Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Lịch sử 8 chân trời bài 16: Nhật Bản

THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Tư liệu dưới đây cho em biết điều gì về tình hình Nhật Bản vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX?

“Công nghiệp đóng tàu, sản xuất vũ khí và quân trang trở thành ngành mũi nhọn nhằm xây dựng lực lượng quân sự mạnh để cạnh tranh và bành trướng. Công nghiệp gang thép và công nghiệp điện tăng trưởng mạnh. Những tập đoàn tư bản Nhật Bản đã tăng cường xuất vốn ra nước ngoài, lập các nhà máy và kinh doanh ở Trung Quốc, Triều Tiên,...”.

(Theo Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, Sđd, tr. 313 - 314)

Câu 2: Theo em, ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc Duy tân Minh Trị là gì?

Câu 3: Những sự kiện nào chứng tỏ vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, Nhật Bản đã trở thành nước đế quốc?

Câu 4: Khái quát về tình hình chung của Nhật Bản khi chuyển sang Chủ nghĩa đế quốc.


Câu 1: 

- Nội dung đoạn tư liệu:

+ Chú trọng công nghiệp đóng tàu, sản xuất vũ khí để xây dựng quân đội.

+ Phát triển các tập đoàn tư bản, nhà máy ở một số nước khác.

- Ý nghĩa: biểu hiện của sự hình thành chủ nghĩa đế quốc ở Nhật Bản vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.

Câu 2:

Ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc Duy tân Minh trị là là đưa nước Nhật thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, trì trệ, thoát khỏi nguy cơ bị biến thành thuộc địa, bảo toàn được nền độc lập dân tộc.

Câu 3: 

Những sự kiện chứng tỏ vào cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, Nhật Bản đã trở thành nước đế quốc:

- Kinh tế Nhật Bản phát triển ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt là về công nghiệp. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, kéo theo sự tập trung trong sản xuất, thương nghiệp và ngân hàng.

- Nhiều công ti độc quyền xuất hiện, giữ vai trò to lớn, bao trùm lên đời sống kinh tế, chính trị của nước Nhật.

- Thi hành chính sách xâm lược, giành thắng lợi trong chiến tranh Nga – Nhật. Thuộc địa đế quốc Nhật Bản được mở rộng.

Câu 4: 

Kinh tế: Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Nhật Bản dẫn tới sự ra đời các công ti độc quyền như Mít-xưi, Mít-su-bi-si... lũng đoạn và chi phối toàn bộ nền kinh tế, chính trị Nhật Bản.

Đối nội: Thực hiện chính sách bóc lột tối đa với người dân.

Đối ngoại: Thi hành chính sách xâm lược hiếu chiến bằng việc phát động hàng loạt cuộc chiến tranh: Đài Loan, Trung Quốc, Nga, Triều Tiên...

Nhật Bản trở thành nước đế quốc phong kiến quân phiệt.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác