Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Ngữ văn 11 cánh diều bài 2: Đọc Tiểu Thanh kí

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Câu “Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi” có nghĩa gì? Nỗi hờn (hận) ở đây là gì? Tại sao tác giả cho là không thể hỏi trời được?

Câu 2: Nguyễn Du thương xót và đồng cảm với người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh. Điều đó nói gì về tấm lòng của nhà thơ.

Câu 3: Theo em, vì sao Nguyễn Du lại viết: “Cái án phong lưu khách tự mang” (Phong vận kì oan ngã tự cư)? Câu thơ này có liên hệ như thế nào với hai câu kết: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa – Người đời ai khóc Tố Như chăng?” (Bất tri tam bách dư niên hậu – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?).

Câu 4: Qua các câu 3 – 4 và 5 – 6, tác giả suy ngẫm về số phận của những kiếp tài hoa như thế nào? 

Câu 5: Với hai câu cuối của bài thơ, tác giả đã thể hiện tâm sự của mình như thế nào khi tự coi mình là kẻ cùng hội cùng thuyền với con người phong vận mắc nỗi oan "lạ lùng" ấy?


Câu 1: 

- Nguyên văn chữ Hán Cổ kim hận sự thiên nan vấn (dịch nghĩa: Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được – bản dịch chuyển sang nghĩa hờn, không mạnh bằng). Mối hận "cổ kim" là gì? Đó là mối hận của người xưa và người nay. Người xưa có thể là Tiểu Thanh và những người như nàng. Người nay có thể bao gồm những phụ nữ "hồng nhan bạc mệnh" cùng thời Nguyễn Du và chính thế hệ những nhà thơ tài năng như Nguyễn Du đã gặp nhiều điều không may trong cuộc đời. Nguyễn Du cho rằng có một thông lệ, một định lệ là trời đã bất công với những con người tài sắc nên viết "Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi" (Chữ cổ kim cũng có hàm nghĩa của chữ quen thói trong Truyện Kiều: Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen, chỉ một định lệ). Nhà thơ coi mình là người cùng hội cùng thuyền với nàng Tiểu Thanh nên viết tiếp câu sau đó: "Phong vận kì oan ngã tự cư" (Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã). Câu thơ này giúp ta suy đoán nội dung hai chữ cổ kim như trên. Lời oán trách trời thể hiện nỗi đau khổ và bất bình của thế hệ nhà thơ ý thức về sự chà đạp giá trị của nghệ thuật và văn chương trong xã hội phong kiến. Đó cũng là tâm sự của Nguyễn Du. "Không thể hỏi trời được" vì câu hỏi đó không có lời giải đáp. Trời đã vô tình đối với số phận của những người có tài văn chương, nghệ thuật. Sự bất hạnh của họ đã tồn tại không chỉ với Tiểu Thanh trước Nguyễn Du đến hàng trăm năm mà tồn tại đối với cả những nhà thơ cách ông hàng ngàn năm như Đỗ Phủ. (Nguyễn Du viết trong bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ: Nhất cùng chí thử khởi công thi – Ông cả cuộc đời cùng khổ như thế há vì hay thơ?)

Câu 2:

- Giá trị nhân đạo sâu sắc của bài thơ là ở chỗ Nguyễn Du đã đặt vấn đề về quyền sống của những người nghệ sĩ, những văn nghệ sĩ. Nàng Tiểu Thanh giỏi làm thơ nhưng thân phận bất hạnh, chết yểu, thơ bị đem đốt. Thương cảm cho họ là một cách Nguyễn Du bày tỏ sự trân trọng của mình trước những người nghệ sĩ. Nói cách khác, ông đã thấy ý nghĩa xã hội của người nghệ sĩ, người cống hiến cho cuộc đời những giá trị tinh thần tốt đẹp. Bày tỏ sự đồng cảm và thông cảm với họ là một dấu hiệu tiến bộ trong chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du. Nhà văn, nhà thơ không chỉ cần quan tâm, đồng cảm với những nạn nhân của xã hội phong kiến theo nghĩa những người đói cơm rách áo, cần được chăm lo, bảo vệ mà còn phải biết thương yêu, trân trọng những chủ nhân của các giá trị văn hoá tinh thần. Khi những chủ nhân này lại là người phụ nữ thì sự đồng cảm của nhà thơ càng có ý nghĩa sâu sắc hơn.

Câu 3: 

- Người xưa nói “đồng bệnh tương liên” hay “đồng cảnh tương liên”. Nguyễn Du nghĩ về Tiểu Thanh và thấy có sự tương đồng giữa thân phận nàng và thân phận ông: tài năng mà bất hạnh. Lời thơ chất chứa nỗi thương người và thương thân. Vì thế, Nguyễn Du tự hỏi không biết ba trăm năm nữa ai sẽ khóc thương ông như bây giờ ông đang khóc thương cho Tiểu Thanh. Đây là mối đồng cảm sâu sắc giữa những người có tài năng văn chương. Có thể nói, Nguyễn Du đã đặt vấn đề về thân phận của những người nghệ sĩ, trí thức trong xã hội phong kiến.

Câu 4: 

- Hai câu 3 - 4:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.

- Chi phấn chỉ phụ nữ, tức Tiểu Thanh. Thần chữ Hán cũng có nghĩa như hồn. Hai chữ "hữu thần" được dùng theo lối giả định. Có quan niệm phần xác chết, phần hồn cũng mất. Có thuyết lại cho rằng phần xác tuy chết, nhưng phần hồn vẫn còn. Trong câu 3, chủ ngữ là "chi phấn hữu thần" (son phấn có thần), "liên" (xót xa) là vị ngữ. Xót xa điều gì? Vì "Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở". Hai câu 3 - 4, theo luật thơ Đường, tuy đối ngẫu, nhưng ý câu dưới lại chỉ là nối tiếp ý đã nói ở câu trên.

- Hai câu thơ đầy ý vị ngậm ngùi, xót thương, như một tiếng khóc thầm. Mà khóc thật. Câu cuối bài thơ nhắc đến người khóc Tố Như sau này đã cho thấy đây là bài thơ khóc Tiểu Thanh.

- Hai câu thơ 5 - 6 đã nói về mối liên hệ giữa tác giả và số phận của Tiểu Thanh. Câu 5 mang ý vị tuyệt vọng trước các mối hận. Các mối hận như người tài hoa bạc mệnh là vô lí, bất công, trời cũng không giải thích được. "Trời khôn hỏi" có nghĩa là hỏi trời cũng vô ích, trời bất lực không trả lời được.

- Câu 6: Tác giả đã viết: Nỗi oan lạ lùng của những kẻ tài tình như Tiểu Thanh, cũng là nỗi oan của ta (nguyên văn là "ngã", tức là "ta", bản dịch thơ chuyển thành "khách"). Câu thơ thể hiện sự đồng cảm của nhà thơ với những kiếp tài hoa bất hạnh trên đời.

Câu 5: 

Câu 7 - 8 thể hiện tâm sự của Nguyễn Du:

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

- Câu hỏi cho thấy Nguyễn Du vừa băn khoăn vừa mong đợi người đời sau thương cảm mình. Ba trăm năm lẻ là con số thời gian có ý nghĩa như thế nào, chưa thấy ai nói rõ, nhưng có thể hiểu đó là một khoảng thời gian lâu, rất lâu. Một mình ta đã khóc nàng, coi nỗi oan của nàng như của ta. Vậy sau này còn ai (mang nỗi oan như ta) khóc ta chăng? Câu thơ thể hiện một cảm nhận cô đơn của nhà thơ trước cuộc đời vì chưa tìm thấy người đồng cảm và gửi hi vọng ấy vào hậu thế. Nhưng đó là câu hỏi, một câu hỏi day dứt đặt ra cho hậu thế, và vấn đề không chỉ là khóc Tố Như, mà còn khóc cho bao kiếp tài tình như ông.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác