Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 8 chân trời bài 5: Cái chúc thư

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy nêu những hiểu biết của em về văn bản “Cái chúc thư” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Câu 2: Hãy nêu những thông tin cơ bản về tác giả Vũ Đình Long.

Câu 3: Hãy tóm tắt văn bản trong khoảng 10 – 15 dòng.

Câu 4: Hãy nêu những hiểu biết của em về đặc điểm của hài kịch.

Câu 5: Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết văn bản “Cái chúc thư” là hài kịch?

 


Câu 1: 

- Văn bản được trích từ tác phẩm “Giai tài” (phóng tác từ vở hài kịch Légataire Universel của Regnard)

- Tác giả: Vũ Đình Long

- Thể loại: Hài kịch

- Nội dung: Hành động kịch xoay quanh màn kịch được các nhân vật dựng ra nhằm chiếm đoạt tài sản của một người sắp chết. Văn bản tạo ra tiếng cười cho người đọc đồng thời lột tả bản chất xấu xa của con người.

Câu 2: 

- Vũ Đình Long (1896 – 1960) quê ở thôn Mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Đông (cũ), nay thuộc thành phố Hà Nội

- Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, rất mê ca kịch dân tộc.

- Ông là tác giả của nhiều vở kịch hiện đại như: Chén thuốc độc (1921), Toà án lương tâm (1923), Đàn bà mới (1944), Tổ quốc trên hết (1949, phóng tác), Gia tài (1958, phóng tác),...

Câu 3: 

          Cụ Di Lung lâm bệnh nặng, có thể không qua khỏi. Gia tài của cụ chưa biết sẽ để lại cho ai thừa hưởng. Hy Lạc – cháu ruột ông Di Lung, Khiết – người hầu trai của Hy Lạc và Lý – người hầu gái của cụ Di Lung bàn với nhau mời công chứng viên về làm chúc thư giả. Sau khi Hy Lạc thuyết phục được Khiết liều đóng giả cụ Di Lung, Khiết mặc quần áo của cụ rồi mời công chứng viên lên phòng. Màn kịch dựng ra của ba người bắt đầu từ đây. Khiết nói về chuyện an táng, rồi đến chuyện chia gia tài cho từng người, từ Hy Lạc, Lý rồi bất ngờ nhất là cho Khiết. Khiết được đà tự cho mình quyền tự quyết định, điều này làm Hy Lạc sốc, bực tức nhưng không thể làm gì. Ở màn kịch chia gia tài, Hy Lạc và Lý thể hiện sự đau buồn, thương xót cho sự ra đi cận kề của ông cụ nhưng thực chất chỉ là những lời giả tạo. Cuối cùng, bản chúc thư cũng hoàn thành.

Câu 4:

- Hài kịch là một thể loại kịch dùng biện pháp gây cười để chế giễu các tính cách và hành động xấu xa, lố bịch, lỗi thời của con người.

- Nhân vật của hài kịch là đối tượng của tiếng cười, gồm những hạng người hiện thân cho các thói tật xấu hay những gì thấp kém trong xã hội. Tính cách của nhân vật hài kịch được thể hiện qua những biến cố dẫn đến sự phơi bày, phê phán cái xấu.

- Hành động trong hài kịch là toàn bộ hoạt động của các nhân vật (bao gồm lời thoại, điệu bộ, cử chỉ,...) tạo nên nội dung của tác phẩm hài kịch. Hành động thể hiện qua lời thoại dưới các dạng: tấn công – phân công; thăm dò – lảng tránh; chất vấn – chối cãi; thuyết phục – phủ nhận/ bác bỏ; cầu xin – từ chối;...

- Xung đột kịch thường nảy sinh dựa trên sự đối lập, mâu thuẫn tạo nên tác động qua lại giữa các nhân vật hay các thế lực. Có nhiều kiểu xung đột: xung đột giữa cái cao cả với cái cao cả, giữa cái cao cả với cái thấp kém, giữa cái thấp kém với cái thấp kém,... Trong hài kịch, do đặc điểm, tính chất của các nhân vật, xung đột thường diễn ra giữa cái thấp kém với cái thấp kém.

- Lời thoại là lời của các nhân vật hài kịch nói với nhau (đối thoại), nói với bản thân (độc thoại) hay nói với khán giả (bàng thoại), góp phần thúc đẩy xung đột hài kịch phát triển.

- Lời chỉ dẫn sân khấu là những lời chú thích ngắn gọn của tác giả biên kịch (thường để trong ngoặc đơn) nhằm hướng dẫn, gợi ý về cách bài trí, xử lí âm thanh, ánh sáng, việc vào – ra sân khấu của diễn viên thủ vai nhân vật cùng trang phục, hành động, cử chỉ, cách nói năng của họ,...

- Thủ pháp trào phúng: Hài kịch thường sử dụng các thủ pháp trào phúng như phóng đại tính phi lô-gíc, tính không hợp tình thế trong hành động của nhân vật (hành vi, lời nói, cử chỉ, trang phục,...); các thủ pháp tăng tiến, giễu nhại, mỉa mai; lối nói hóm hỉnh, lối chơi chữ, lối nói nghịch lí;...

Câu 5:

Văn bản mang những đặc điểm của hài kịch:

- Ba nhân vật (Hy Lạc, Khiết, Lý) là đối tượng của tiếng cười, hiện thân cho những gì thấp kém trong xã hội. Tính cách giả tạo, tham lam của ba nhân vật này được thể hiện qua các biến cố dẫn đến sự phơi bày, phê phán cái xấu.

- Trong văn bản có các hành động kịch như lời nói, cử chỉ,… tạo nên nội dung của tác phẩm. Hành động thể hiện qua lời thoại dưới các dạng:

          + Tấn công – phản công: “Một tên đầy tớ mà bác cho nhiều thế ư? – Nếu mà người ta làm cho tôi giận, thì tôi tăng lên ba trăm ngàn cho mà xem!”.

          + Thuyết phục – phủ nhận: “Thưa bác, bác không biết rõ …” – “Bác nghĩ trái lại kia …”.

          …

- Xung đột trong vở kịch: xung đột giữa cái thấp kém với cái thấp kém

- Lời thoại: trong văn bản có lời đối thoại và độc thoại.

- Lời chỉ dẫn sân khấu: ví dụ: “Lý ôm một gói áo quần thường mặc của Di Lung, Hy Lạc, Khiết ra”, “nói riêng”, “nói rõ”, “vờ khóc”,…

- Thủ pháp trào phúng: văn bản sử dụng một số thủ pháp như tăng tiến, phóng đại, xây dựng tình huống bất ngờ,…


Bình luận

Giải bài tập những môn khác