Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Địa lí 12 kntt bài 28: Khai thác thế mạnh để phát triển kinh tế ở Tây Nguyên

2. THÔNG HIỂU (9 CÂU)

Câu 1: Phân tích các thế mạnh, hạn chế đối với phát triển cây công nghiệp lâu năm?

Câu 2: Trình bày hiện trạng phát triển cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên?

Câu 3: Trình bày thế mạnh và hạn chế đối với phát triển lâm nghiệp ở Tây Nguyên?

Câu 4: Trình bày hiện trạng phát triển lâm nghiệp của vùng?

Câu 5: Phân tích thế mạnh và hạn chế đối với phát triển thủy điện của Tây Nguyên?

Câu 6: Trình bày hiện trạng phát triển thủy điện của vùng?

Câu 7: Trình bày thế mạnh và hiện trạng khai thác bô-xít của vùng?

Câu 8: Phân tích thế mạnh và hạn chế đối với phát triển du lịch ở Tây Nguyên?

Câu 9: Trình bày hiện trạng phát triển du lịch ở Tây Nguyên?


Câu 1: 

- Về tự nhiên

+ Địa hình và đất: Tây Nguyên có địa hình chủ yếu là các cao nguyên xếp tầng với độ cao khác nhau như các cao nguyên: Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk, Lâm Viên, Mơ Nông, Di Linh,... Bề mặt địa hình tương đối bằng phẳng. Tây Nguyên có diện tích đất badan lớn, thuận lợi cho quy hoạch vùng chuyên canh cây công nghiệp quy mô lớn có mức độ tập trung cao.

+ Khí hậu mang tính chất cận xích đạo, có sự phân hoá theo độ cao và theo mùa rõ rệt, thuận lợi cho canh tác và phát triển cây công nghiệp với cơ cấu đa dạng (cây công nghiệp nhiệt đới, cận nhiệt đới).

+ Nguồn nước: Tây Nguyên có nhiều sông như Sê San, Srêpôk, Đồng Nai,... nhiều hồ tự nhiên và nhân tạo như hồ Lắk (Đắk Lắk), hồ Ialy (Kon Tum, Gia Lai).... là nguồn cung cấp nước tưới cho cây công nghiệp. Nguồn nước ngầm có trữ lượng khá phong phú có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước tưới vào mùa khô.

Tuy nhiên, mùa khô ở Tây Nguyên kéo dài 4 đến 5 tháng, gây khô hạn và thiếu nước tưới cho cây trồng. Đất ở khu vực đồi núi dễ bị rửa trôi, xói mòn,... Tác động của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng nhất định đến diện tích và sản lượng cây công nghiệp.

- Về kinh tế – xã hội

+ Nguồn lao động ở Tây Nguyên có truyền thống và kinh nghiệm trong sản xuất cây công nghiệp. Trình độ người lao động ngày càng được nâng cao, tạo điều kiện để áp dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và chế biến sản phẩm cây công nghiệp.

+ Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kĩ thuật được cải thiện, khoa học – công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và chế biến sản phẩm, thị trường được mở rộng cả trong nước và quốc tế,... thúc đẩy sản xuất cây công nghiệp của vùng.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây công nghiệp có nhiều biến động; công nghiệp chế biến sản phẩm còn nhiều hạn chế.

Câu 2: 

- Tây Nguyên là vùng chuyên canh cây công nghiệp lâu năm lớn của nước ta. Diện tích cây công nghiệp lâu năm luôn chiếm tỉ lệ cao so với cả nước. Năm 2021, diện tích cây công nghiệp lâu năm của vùng là 981,2 nghìn ha, chiếm 44,5% diện tích cây công nghiệp lâu năm của cả nước. Vùng đã ứng dụng công nghệ cao (công nghệ sinh học, tự động hoá,...) trong sản xuất và chế biến nên năng suất và chất lượng sản phẩm tăng. Công nghiệp chế biến các sản phẩm đã được hiện đại hoá, xây dựng được một số thương hiệu cà phê, hồ tiêu,... trên thị trường thế giới.

- Cơ cấu cây công nghiệp khá đa dạng. Một số cây công nghiệp chính là cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè, mắc ca, ca cao,...

+ Cà phê là cây công nghiệp quan trọng số một ở Tây Nguyên. Năm 2021, vùng chiếm khoảng 90% diện tích và 94% sản lượng cà phê của cả nước. Nhiều công nghệ mới được ứng dụng trong sản xuất, thâm canh cà phê, tạo ra sản phẩm sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cà phê được trồng nhiều nhất ở tỉnh Đắk Lắk.

+ Cao su: Năm 2021, vùng chiếm khoảng 25% diện tích cao su của cả nước. Cao su được trồng chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk.

+ Hồ tiêu đang được phát triển mạnh ở Tây Nguyên, diện tích có xu hướng tăng nhanh. Các tỉnh trồng nhiều hồ tiêu là Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai.

+ Điều là cây công nghiệp đang được chú trọng phát triển, là mặt hàng xuất khẩu có giá trị của vùng, tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk, Gia Lai và Lâm Đồng.

+ Chè: Diện tích năm 2021 chiếm gần 9% diện tích chè của cả nước, tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng. Hiện nay, vùng đã ứng dụng công nghệ mới trong trồng, chăm sóc và chế biến chè. Các nhà máy chế biến chè trong vùng tập trung ở Lâm Đồng và Gia Lai.

- Ngoài ra, các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk phát triển một số cây công nghiệp như ca cao, mắc ca,... bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Câu 3: 

- Tây Nguyên có diện tích rừng khá lớn. Năm 2021, tổng diện tích rừng hơn 2,5 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích rừng cả nước. Rừng Tây Nguyên có đa dạng sinh học cao, có nhiều loại cây gỗ, dược liệu quý,... Trong vùng có nhiều vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới như Yok Đôn, Kon Hà Nừng, Tà Đùng....

- Khí hậu có tính chất cận xích đạo, nền nhiệt độ cao, lượng mưa lớn, thuận lợi cho việc trồng rừng và khoanh nuôi rừng tự nhiên.

- Chính sách giao đất, giao rừng, phát triển kinh tế,.... góp phần giữ vững diện tích rừng tự nhiên, thúc đẩy công tác trồng rừng....

- Tuy nhiên, rừng ở Tây Nguyên đang có nguy cơ bị suy giảm về diện tích và chất lượng rừng.

Câu 4: 

Ngành lâm nghiệp của vùng gồm các hoạt động khai thác, chế biến lâm sản và trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

- Năm 2021, sản lượng gỗ khai thác của vùng là 753,7 nghìn m³, riêng tỉnh Đắk Lắk chiếm 50,3% sản lượng gỗ khai thác toàn vùng. Ngoài ra, một số loại lâm sản ngoài gỗ như: măng, dược liệu,... cũng được khai thác tạo thêm sinh kế cho người dân.

- Trồng rừng cũng đang được chú trọng. Gia Lai có diện tích rừng trồng mới hằng năm lớn nhất trong vùng

Công tác quản lí, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên đã được tăng cường; đặc biệt là bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Các khu dự trữ sinh quyển của thế giới Kon Hà Nừng (Gia Lai), Lang Biang (Lâm Đồng) và các vườn quốc gia như: Chư Mom Ray (Kon Tum), Yok Đôn (Đắk Lắk, Đắk Nông), Chư Yang Sin (Đắk Lắk),... được bảo vệ để bảo tồn nguồn gen và các hệ sinh thái rừng của vùng.

Câu 5: 

- Tây Nguyên có trữ năng thuỷ điện lớn thứ hai sau vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Trữ năng thuỷ điện của vùng tập trung ở một số hệ thống sông như Sê San, Srêpôk, Đồng Nai,...

- Nhu cầu sử dụng điện để phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng trong xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thuỷ điện trong vùng.

- Tuy nhiên, mùa khô ở Tây Nguyên kéo dài, nguồn nước trong các hồ thuỷ điện hạ thấp ảnh hưởng đến công suất phát điện của các nhà máy.

Câu 6: 

- Tây Nguyên phát triển thuỷ điện lớn thứ hai cả nước. Sản lượng thuỷ điện sản xuất năm 2021 chiếm khoảng 20% tổng sản lượng thuỷ điện của cả nước. Trong vùng đã xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện. Trên lưu vực sông Sê San đã có các nhà máy thuỷ điện lớn như: Ialy (720 MW), Sê San 3 (260 MW), Sê San 3A (108 MW), Sê San 4 (360 MW),... Trên lưu vực sông Srêpôk có các nhà máy thuỷ điện là Buôn Kuốp (280 MW), Srêpôk 3 (220 MW), Srêpôk 4 (80 MW), Buôn Tua Srah (86 MW),... Trên sông Đồng Nai có các nhà máy thuỷ điện là Đồng Nai 3 (180 MW), Đồng Nai 4 (340 MW),...

- Việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện trong vùng đã cung cấp nguồn điện thúc đẩy kinh tế phát triển; điều tiết nước, giữ mực nước ngầm, ngăn lũ lụt; phát triển giao thông, nuôi trồng thuỷ sản và du lịch.

Câu 7: 

- Tây Nguyên có trữ lượng bô-xít lớn nhất cả nước (khoảng 8,2 tỉ tấn), chiếm gần 90% trữ lượng cả nước, phân bố chủ yếu ở Lâm Đồng, Đắk Nông.

- Nhu cầu của thị trường về sản phẩm a-lu-min và nhôm lớn, nhiều chính sách ưu

tiên phát triển ngành theo hướng phát triển bền vững là động lực thúc đẩy các ngành

khai thác và chế biến bô-xít ở vùng.

- Khai thác bô-xít thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng Tây Nguyên. -

- Các mỏ khai thác bô-xít chủ yếu tập trung ở hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông. Quặng bô-xít được khai thác để chế biến thành a-lu-min, nguyên liệu chính để sản xuất bột nhôm. Năm 2021, các nhà máy trong vùng sản xuất được khoảng 680 nghìn tấn a-lu-min. Hai cơ sở chế biến a-lu-min và bột nhôm là Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).

- Phát triển công nghiệp khai thác bô-xít cần đi đôi với công tác bảo vệ môi trường.

Câu 8:

- Tây Nguyên có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch:

+ Tài nguyên du lịch: Các tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị trong vùng như: Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Măng Đen,... khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng, Lang Biang; nhiều thác nước, hồ đẹp như hồ Lắk, Biển Hồ,.... Tài nguyên du lịch văn hoá nổi bật là Không gian văn hoá Công chiêng Tây Nguyên, các di tích lịch sử – văn hoá, các làng nghề truyền thống, các lễ hội đặc sắc như: lễ hội cà phê, lễ hội trà Bảo Lộc, Festival hoa Đà Lạt...

+ Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ cho ngành du lịch đã được chú - trọng đầu tư, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lí, vận hành du lịch ngày càng tốt hơn, tạo thuận lợi cho du lịch của vùng phát triển.

- Tuy nhiên, các thiên tai, điều kiện về cơ sở hạ tầng, giao thông còn hạn chế gây khó khăn nhất định cho phát triển du lịch của vùng.

Câu 9: 

- Số lượng khách du lịch ngày càng tăng trong giai đoạn 2010 – 2019, năm 2019 đạt khoảng 6,6 triệu lượt khách. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số lượng khách du lịch năm 2021 giảm còn dưới 3 triệu lượt khách. Từ năm 2022, số lượt khách du lịch đến vùng có xu hướng phục hồi.

- Các loại hình du lịch chủ yếu trong vùng là du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng. Một số điểm du lịch nổi bật ở Tây Nguyên là Buôn Đôn, Măng Đen, Bảo tàng cà phê Buôn Ma Thuột, hồ Lắk, Lang Biang.... Các trung tâm du lịch trong vùng là Đà Lạt và Buôn Ma Thuột.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác