Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Địa lí 8 chân trời bài 8: Đặc điểm thủy văn

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Trình bày đặc điểm sông ngòi nước ta.

Câu 2: Đặc điểm mạng lưới và chế độ nước sông của hệ thống sông Hồng.

Câu 3: Trình bày đặc điểm mạng lưới sông ngòi nước ta.

Câu 4: Trình bày đặc điểm chung của 3 hệ thống sông ngòi Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ.


Câu 1:

Đặc điểm của sông ngòi nước ta:

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp cả nước.

- Lưu lượng nước lớn, giàu phù sa.

- Phần lớn sông ngòi chảy theo hai hướng chính là: hướng tây bắc - đông nam và hướng vòng cung.

- Chế độ nước chảy theo hai mùa rõ rệt.

Câu 2: 

-  Đặc điểm mạng lưới sông:

+ Là hệ thống sông lớn thứ 2 cả nước sau hệ thống sông Mê Kông.

+ Hệ thống sông được cung cấp nước bởi hơn 600 phụ lưu, trong đó có 2 phụ lưu chính là sông Đà và sông Lô. Các phụ lưu lớn hợp với dòng chính sông Hồng tạo thành mạng lưới sông hình nan quạt, hội tụ tại Việt Trì (Phú Thọ).

+ Sông Hồng đổ ra vịnh Bắc Bộ ở cửa chính Ba Lạt và nhiều chi lưu khác.

- Đặc điểm chế độ nước sông:

+ Chế độ nước sông có hai mùa rõ rệt (mùa lũ và mùa cạn)

  • Mùa lũ: bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 10 phù hợp với mùa mưa. Lượng nước mùa lũ chiếm khoảng 75% tổng lượng nước cả năm.
  • Mùa cạn: bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào tháng 5 năm sau, lượng nước mùa cạn chỉ chiếm khoảng 25% tổng lượng nước cả năm.

+ Do mạng lưới sông có dạng nan quạt, nên khi mưa lớn, nước tập trung nhanh, dễ gây lũ lụt.

+ Các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện trên hệ thống sông Hồng có ảnh hưởng quan trọng, làm chế độ nước sông điều hoà hơn.

Câu 3:

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp cả nước:

+ Nước ta có 2360 con sông dài trên 10 km.

+ Mật độ trung bình mạng lưới sông khoảng 0,66 km/km2, ở đồng bằng mật độ có thể cao hơn, từ 2 - 4 km/km2.

+ Dọc bờ biển nước ta, cứ khoảng 20 km lại có một cửa sông.

- Lưu lượng nước lớn, giàu phù sa:

+ Sông ngòi nước ta có tổng lượng nước lớn (khoảng 839 tỉ m3/năm), phân bố không đều giữa các hệ thống sông. Trong đó, hệ thống sông Mê Công chiếm tới 60,4% lưu lượng của cả nước.

+ Sông ngòi còn mang theo một lượng phù sa rất lớn với tổng lượng khoảng 200 triệu tấn/năm, trong đó riêng sông Hồng là 120 triệu tấn/năm, chiếm tới 60% tổng lượng phù sa của sông ngòi cả nước.

- Phần lớn sông ngòi chảy theo hai hướng chính:

+ Sông ngòi chủ yếu chảy theo hai hướng chính là tây bắc - đông nam (ví dụ: sông Hồng, sông Mã, sông Tiền,..) và vòng cung (ví dụ: sông Lô, sông Gâm, sông Cầu,..).

+ Ngoài ra, một số sông chảy theo hướng khác như đông nam - tây bắc (ví dụ: sông Kỳ Cùng), đông - tây (ví dụ: sông Srêpôk, sông Sê San,..).

+ Hầu hết các sông của nước ta đều đổ ra Biển Đông.

- Chế độ dòng chảy theo hai mùa rõ rệt:

+Chế độ dòng chảy sông ngòi phụ thuộc vào chế độ mưa, với hai mùa rõ rệt là mùa lũ tương ứng với mùa mưa và mùa cạn tương ứng với mùa khô.

+ Nguyên nhân: do nguồn cung cấp nước sông chủ yếu là nước mưa.

Câu 4: 

- Sông ngòi Bắc Bộ:

+ Có chế độ nước theo mùa, thất thường.

+ Mùa lũ kéo dài năm tháng (từ tháng 6 đến tháng 10), cao nhất vào tháng 8. Lũ tập trung nhanh và kéo dài do có mưa theo mùa, các sông có dạng nan quạt.

+ Một số sông nhánh chảy giữa các cánh cung núi, quy tụ về đỉnh tam giác châu sông Hồng.

+ Tiêu biểu cho khu vực sông ngòi Bắc Bộ là hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.

- Sông ngòi Trung Bộ:

+Thường ngắn và dốc, phân thành nhiều lưu vực nhỏ độc lập.

+ Lũ lên rất nhanh và đột ngột, nhất là khi gặp mưa và bão lớn.

+ Mùa lũ tập trung vào các tháng cuối năm từ tháng 9 đến tháng 12.

+ Tiêu biểu là hệ thống sông Mã, sông Cả, sông Thu Bồn, sông Đà Rằng.

- Sông ngòi Nam Bộ:

+ Lượng nước chảy lớn, chế độ nước theo mùa và khá điều hòa do địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu điều hòa hơn vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ,...

+ Lòng sông rộng và sâu, ảnh hưởng của thủy triều lớn.

+ Có 2 hệ thống sông lớn: hệ thống sông Mê Công, hệ thống sông Đồng Nai.

+ Mê Công là hệ thống sông lớn nhất vùng Đông Nam Á (dài 4300 km, chảy qua sáu quốc gia). Sông Mê Công đã mang đến cho đất nước ta những nguồn lợi to lớn, song cũng gây nên những khó khăn không nhỏ vào mùa lũ.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác