Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 8 chân trời bài 2: Thực hành tiếng Việt

I. NHẬN BIẾT (06 câu)

Câu 1: Nêu khái niệm đoạn văn, câu chủ đề của đoạn văn.

Câu 2: Nêu một số kiểu đoạn văn thường gặp.

Câu 3: Đoạn văn sau là loại đoạn văn gì? Dựa vào đâu em biết điều đó?

          Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay. Nói thế có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt là một thứ tiếng hài hòa về mặt âm hưởng, thanh điệu mà cũng rất tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu. Nói thế cũng có nghĩa là nói rằng: tiếng Việt có đầy đủ khả năng để diễn đạt tình cảm, tư tưởng của người Việt Nam và để thỏa mãn cho yêu cầu của đời sống văn hóa nước nhà qua các thời kì lịch sử.

Câu 4: Đoạn văn sau là loại đoạn văn gì? Dựa vào đâu em biết điều đó?

          Đề cao sự khác biệt không phải là cổ động cho lối sống cá nhân ích kỉ, hẹp hòi, chối bỏ mọi trách nhiệm. Đề cao sự khác biệt không có nghĩa chấp nhận những sự kì dị, quái đản cốt làm cho cá nhân nổi bật giữa đám đông, xa lạ với văn hóa truyền thống của dân tộc. Đề cao sự khác biệt cũng không đồng nghĩa với việc tán thành lối sống tự do vô mục đích. Xét cho cùng, chỉ sự khác biệt nào toát lên được giá trị của cá nhân và có ích cho cộng đồng thì mới thực sự có ý nghĩa, đáng được đề cao.

Câu 5: Đoạn văn sau là loại đoạn văn gì? Dựa vào đâu em biết điều đó?

          Cần tạo cho trẻ em cơ hội tìm biết được nguồn gốc lai lịch của mình và nhận thức được giá trị của bản thân trong một môi trường mà các em cảm thấy là nơi nương tựa an toàn, thông qua gia đình hoặc những người khác trông nom các em tạo ra. Phải chuẩn bị để các em có thể sống một cuộc sống có trách nhiệm trong một xã hội tự do. Cần khuyến khích trẻ em ngay từ lúc còn nhỏ tham gia vào sinh hoạt văn hóa xã hội.

Câu 6: Đoạn văn sau là loại đoạn văn gì? Dựa vào đâu em biết điều đó?

          Bị cười, không phải mọi người đều phản ứng giống nhau. Có người tỏ thái độ mặc kệ, bất cần, ai cười, người ấy nghe. Có người, nhân bị thiên hạ cười mà nghiêm túc soi xét bản thân, lặng lẽ sửa mình. Nhưng cũng có những người, bị tiếng cười của đám đông nhằm tới, do thiếu bản lĩnh, nên hoảng hốt, lo âu và tưởng rằng khiếm khuyết của mình là rất nghiêm trọng. Rơi vào bế tắc, họ tìm lối thoát trong hành vi tiêu cực. Như vậy, sự cười nhạo chẳng phải đã vô tình làm hại người ta đó sao?


Câu 1:

- Đoạn văn là đơn vị tạo nên văn bản, thường do nhiều câu tạo thành, bắt đầu bằng chữ hoa lùi vào đầu dòng, kết thúc bằng dấu ngắt đoạn.

- Câu chủ đề của đoạn văn là câu mang nội dung khái quát của đoạn, thường đứng đầu hoặc cuối đoạn.

Câu 2: 

Một số đoạn văn thường gặp:

- Đoạn văn diễn dịch là đoạn văn có câu chủ đề mang ý khái quát đứng đầu đoạn; các câu còn lại triển khai cụ thể ý của câu chủ đề, bổ sung, làm rõ câu chủ đề.

- Đoạn văn quy nạp là đoạn văn được trình bày đi từ các ý nhỏ đến ý lớn, từ các ý chi tiết đến ý khái quát. Câu chủ đề nằm ở vị trí cuối đoạn.

- Đoạn văn song song là đoạn văn trong đó các câu triển khai nội dung song song nhau. Mỗi câu nêu một khía cạnh của chủ đề đoạn văn, làm rõ cho nội dung đoạn văn.

- Đoạn văn phối hợp là đoạn văn kết hợp diễn dịch với quy nạp. Kiểu đoạn văn này có câu chủ đề đứng ở đầu và cuối đoạn văn.

Câu 3: 

Đoạn văn trên là đoạn văn diễn dịch vì có câu chủ đề được đặt ở đầu đoạn (Tiếng Việt có những đặc sắc của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay.), khẳng định hai nét đặc sắc của tiếng Việt là đẹp và hay. Các câu tiếp theo nói rõ cái đẹp, cái hay thể hiện cụ thể như thế nào.

Câu 4: 

Đoạn văn trên là đoạn văn quy nạp vì 3 câu đầu nêu biểu hiện của sự khác biệt tầm thường, vô nghĩa, từ đó, câu chủ đề ở cuối đoạn văn (Xét cho cùng, chỉ sự khác biệt nào toát lên được giá trị của cá nhân và có ích cho cộng đồng thì mới thực sự có ý nghĩa, đáng được đề cao.) mới có cơ sở để khẳng định sự khác biệt có ý nghĩa, đáng được đề cao.

Câu 5: 

Đoạn văn trên là đoạn văn song song vì mỗi câu trong đoạn văn nêu một điều cần làm để đáp ứng quyền lợi của trẻ em. Mặc dù đoạn văn không có câu chủ đề nhưng tất cả các câu trong đoạn cùng thể hiện một chủ đề là: trách nhiệm đối với trẻ em.

Câu 6: 

Đoạn văn trên là đoạn văn phối hợp vì đoạn văn có câu mở đầu (Bị cười, không phải mọi người đều phản ứng giống nhau.) nêu chủ đề của đoạn: mọi người sẽ có phản ứng khác nhau khi bị chê cười. Bốn câu tiếp nêu các kiểu phản ứng cụ thể. Câu cuối đoạn (Như vậy, sự cười nhạo chẳng phải đã vô tình làm hại người ta đó sao?) khái quát tác hại của sự cười nhạo đối với con người.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác