Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng địa lí 9 KNTT bài 11: Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

3. VẬN DỤNG (3 CÂU)

Câu 1: Nêu ý nghĩa của việc phát triển nghề rừng theo hướng nông – lâm kết hợp ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Câu 2: Phân tích những thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Câu 3: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam, hãy kể tên các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, các trung tâm công nghiệp của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.


Câu 1: 

Phát triển nghề rừng theo hướng nông - lâm kết hợp ở Trung du và miền núi Bắc Bộ có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện điều kiện tự nhiên và đời sống của người dân trong vùng. Đây là vùng có địa hình dốc và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc phát triển nghề rừng theo hướng nông – lâm kết hợp giúp tăng độ che phủ rừng, hạn chế xói mòn đất, hạn chế tốc độ dòng chảy của các con sông, đồng thời điều tiết nước cho các hồ thủy điện và cung cấp nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, nó còn cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần cải thiện mức sống và giảm nghèo cho đồng bào dân tộc. 

Việc kết hợp phát triển nông nghiệp với nghề rừng không chỉ khai thác tốt tiềm năng của vùng mà còn giúp đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm tại chỗ, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân.

Câu 2: 

* Thế mạnh:

- Địa hình chủ yếu là đồi núi, thuận lợi phát triển lâm nghiệp.

+ Một số cao nguyên xen các đồi núi thấp với đất feralit có thể phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc.

+ Một số cánh đồng Than Uyên, Nghĩa Lộ, Điện Biên, Bảo Lạc,… có đất phù sa thuận lợi trồng lúa, cung cấp lương thực tại chỗ.

=> Địa hình núi cao với nhiều hang động các-xtơ, thắng cảnh thuận lợi phát triển du lịch.

- Khí hậu có mùa đông lạnh, phân hóa theo độ cao tạo thế mạnh đặc biệt phát triển cây công nghiệp nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới như chè, cây dược liệu,…; cây ăn quả đặc sản như đào, lê, vải,…; rau và hoa. Thế mạnh cho phát triển du lịch.

-  Nguồn nước:

+ Hệ thống sông ngòi dày đặc kết hợp địa hình chia cắt mạnh tạo cho vùng trữ năng thủy điện lớn nhất cả nước.

+ Các hồ tự nhiên và nhân tạo như Ba Bể, Thác Bà,… giá trị phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch.

+ Nguồn nước khoáng phong phú, thuận lợi phát triển du lịch.

- Tài nguyên khoáng sản đa dạng, một số loại trữ lượng đáng kể như than (Thái Nguyên, Bắc Giang), sắt (Yên Bái), a-pa-tít (Lào Cai) là cơ sở quan trọng để phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản và nhiều ngành công nghiệp khác.

- Tài nguyên rừng dồi dào, tạo thế mạnh phát triển lâm nghiệp, công nghiệp khai thác và chế biến gỗ. Hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn như Hoàng Liên (Lào Cai), Du Già (Hà Giang), Ba Bể (Bắc Kạn),… có nhiều loài sinh vật đặc hữu là tài nguyên đặc sắc để phát triển du lịch sinh thái.

* Hạn chế:

- Địa hình bị chia cắt mạnh, thời tiết diễn biến thất thường, gây trở ngại cho hoạt động giao thông vận tải cũng như tổ chức sản xuất và đời sống, nhất là các vùng núi cao.

- Khoáng sản tuy nhiều chủng loại, phân bố khá tập trung, song trữ lượng nhỏ, điều kiện khai thác phức tạp

- Diện tích rừng bị thu hẹp làm gia tăng các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, xói mòn đất, chất lượng môi trường suy giảm.

Câu 3:

- Các nhà máy thuỷ điện: Thác Bà, Hòa Bình, Tuyên Quang, Nậm Mu, Sơn La.

- Nhà máy nhiệt điện: Uông Bí, Na Dương.

- Trung tâm công nghiệp luyện kim: Thái Nguyên.

- Trung tâm công nghiệp cơ khí: Thái Nguyên, Hạ Long.

- Trung tâm hóa chất: Bắc Giang, Việt Trì


Bình luận

Giải bài tập những môn khác