: Khẳng định chắc chân chân lí mà Bác Hồ muốn nói tới là “dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước” không phân biệt địa vị, độ tuổi,…

Câu 3:

- Đoạn văn trên là đoạn văn song song.

- Chủ đề của đoạn văn là: Giai điệu ca Huế du dương, mềm mại, trầm bổng trên sông Hương.

- Cơ sở nhận biết: trong đoạn văn có những từ ngữ về âm nhạc ca Huế như “dàn hòa tấu”, “khúc lưu thủy, kim tiền, xuân phong, long hổ”, các ngón đàn.

Câu 4: Sắp xếp các câu sau đây thành đoạn văn diễn dịch.

(1) Một cô Tấm (trong truyện Tấm Cám) bao lần bị hại, cuối cùng vẫn được làm hoàng hậu, nhưng mụ dì ghẻ và Cám – những kẻ lắm mưu mô tàn ác thì bị trừng phạt đích đáng.

(2) Một Thạch Sanh (truyện Thạch Sanh) chất phác, thật bụng tin người, dẫu trải qua bao khổ nạn, oan khuất rồi đến lúc cũng cưới được công chúa và lên ngôi, còn Lý Thông lừa lọc, xảo trá thì trời đất không dung tha.

(3) Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo là ước mơ công bằng được nhân dân gửi gắm vào truyện cổ tích.

(4) Một người em (truyện Cây khế) thật thà, hiền lành, bị anh đối xử bất công, ai ngờ cuộc sống về sau lại giàu sang, hạnh phúc, trong khi người anh tham lam thì bỏ mạng giữa biển khơi.

Trả lời:

Thứ tự sắp xếp: có nhiều cách sắp xếp

- (3) à (1) à (2) à (4)

- (3) à (1) à (4) à (2)

- (3) à (2) à (1) à (4)

- (3) à (2) à (4) à (1)

- (3) à (4) à (1) à (2)

- (3) à (4) à (2) à (1)

Câu 5: 

- Câu chủ đề: Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được.

- Nội dung đoạn văn: Sự giản dị của Bác Hồ trong lời nói và bài viết.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác