Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 11 kết nối bài 3: Tôi có một ước mơ

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Trình bày những hiểu biết của em về văn bản Tôi có một ước mơ (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Câu 2: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Martin Luther King.

Câu 3: Hãy trình bày về cấu trúc của văn bản nghị luận và các yếu tố bổ trợ trong văn bản nghị luận.

Câu 4: Xác định mục đích hướng tới của tác giả ở bài diễn văn.

Câu 5: Ở phần đầu, tác giả có dẫn ra sự kiện tổng thống Abraham Lincoln kí Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ năm 1863. Ý nghĩa của việc dẫn ra văn kiện lịch sử nổi tiếng này là gì?

 


Câu 1: 

- Tôi có một ước mơ là nhan đề bài diễn văn nổi tiếng nhất của Martin Luther King, được ông phát biểu trên bậc thềm của đài tưởng niệm Tổng thống Lincoln trong cuộc tuần hành ủng hộ phong trào đòi quyền công dân diễn ra vào ngày 28/8/1963. Với tài hùng biện, ông nói về ước mơ cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người

da đen có thể chung sống bình đẳng.

- Tôi có một ước mơ của Martin Luther King cho đến nay vẫn được xem là một trong những bài diễn văn xuất sắc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Những lời lẽ lay động lòng người của ông đã góp phần gây áp lực, buộc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân quyền năm 1964 dưới thời Tổng thống Lyndon Baines Johnson, quy định cấm phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ.

 

Câu 2: 

- Martin Luther King (1929 – 1968) là mục sư, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng như lịch sử đương đại của phong trào đấu tranh bất bạo động. Martin Luther King được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình và hi sinh cho một lí tưởng cao cả.

- Năm 1964, Martin Luther King là nhân vật trẻ tuổi nhất được chọn để trao giải Nobel Hoà bình cho những nỗ lực chấm dứt nạn kì thị chủng tộc với quan điểm và các biện pháp đấu tranh vì hoà bình và bình đẳng.

 

Câu 3: 

  1. a) Cấu trúc văn bản nghị luận

- Một văn bản nghị luận bao gồm nhiều thành tố: luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng,... Các thành tố đó được tổ chức thành một chỉnh thể, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhằm đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất.

- Là thành tố có tính chất bao trùm, luận đề có chức năng định hướng việc triển khai các luận điểm. Các luận điểm trong văn bản nghị luận, với sự thống nhất của lí lẽ và bằng chứng, có nhiệm vụ làm rõ từng khía cạnh và thể hiện tính nhất quán của luận đề. Mối quan hệ có tính bản chất giữa các thành tố như vậy tạo nên cấu trúc đặc thù của văn bản nghị luận.

  1. b) Yếu tố bổ trợ trong văn bản nghị luận

Để tăng sức thuyết phục cho văn bản nghị luận, ngoài lí lẽ và bằng chứng, người viết còn có thể sử dụng một số yếu tố bổ trợ như: thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm,... Thuyết minh trong văn bản nghị luận có tác dụng giải thích, cung cấp những thông tin cơ bản xung quanh một vấn đề, khái niệm, đối tượng nào đó, làm cho việc luận bàn trở nên xác thực. Miêu tả được dùng để tái hiện rõ nét, sinh động hơn những đối tượng có liên quan. Tự sự đảm nhiệm việc kể câu chuyện làm bằng chứng cho luận điểm mà người viết nêu lên. Biểu cảm giúp người viết bộc lộ cảm xúc, tình cảm làm cho văn bản có thêm sức lôi cuốn, thuyết phục.

 

Câu 4: 

- Bài diễn văn hướng tới mục đích thúc đẩy phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người da đen và gây sức ép cho chính quyền Mỹ phải đưa ra những đạo luật đảm bảo quyền bình đẳng.

 

Câu 5: 

- Việc dẫn ra này tạo tiền đề cho lập luận ở đoạn sau đó đồng thời chỉ trích việc chính quyền ra luật một đằng nhưng làm một nẻo.

- Chú ý: bản Tuyên ngôn do tổng thống Abraham Lincoln kí và bài diễn thuyết lại được đọc ở dưới bóng tượng của ông. Điều này tạo nên sự phù hợp và làm tăng sức tác động của văn bản.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác