Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Lịch sử 9 CD bài 6: Việt Nam từ năm 1918 đến năm 1945

2. THÔNG HIỂU (5 CÂU)

Câu 1: Nghệ Thuật chớp thời cơ giành chính quyền được thể hiện như nào trong Cách Mạng Tháng 8 năm 1945 ?

Câu 2: Phân tích vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam giai đoạn 1930-1939. 

Câu 3: Hãy làm rõ tính chất của phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Câu 4: Những biểu hiện nào chứng tỏ Xô viết Nghệ-Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930-1931?

Câu 5: Phong trào cách mạng 1930-1931 có những đóng góp gì trong việc xây dựng lực lượng cách mạng Việt Nam?


Câu 1:

- Nghệ thuật chớp thời cơ giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Đảng Cộng sản Đông Dương thể hiện ở khả năng tận dụng tối đa thời cơ lịch sử để phát động và tổ chức khởi nghĩa trên toàn quốc. 

- Khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vào ngày 15/8/1945, hệ thống cai trị của Nhật Bản tại Đông Dương rơi vào trạng thái tan rã, tạo ra khoảng trống quyền lực. Đảng đã nhanh chóng nhận thấy đây là thời điểm thuận lợi để phát động cuộc tổng khởi nghĩa, khi chính quyền thực dân Pháp đã bị suy yếu và quân Nhật thất bại. 

- Đảng đã chỉ đạo các cấp lãnh đạo tổ chức cuộc khởi nghĩa ở cả thành thị và nông thôn với khẩu hiệu “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được độc lập”. 

=> Chính việc đánh giá đúng thời cơ, hành động nhanh chóng và dứt khoát trong điều kiện tình hình chính trị quốc tế và trong nước thay đổi nhanh chóng là yếu tố then chốt giúp cách mạng giành thắng lợi trong một thời gian ngắn.

Câu 2:

- Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3/2/1930 đã trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng. Đảng đã đề ra đường lối cách mạng rõ ràng, tập hợp các giai cấp và tầng lớp trong xã hội dưới ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc.

- Đảng lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu là phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931). Tuy thất bại, nhưng đây là cuộc biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân và nông dân, chứng minh sự đúng đắn của đường lối lãnh đạo của Đảng.

Câu 3:

Phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh mang tính chất cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng ruộng đất. Đây là cuộc đấu tranh giữa các giai cấp bị áp bức với bọn thực dân và phong kiến tay sai. Phong trào có tinh thần độc lập dân tộc rõ rệt và xây dựng chính quyền cách mạng.

Câu 4: 

♦ Những biểu hiện chứng tỏ Xô viết Nghệ-Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930-1931:

- Nghệ An, Hà Tĩnh là địa bàn diễn ra sôi nổi, liên tục các cuộc bãi công của công nhân, biểu tình của nông dân;

- Công nhân và nông dân đã liên kết, hưởng ứng phong trào của nhau để làm cho bộ máy chính quyển của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện tê liệt, ở một số thôn, xã bị tan rã. Tại đó, chính quyền nhân dân được thành lập dưới hình thức các xô viết.

- Chính quyền Xô viết là biểu hiện đỉnh cao của cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh với việc ban hành và thực hiện nhiều chính sách tiến bộ, như:

+ Ban bố các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân (về chính trị);

+ Chia ruộng đất công, bãi bỏ các thứ thuế vô lí, thực hiện giảm tô và xoá nợ cho dân nghèo (về kinh tế);

+ Tổ chức đời sống mới, mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ, xoá bỏ các tệ nạn xã hội,... (về văn hoá, xã hội),...

=> Như vậy, Xô viết Nghệ-Tĩnh thật sự là chính quyển cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng (chính quyền của dân, do dân và vì dân).

Câu 5: 

- Phong trào cách mạng 1930-1931 là một trong những phong trào có vai trò nền tảng cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong việc xây dựng lực lượng cách mạng.

+ Thứ nhất, phong trào đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các phong trào đấu tranh đã diễn ra mạnh mẽ trên cả nước, đặc biệt là tại Nghệ An và Hà Tĩnh với sự ra đời của các chính quyền Xô viết. Sự kiện này chứng tỏ khả năng tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong việc tập hợp và dẫn dắt quần chúng đấu tranh chống thực dân phong kiến.

+ Thứ hai, phong trào giúp xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trung kiên. Qua quá trình đấu tranh, nhiều cán bộ, đảng viên đã trưởng thành về cả nhận thức và khả năng tổ chức, lãnh đạo quần chúng. Họ là lực lượng nòng cốt cho các giai đoạn cách mạng sau này.

+Thứ ba, phong trào 1930-1931 đã tạo tiền đề cho các cuộc đấu tranh tiếp theo, góp phần xây dựng và củng cố niềm tin cách mạng trong quần chúng nhân dân. Đây là yếu tố quan trọng giúp Đảng tiếp tục phát triển lực lượng và chuẩn bị cho các phong trào dân chủ sau này.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác