Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Ngữ văn 8 cánh diều bài 1: Tôi đi học

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Em có cảm nhận gì về thái độ, cử chỉ của những người lớn (ông đốc, thầy giáo đón nhận học trò mới, các phụ huynh) đối với các em bé lần đầu đi học?

Câu 2: Hãy tìm và phân tích các hình ảnh so sánh được nhà văn sử dụng trong truyện ngắn.

Câu 3: Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn này. Sức cuốn hút của tác phẩm, theo em, được tạo nên từ đâu?

Câu 4: Truyện ngắn “Tôi đi học” là một truyện ngắn giàu chất thơ. Theo em, điều gì tạo nên đặc điểm ấy (về nội dung, hình thức, ngôn ngữ)?


Câu 1: 

Thái độ, cử chỉ của những người lớn đối với các em bé lần đầu đi học:

- Các phụ huynh đều chuẩn bị chu đáo cho con em ở buổi tựu trường đầu tiên, đều trân trọng tham dự buổi lễ quan trọng này. Có lẽ các vị cũng đang lo lắng, hồi hộp cùng con em mình.

- Ông đốc là hình ảnh một người thầy, một người lãnh đạo nhà trường rất từ tốn, bao dung. Thầy giáo trẻ dạy học sinh lớp mới cũng chứng tỏ là một người vui tính, giàu tình thương yêu.

=> Qua các hình ảnh về người lớn, chúng ta nhận ra trách nhiệm, tấm lòng của gia đình, nhà trường đối với thế hệ tương lai. Đó là một môi trường giáo dục ấm áp, là một nguồn nuôi dưỡng các em trưởng thành.

Câu 2: 

Hãy chú ý vào ba hình ảnh so sánh sau:

- "Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng."

- "Ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi."

- "Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ."

=> Các so sánh trên xuất hiện ở các thời điểm khác nhau để diễn tả tâm trạng, cảm xúc của nhân vật "tôi". Đây là các so sánh giàu hình ảnh, giàu sức gợi cảm được gắn với những cảnh sắc thiên nhiên tươi sáng, trữ tình.

=> Nhờ các hình ảnh so sánh như thế mà cảm giác, ý nghĩ của nhân vật "tôi" được người đọc chúng ta cảm nhận cụ thể, rõ ràng hơn. Cũng nhờ chúng, truyện ngắn thêm man mác chất trữ tình trong trẻo.

Câu 3:

– Đặc sắc nghệ thuật:

+ Truyện ngắn được bố cục theo dòng hồi tưởng, cảm nghĩ của nhân vật "tôi", theo trình tự thời gian của một buổi tựu trường.

+ Sự kết hợp hài hoà giữa kể, miêu tả với bộc lộ tâm trạng, cảm xúc.

=> Chính các đặc sắc nghệ thuật trên góp phần quan trọng tạo nên chất trữ tình của tác phẩm.

– Sức cuốn hút của tác phẩm được tạo nên từ:

+ Bản thân tình huống truyện (buổi tựu trường đầu tiên trong đời đã chứa đựng cảm xúc thiết tha, mang bao kỉ niệm mới lạ, "mơn man" của nhân vật "tôi").

+ Tình cảm ấm áp, trìu mến của những người lớn đối với các em nhỏ lần đầu tiên đến trường.

+ Hình ảnh thiên nhiên, ngôi trường và các so sánh giàu sức gợi cảm của tác giả.

=> Toàn bộ truyện ngắn toát lên chất trữ tình thiết tha, êm dịu.

Câu 4: 

- Về nội dung: Kể lại sự việc giản dị, đời thường kết hợp với miêu tả và bộc lộ tâm trạng, cảm xúc.

- Về hình thức: “Tôi đi học” là một tác phẩm văn xuôi cỡ nhỏ. Diễn đạt, bố cục theo dòng cảm xúc của nhà văn.

- Về ngôn ngữ:

+ Sử dụng nhiều tính từ, trạng từ: góp phần tăng khả năng miêu tả

+ Sử dụng ngôn ngữ giản dị, đời thường, tự nhiên

+ Sử dụng nhiều hình ảnh so sánh


Bình luận

Giải bài tập những môn khác